Sunday, October 31, 2010

Làm thầy giáo dạy tin học rất cực!


Bây giờ đang là mùa cưới, thiệp cưới bay như bươm bướm. Hai Ẩu cũng đang ngồi tiếp một chú em đến mời dự đám cưới. Lâu ngày gặp nhau, hai anh em cùng trò chuyện. Hai Ẩu khen xã giao:
  • Dạo này công việc chú em ra sao? Chắc làm ăn khấm khá nên mới có tiền cưới vợ phải không? 
  • Cũng thường thôi anh Hai, em cũng vẫn đi dạy tin học văn phòng ở mấy trung tâm. Thu nhập cũng tạm được.
Hai Ẩu cười nói: Ờ, cái nghề của chú mày nhàn mà cũng có tiền đấy!

Chú em cãi lại: Không nhàn đâu anh ơi! Cực hơn mấy ông giáo viên dạy ở trường học nhiều, còn so với mấy ông chuyên gia dạy tin học cao cấp cỡ CCNA, CCNB gì đó thì lương thấp hơn nhiều lần mà khó khăn thì gấp bội.


Hai Ẩu ngạc nhiên hỏi vì sao như vậy thì chú em giải thích:
  • Ở trường học, học sinh cùng một lứa tuổi, trình độ tuy có khác nhau nhưng nhìn chung cũng có nền tảng kiến thức tương đương, còn học viên tin học văn phòng thì đủ lứa tuổi, đủ thứ trình độ anh ạ. Anh nghĩ coi, phải giảng sao cho thế hệ 8X, 9X hiểu, mà cả thế hệ 4X, 5X cũng tiếp thu được. Có cực không chứ?
Hai Ẩu gật gù, nói: Đúng là khó, chú mày cực thiệt! 
  • Chưa hết. Trong lớp có học viên mới học cấp 2, có người là kỹ sư, tiến sĩ… Anh nghĩ coi, mình giảng “bình dân học vụ” quá thì mấy bậc trí thức chê, còn giảng cao siêu quá thì mấy vị “bình dân” chê là khô cằn như sỏi đá. Khổ cái là em cũng chỉ mới tốt nghiệp trung cấp tin học, dạy mấy ông trình độ đại học, cao học “sượng” lắm anh ạ.
Hai Ẩu lại gật gù: Khó, khó quá. Cực lắm!
  • Chưa hết. Những người đi học gồm nhiều ngành nghề khác nhau, có người làm nghề xây dựng, có người là kế toán, có người lại là giáo viên… Vì thế cùng là tin học văn phòng nhưng lĩnh vực ứng dụng mỗi người mỗi khác, các bài tập ứng dụng phải sao cho họ có thể vận dụng vào công việc của mình. Anh Hai biết không, mấy khóa trước có một cô kế toán đi học, cổ cứ hỏi cách làm kế toán bằng Excel, báo hại em phải về nhà tìm hiểu về kế toán gần chết mới hướng dẫn cho cổ được.
Hai Ẩu suýt xoa: Ôi, thế thì cực quá! 
  • Chưa đâu, hướng dẫn ở lớp không xong, hết giờ em còn phải về tận nhà cổ, giúp cổ làm các bảng tính kế toán. Cứ y như là em làm nghề kế toán vậy đó!
Hai Ẩu an ủi: Anh thông cảm cho chú em, những người có lương tâm nghề nghiệp như chú em rất cực. 
  • Chưa hết nỗi cực đâu anh Hai. Để em giới thiệu cái cô kế toán đó cho anh Hai, anh mới thấu cho sự cực khổ của em.
Chú em vừa nói, vừa mở tấm thiệp cưới ra, chỉ vào tên… cô dâu, bẽn lẽn nói: Tên cô đó đây nè. Bi giờ cổ là cô dâu, còn em là… chú rể!

Hai Ẩu trố mắt nhìn, rồi thốt lên: Đến nước này thì anh phải thừa nhận rằng làm thầy giáo dạy tin học như chú mày đúng là…cực thiệt!
___
eChip tháng 11/2006

Chuyện ở nhà ga


Hai tay xách hai cái giỏ đệm, hắn dáo dác nhìn quanh, rồi mạnh dạn bước vào. 

Đúng là chỗ hắn cần đến để mua vé tàu về quê: nhà ga. Gian nhà rộng, mấy hàng ghế lủ khủ người ngồi, ai cũng kè kè hành lý trên tay như hắn. Họ đang chờ mua vé tàu đây mà.

Hắn lẳng lặng tiến vào trong, định đi thẳng đến cái quầy có bà cô đang nhăn nhó để mua vé, nhưng một gã choai choai ngồi ngoài lườm hắn rồi gọi: Ông anh, có trật tự chứ! Ra đây ngồi chờ tới lượt.

Hắn biết lỗi, vội tíu tít xin lỗi rồi bước ra ngồi chờ cạnh gã choai choai nọ. Vẫn ôm khư khư 2 cái giỏ đệm, hắn bắt chuyện làm quen:
  • Xin lỗi chú em, qua ở quê lên nên không biết. Mình chờ có lâu không chú em?
Gã lầu bầu: 
  • Ông anh chờ không dưới 2 tiếng tui chết liền!

Hắn ngẫm nghĩ: Mình chưa mua vé tàu lần nào, nhưng coi báo cũng biết là chầu chực lâu lắm. Thôi thì 2 tiếng cũng được chứ biết làm sao.

Gã kia lại lầu bầu: Mà vô đó xong thì đâu phải đã xong đâu. Lại nhận một cái giấy hẹn, chẳng biết đến bao giờ.

Hắn nghĩ: Thì mua vé xong phải có ngày giờ trong vé để lên tàu chứ! Gã này khó chịu thiệt. Ờ, mà sao gã lại bảo chẳng biết đến bao giờ nhỉ?

Hắn đưa mắt nhìn quanh, những người ngồi đây đa số đều mang hành lý là những cái thùng gì đó, nhưng cũng có người mang những gói giấy chút xíu, thậm chí chẳng thấy cầm cái gì cả (chắc là bỏ túi), chẳng ai xách giỏ đệm như hắn. Điểm chung là mọi người đều không vui vẻ, kẻ bực dọc, người cáu kỉnh, kẻ rầu rĩ, người nhăn nhó. Có người luôn miệng lẩm bẩm tiếng chửi thề. Hắn định hỏi gã choai choai bên cạnh thì cùng lúc gã cũng tò mò nhìn sang cái giỏ đệm của hắn, gã hỏi:
  • Ông anh… hư cái gì vậy?
Hắn tròn mắt ngạc nhiên không hiểu câu hỏi nghĩa là sao, hay là mình quê mùa quá nên vừa làm điều chi thất thố khiến gã mắng mình hư? Hắn trả lời: Tui… tui đâu có hư! Sao chú em hỏi kỳ dzậy?
Đến lượt gã choai choai ngạc nhiên: Hổng hư gì hết bộ khùng sao vô đây để bị hành xác!

Hắn kêu lên: Chớ bộ đây không phải nhà ga sao?

Gã choai choai cùng tất cả mọi người đang ngồi đều bật cười. Gã nắm tay hắn lôi ra cửa, chỉ lên tấm bảng hiệu to đùng: TRUNG TÂM BẢO HÀNH MÁY TÍNH X., rồi giải thích:

Đây là Trung tâm bảo hành máy tính bố ơi. Máy tính, linh kiện mình mua của công ty X bị hư, mình phải đem vô đây xếp hàng chờ, họ kiểm tra, nhận máy và ghi cho mình một cái biên nhận chứ đâu phải vé tàu. Còn chừng nào họ bảo hành xong, hẹn tới hẹn lui bao nhiêu lần, có sửa được hay không thì có… trời mới biết bố ạ!
___
eChip tháng 10/2006

Friday, October 29, 2010

Chơi đẹp!

Điều khủng khiếp đã xảy ra. Máy tính của tôi không khởi động được, và cũng không đọc được ổ cứng. Đành phải mang ra tiệm sửa chữa thôi. Tôi nghĩ đến những tình huống có thể xảy ra mà tê tái cả cõi lòng. Tình huống “dễ chịu” nhất là gã kỹ thuật viên sẽ xỉa xói rằng sao mà ông ngu thế, chẳng biết sử dụng máy chi cả khiến cho nó bị hư; rồi hắn sẽ sửa chữa và tính chi phí cho tôi bằng một cục tiền thật to. Tình huống xấu hơn là cùng với việc bị mắng nhiếc nặng nhẹ và tốn tiền, tôi sẽ bị mất toàn bộ dữ liệu trên đĩa (có thể do virus đã tàn phá sạch, cũng có thể do gã kỹ thuật viên gà mờ làm mất dữ liệu trong quá trình sửa chữa). Dù tình huống nào cũng đành cắn răng mà chịu vì “số kiếp” đã như thế rồi. Tôi cột máy tính lên xe, chở ra tiệm.

Vừa tới cửa tiệm, ông chủ đã vội gọi nhân viên ra bê máy vào giúp tôi. Tôi chưa kịp nói tiếng nào thì anh ta đã niềm nở mời ngồi và gọi ngay cho tôi một ly cà phê đá. Tôi toát mồ hôi hột, lòng tràn ngập lo âu vì chẳng hiểu sao anh ta lại… tử tế đến như vậy.

Trong khi đó thì đích thân ông chủ đã kiểm tra máy cho tôi, anh ta kêu lên khe khẽ: Ôi cha, virus nhiều quá đây mà! Tôi biết thân biết phận vội nài nỉ: Làm ơn diệt virus dùm tôi, làm ơn đừng xóa mất dữ liệu trên đĩa…


Anh ta cười thân thiện: Nhiệm vụ của tụi tôi là giúp ông anh mà. Yên tâm đi, dù khó khăn cách mấy tụi tôi cũng quét sạch virus và bảo toàn dữ liệu cho ông anh. Ông anh uống cà phê chờ nhé, vì vụ này cũng hơi mất thời gian.

Nói xong, anh ta bắt tay vào xử lý liền – không giống như mọi khi vẫn quăng máy vào một góc, hẹn vài ngày sau quay lại. Tôi ngồi uống cà phê mà tay chân run lẩy bẩy, không phải vì lo mà vì băn khoăn không thể hiểu anh ta bị… bệnh gì mà tốt “đột xuất” đến như vậy.

Hơn một giờ sau, công việc đã xong, máy đã chạy bình thường, nhưng gương mặt ông chủ bỗng đăm chiêu, anh ta nói: Hết virus rồi, nhưng đĩa cứng có một số bad sector, nếu không lưu ý thì nó sẽ hư, và lúc bấy giờ sẽ mất dữ liệu. Tôi vội vã nói: Cám ơn anh, tôi sẽ lưu ý. Bây giờ anh tính bao nhiêu tiền để tôi thanh toán?

Anh ta gạt đi, bảo: Cái này làm giúp ông anh thôi, tiền bạc gì! Để tôi xử lý tiếp cho anh cái đĩa cứng. Đĩa cũ của anh mới xài có… 4 năm rưỡi, mà ổ cứng này bảo hành đến 5 năm. Để tôi thay cho ông anh cái ổ cứng mới cho an toàn.

Nói là làm, anh ta thay ngay cho tôi cái ổ cứng mới toanh, sao chép toàn bộ dữ liệu từ ổ cứng cũ sang. Sau đó anh giao lại cho tôi máy tính với ổ cứng mới, hoạt động bình thường và không tính một xu chi phí.

Đến đây tôi suýt té xỉu trước lòng tốt quá đáng và bất ngờ này. Tôi lén thò tay xuống đùi ngắt một cái thật đau để xác định mình không nằm mơ. Ui da, không phải nằm mơ! Tôi lấy hết sức bình tĩnh để hỏi một câu: Sao… sao chơi đẹp vậy?

Ông chủ mỉm cười nói: Tuần này ngày 13/10 là ngày tôn vinh doanh nhân, ngày 15/10 là ngày báo eChíp tôn vinh hiệp sĩ công nghệ thông tin. Tôi là doanh nhân công nghệ thông tin, không chơi đẹp sao được hở ông anh?

Ra thế! Đến đây đã lấy lại được bình tĩnh, tôi hỏi: Sau tuần này vẫn chơi đẹp như thế chứ?
  • Sau tuần này à? Hừ, chuyện đó còn phải tính lại. Hãy đợi đấy!
___
eChip tháng 10/2006

Tâm sự một Giám đốc trẻ

(Hai Ẩu ghi lại theo lời kể của một bạn trẻ)

Tôi là một giám đốc trẻ, như người ta vẫn gọi là: Giám đốc thế hệ 8x. Tôi chỉ mới tốt nghiệp đại học chưa lâu, và cũng chẳng phải loại giỏi. Có hề gì, Bill Gates thậm chí chẳng có mảnh bằng đại học nào mà vẫn là tỷ phú, chủ tịch tập đoàn Microsoft. So với Bill Gates, tôi hơn hẳn một tấm bằng.

Tôi có đi làm vài tháng cho một công ty máy tính nọ, nhưng người ta không cho tôi làm sếp mà chỉ cho làm nhân viên. Như thế thì làm sao “phất” lên được, và quan trọng là làm sao mà có nhiều tiền được? Thế là tôi nghỉ làm. Tôi đọc báo thấy đăng nhiều đứa cỡ tuổi tôi mà đã làm giám đốc, oai hẳn lên, và được báo chí ca ngợi hết lời. Tôi xem phim Việt trên ti-vi, thấy mấy chàng mấy nàng choai choai như tôi đã lập công ty ì xèo, nói chuyện về kinh doanh xí xô xí xào như mấy bà Tám ngoài chợ. Thế thì tôi, một chàng trai năng động thế hệ 8x, hà cớ gì tôi lại không thể là giám đốc cơ chứ?


Nghỉ việc, tôi làm thủ tục thành lập ngay một công ty máy tính. Chuyện nhỏ! Tôi đương nhiên trở thành giám đốc của công ty.

Tôi tuyển nhân viên làm việc cho mình. Những cộng sự tôi nghĩ đến đầu tiên là lũ bạn học. Tiếc thay, gặp đứa nào đứa nấy đều trả lời là đang bận. À, chúng không làm nhân viên cho công ty nào cả, bọn chúng bận làm… giám đốc công ty (vì chúng có suy nghĩ y hệt như tôi)!

Bí quá, tôi đề nghị thằng em đang còn đi học hãy làm nhân viên part-time cho tôi. Nó xì ngay: “Không bao vờ”! Ra trường em sẽ thành lập ngay một công ty để làm giám đốc cho sướng! “Không bao vờ” làm nhân viên cho ai cả.

Cho đến giờ công ty máy tính của tôi vẫn chưa có nhân viên. Bạn nào đọc được bài này và có ý muốn làm nhân viên cho tôi xin hãy liên lạc qua eChíp nhé!
___
eChip tháng 8/2006

Giã biệt Lệnh Hồ Xung

Nếu nhà bạn có nuôi một con chó hay một con mèo, bạn sẽ đặt tên cho nó, và gọi là Ki Ki hay Mi Mi gì đó. Còn tôi, tôi chẳng nuôi chó cũng chẳng nuôi mèo, mà chỉ có nuôi một… cái máy tính. Tôi rất cưng nó, và đặt cho nó cái tên là Lệnh Hồ Xung, bởi vì tôi rất khoái anh chàng lãng tử trong Tiếu ngạo giang hồ này.

Tài ba, lãng tử đâu chưa thấy, chỉ thấy chàng Lệnh Hồ Xung của tôi chạy càng ngày càng chậm. Chậm như rùa, rồi chậm như ốc sên. Thôi chết, nó lại giống Lệnh Hồ đại hiệp, bị nội thương trầm trọng mất rồi.


Cho đến một ngày Lệnh Hồ Xung chạy chậm đến mức không tưởng, tôi đành bế nó đi tìm người chữa trị. May sao tôi có mấy gã bạn thân là Đào Cốc Lục tiên, chúng vội sốt sắng giúp đỡ. Khốn khổ, sáu gã này mỗi gã lại phán một kiểu, chẳng biết đường nào mà rờ. Đào Căn Tiên bảo rằng máy chạy chậm chẳng qua do virus. Đào Hoa Tiên cho rằng tại đĩa cứng bị phân mảnh, phải chạy chương trình defrag để dọn dẹp lại. Đào Cán Tiên lại nói do tôi cài quá nhiều chương trình cho Lệnh Hồ Xung làm nó quá tải. Đào Diệp Tiên lu loa rằng tại các driver cài đặt bị sai, cần phải chỉnh lại… Thế rồi cả sáu gã hè nhau đè Lệnh Hồ Xung ra, mỗi gã tự trị theo cách của mình..


Qua một canh giờ, Đào Cốc Lục tiên lăn ra ngủ khì. Tôi vội đến xem chàng Lệnh Hồ Xung của mình ra sao thì… hỡi ôi! Lệnh Hồ Xung nức nở nghẹn ngào. Ấy, có nghĩa là bây giờ nó không chỉ chạy chậm, mà lại còn cà khục cà khặc, lúc nhanh lúc chậm như người ta nấc cục. Ác một nỗi nữa là không biết sáu gã tiên cài đặt driver thế nào mà bây giờ Lệnh Hồ của tôi không còn phát ra tiếng được nữa, còn hình ảnh thì thay vì 16 triệu màu như thuở nào thì bây giờ chỉ còn 16 màu nhơ nhơ nháo nháo trông chán phát khiếp.

Não nề, tôi bế Lệnh Hồ Xung đi tìm người cứu chữa. Lần này tôi gặp Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ Độc giáo. Nàng kêu lên: Thôi chết, Lệnh Hồ đại ca chạy chậm là tại thiếu RAM thôi mà, để muội nhét cho đại ca thêm thanh RAM là chạy nhanh thôi. Thế là nàng lột trần Lệnh Hồ Xung ra, cắm thêm một thanh RAM quái quỷ vào. Bấy giờ Lệnh Hồ Xung không chạy chậm nữa mà… cứng đơ, không nhúc nhích gì cả! Lam Phượng Hoàng bảo: Tại lỏng chân RAM, để muội “xử” cho. Thế rồi nàng rút cả 2 cây RAM ra, tút cho sạch sẽ, rồi gõ cành cạch vào khe cắm. Vô phương! Nàng bảo: Thôi, chắc là mainboard đi toong rồi! Giã biệt Lệnh Hồ đại ca!

Tôi đành mang bệnh nhân Lệnh Hồ Xung đã đến thời kỳ trầm trọng, đi tìm người khác. Lần này Tổ Thiên Thu là bậc danh tài xuất hiện. Y ngó nghiêng rồi phán: Vấn đề nằm ở bộ nguồn! Y lại lột trần Lệnh Hồ Xung ra, tháo bộ nguồn và thả một bộ nguồn khác vào. Chả biết y cắm dây như thế nào mà khi vừa bật nguồn thì mấy tiếng nổ lách tách vang lên và Lệnh Hồ Xung… xì khói. Bây giờ không chạy chậm, không nấc cục, cũng chẳng phải mất màu hay lên màn hình xanh lè, cứng đơ nữa, mà hoàn toàn không có tín hiệu gì. Chết ngắc!

Đến bước đường cùng, tôi đành cõng Lệnh Hồ Xung đến gặp Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ. Bạn nào đã đọc Tiếu ngạo giang hồ, chắc đều biết Bình Nhất Chỉ là một danh y, cứu được tất cả mọi con bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có điều mỗi khi y cứu một người thì phải giết một người – nên mới có biệt danh là Sát nhân danh y. Đó là trong truyện Kim Dung, còn gã Bình Nhất Chỉ tôi nói ở đây có hơi khác một chút. Gã cũng là một danh y chuyên trị bệnh cho máy tính rất xuất sắc, hầu như ca bệnh nào cũng trị được, hắn không giết người, chỉ phải cái là trị xong thì tính tiền như một nhát dao chém vào khổ chủ (cũng gần giống sát nhân!).

Đè Lệnh Hồ Xung ra khám hồi lâu, Bình Nhất Chỉ phán: Bệnh này khởi phát chẳng qua chỉ là cảm mạo phong hàn, có thể trị dứt ngay trong vòng một khắc. Thế nhưng hiện giờ có đến 7 – 8 luồng chân khí chạy nhốn nháo trong người của Lệnh Hồ thiếu hiệp đây nên khó lòng có thể điều trị được. Ta bó tay chấm com!

Tôi hốt hoảng van nài: Bình tiên sinh, xin tiên sinh ra tay nghĩa hiệp cứu dùm Lệnh Hồ Xung!

Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ mặt lạnh như tiền, phán rằng: Bình Nhất Chỉ ta có thể cứu được Lệnh Hồ Xung. Chi phí cứu chữa là 10 triệu đồng. Còn nếu giết quách Lệnh Hồ Xung đi, mua… Lệnh Hồ Xung mới thì giá là 8 triệu đồng. Ngươi hãy chọn đi!

__
eChip tháng 8/2006

Thursday, October 28, 2010

Thầy bói mù xem... Expo

Ngày nọ, có một cuộc triển lãm máy tính và các sản phẩm công nghệ thông tin rất hoành tráng, ta gọi là EXPO. Vì Expo rất hoành tráng nên rất nhiều người biết đến, kể cả mấy ông thầy bói mù, thế nên các ông vội khăn gói lên đường để xem – à không, mù thì không thể xem được, để biết thì đúng hơn – Expo này nó ra làm sao.

Sau một buổi trời tận hưởng sự tiến bộ công nghệ trong Expo, các ông ra ngồi bàn với nhau xem Expo nó giống cái gì.

Thầy bói mù thứ nhất nói:
  • Cái Expo này chắc chắn là một cuộc triển lãm... Người. Tớ đi trong đó cứ đụng người là người, đàng trước, đàng sau, bên phải, bên trái, chỗ nào cũng có người. Tay tớ sờ soạng, chạm vào đủ thứ. Nào là áo, nào là quần, nào là... đùi. Áo sơ mi có, áo ka ki có, áo lụa có... Ái chà chà, mà “phê” nhất là có khi tớ chạm vào... da, hic nó mịn màng êm ái lắm các bác ạ. Nói mới nhớ, trong ấy chắc chắn là có rất nhiều em gái tươi mát, trẻ trung, ăn mặc gợi cảm. Tớ sờ là biết ngay mà... Không sai, Expo là một cuộc triển lãm người mẫu, đủ thứ mẫu hết sức hoành tráng!

Thầy bói mù thứ hai cãi:
  • Nói thế mà nói được. Vểnh tai lên mà nghe đây này. Tớ không thấy gì nhưng tớ nghe thật nhiều. Expo đúng là một cuộc triển lãm âm thanh vĩ đại. Đủ thứ âm thanh. Tiếng nhạc này, tiếng xe chạy này, tiếng uýnh nhau, tiếng súng nổ, cả tiếng binh khí chạm nhau loẻng xoẻng như trong phim Tàu ấy chứ. Để tớ kể cho mà nghe, tớ nghe vang vang những câu nói tuyệt hay, câu này dính với câu kia, tỷ như: “Thập đại mỹ nhân... phẳng tuyệt đối... cực kỳ sắc nét”, hay là: “Đu co – Xin mời bạn hãy thử Đu co, với Đu hai co chắc chắn bạn sẽ chơi đã hơn Đu một co”. Sướng thật, chả có nơi nào mà ta có thể nghe được đủ thứ âm thanh từ cổ đại đến hiện đại, từ âm nhạc du dương đến uýnh nhau súng nổ ì đùng đa dạng đến thế. Expo chính là một cuộc triển lãm âm thanh vô tiền khoáng hậu.
Thầy bói mù thứ ba bĩu môi, chê:
  • Hai bác quả là... mù. Tớ thì tin chắc rằng Expo này là một cuộc triển lãm giấy! Các bác không cảm nhận được là giấy nhiều vô kể à? Tớ đi một tí trong ấy mà hết người này đến người kia dúi dúi vào tay tớ những giấy là giấy. Giấy láng có, giấy nhám có, giấy dày có, giấy mỏng có... Không biết có hình gì đẹp trong đó không, chỉ biết giấy nhiều vô thiên lủng, người ta gọi là tờ bướm, brồ-sua... Ở trên đầu giấy tung bay tơi tả như Mùa thu lá bay, ở dưới chân giấy xào xạc như con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô. Các bác còn tranh cãi gì nữa, đích thị Expo là một cuộc triển lãm mọi loại giấy trên cõi đời này.
Ba thầy cứ thế cãi nhau chí chóe, không ai chịu ai.

Hai Ẩu tình cờ đi ngang lúc đang có cuộc tranh cãi ấy nhưng không biết phân xử thế nào, vì bản thân mình cũng chưa rõ cái Expo ấy triển lãm thứ gì. Các bạn nào đã từng đi dự Expo ấy xin mời gửi mail đến eChip giải thích cho các thầy bói mù rõ Expo đã triển lãm những thứ gì, kẻo mấy ổng cứ cãi nhau hoài còn thời gian đâu để đi làm... thầy bói!
___
eChip tháng 7/2006

Thư gửi các bạn thí sinh đại học


Tuần này Hai Ẩu nhận được thư của một bạn trẻ gửi đến các thí sinh đại học, xin được đăng để các bạn tham khảo
HAI ẨU
Các bạn thân mến,

Khi các bạn đọc những dòng này cũng là lúc các bạn thi đại học đợt 1, đợt 2 đã xong quách cả rồi. Các bạn đã qua một thời gian mệt mõi, căng thẳng... y chang như tui hồi đó. Nhưng cũng chưa yên thân đâu, bi giờ là bắt đầu một giai đoạn hồi hộp, lo âu... không biết mình sẽ bảng vàng vinh quy bái tổ hay rơi như cánh nhạn là đà (cũng y chang như tui hồi đó!). Và đến khi có kết quả thi, tui dám cá độ... chấp một trái rưỡi là các bạn sẽ thất vọng não nề, tràn trề ai oán vì... thi rớt, bởi bao giờ số người rớt cũng nhiều hơn số người đậu (y chang như tui hồi đó!).

Các bạn biết hông, hồi đó tui rất khoái vọc máy tính nên quyết định thi vào khoa công nghệ thông tin, trường đại học... Nào ngờ đâu sức người có hạn mà thánh nhân chẳng chịu đãi kẻ khù khờ, nên tui rớt một cái bịch. Quả là sét đánh ngang tai, đất trời sụp đổ. Quá thất vọng, tui biếng ăn, mất ngủ, chẳng còn tâm trí làm gì cả. Thế rồi thời gian dần trôi qua, tui chuyển dần từ trạng thái “ngày không ăn, đêm không ngủ” sang “đêm không ăn, ngày không ngủ”. Tui đã tìm ra giải pháp các bạn ạ!


Có một công ty tin học, thấy tui quá say mê máy tính nên đồng ý nhận vào học việc – và phụ việc ở bộ phận sửa chữa máy tính của công ty họ. Vốn dĩ rất ghiền máy tính, nên tui vào đây như cá gặp nước. Tui vừa học vừa làm, toàn là đụng những việc rất thực tế nên mau tiến bộ lắm các bạn ạ. Sướng nhất là mỗi lần sửa được một pan khó, hay phát hiện ra một điều mới lạ. Có lẽ nó còn sướng hơn cả khi các bạn làm bài thi đạt điểm 10 nữa. (Điều khác nhau rõ nhất là khi các bạn đạt điểm 10 thì cùng lắm chỉ được thầy khen, còn tui mỗi khi sửa được pan khó thì ngoài việc được khách hàng khen, lại được họ “bồi dưỡng” nữa).

Sau một thời gian, sếp thấy tui làm việc cũng được, bèn chính thức nhận tui làm việc cho công ty (không chỉ là học việc như trước) và có trả lương đàng hoàng. Có tí tiền lương, tui bèn đăng ký học một số chứng chỉ tin học quan trọng. Hi, điều này cũng có tí chút khác so với các bạn sinh viên ở đại học: tui học đúng cái mình thích và cái mà khách hàng của mình cần, thay vì phải học suốt 4, 5 năm ở trường đại học với đủ thứ môn! Và cái này mới là quan trọng: Nếu các bạn sinh viên học lý thuyết đơn thuần mà chưa hề va chạm thực tế, thì tui học lý thuyết sau khi đã trãi qua các kinh nghiệm thực tế, có cơ hội nghiệm lại những điều mình đã làm càng hiểu sâu hơn vấn đề và thấy thú vị hơn nhiều, các bạn ạ.

Mới đây, công ty tui nhận một nhân viên kỹ thuật mới. Hi hi, tưởng ai xa lạ, hóa ra thằng bạn tui hồi còn học phổ thông. Nó học giỏi nên hồi đó đã thi đậu đại học trong khi tui thi rớt. Bi giờ mới tốt nghiệp đại học, nó xin vô công ty tui làm. Hi hi, đàng nào tui cũng là ma cũ với 4 năm kinh nghiệm, còn nó là ma mới nên phải làm “lính” của tui. Vị trí, mức lương của nó trong công ty thấp hơn tui đã đành, mà trình độ chuyên môn của nó so với tui cũng thua cả một trời một vực. Trước một sự cố máy tính, tui chỉ cần liếc qua cũng biết phải giải quyết như thế nào, trong khi nó phải ngồi ngẩm nga ngẩm nghĩ mà vẫn chưa biết tại sao có sự cố đó và giải quyết ra sao (chắc đang phải... ôn bài).

Thế đấy các bạn, tui không phủ định tầm quan trọng của việc học đại học (vì bản thân tui cũng đang thèm được học đại học lắm), và có thể thằng bạn tui sẽ có tốc độ phát triển cũng như thăng tiến tốt hơn tui nhờ có nền tảng vững chắc ở đại học, nhưng điều tui muốn nói với các bạn là: Thi rớt đại học chưa chắc là xui, có khi cũng “ngon” lắm, như trường hợp của tui đây chẳng hạn.

Bài viết này của tui không nhằm khuyên các bạn hãy nên... thi rớt, cũng chẳng dám hướng dẫn điều gì, chỉ mong rằng nó giúp các bạn giải tỏa bớt những hồi hộp, lo âu trong mùa thi vốn làm cho chúng ta rất mệt mõi, hoang mang (y chang như tui hồi đó). Ba mẹ, người thân các bạn chắc cũng đang lo âu, hồi hộp không kém gì các bạn. Để các bậc người lớn ấy yên lòng, các bạn hãy cho họ đọc bài này và hát: “Nè má Sáu, con nói cho má nghe. Má đừng có quýnh, má đừng có lo...”

Thân ái chào các bạn.
 ___
eChip tháng 7/2006

Dịch thuật

Tớ chơi trò dịch thuật với một chuyên gia tiếng Anh.
Hắn đọc một câu tiếng Anh, tớ sẽ dịch câu đó ra tiếng Việt.
Hắn đọc: Let it be!
Tớ dịch ngay: Hãy để sự việc diễn ra như thế!
Hắn nói: Sai bét, dịch là Kệ mẹ nó!
Hắn đọc tiếp: The tomb of his father.
Tớ dịch: Ngôi mộ của cụ thân sinh anh ấy.
Hắn nói: Sai bét, dịch là Cái mả cha nó!
Tớ nổi nóng, đọc một câu tiếng Anh cho hắn dịch: Fairy Teacher Father You!
Hắn nghệch mặt ra, hỏi: Là cái gì?
Tớ gào lên: Là Tiên sư cha mày!

Tiến sĩ Xê-Vê


Hôm nay Hai Ẩu được vinh dự tiếp chuyện với tiến sĩ CV. Thú thiệt, với trình độ non yếu của mình, Hai Ẩu chẳng thể nào hiểu nổi tiến sĩ CV là chuyên gia về lĩnh vực gì, chỉ biết rằng được trò chuyện với tiến sĩ thì thật là “oai”.
Xin được dài dòng một tí để giải thích vì sao Hai Ẩu lại có được cái vinh dự này. Số là ông tiến sĩ CV này đang sử dụng Word trên máy tính và bấm Ctrl-C, Ctrl-V để copy và paste cái gì đó, chẳng biết tay ma cà bông nào gán phím hay cài đặt phần mềm lạ khiến ổng bấm Ctrl-C, Ctrl-V thì Word chẳng chịu copy và paste nữa. Ổng đành cầu cứu Hai Ẩu.

Hi hi, với các đại ca sành sõi trong việc sử dụng máy tính thì có lẽ đây chỉ là trò mèo, nhưng với Hai Ẩu thì đây là cơ hội có một không hai để làm quen với tiến sĩ. Các bạn có thể thắc mắc sao tiến sĩ lại kém thế, chỉ khắc phục sự cố nho nhỏ trên máy tính mà cũng không biết? Ậy, ông CV là tiến sĩ ngành nào khác chứ đâu phải ngành công nghệ thông tin – mà ngay cả nếu ổng là tiến sĩ công nghệ thông tin đi nữa cũng chưa chắc giải quyết được chuyện vặt này, vì tiến sĩ là để giải quyết đại sự chứ đâu phải dành cho chuyện vặt!


Ngồi bên cạnh tiến sĩ CV, Hai Ẩu thấy trên kệ của ổng cả chồng đĩa CD. Toàn là luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên các trường Kinh tế, Bách khoa, Luật... Hai Ẩu nghĩ thầm đây là luận văn của học trò tiến sĩ, nộp cho thầy để chấm. Hai Ẩu hỏi thì tiến sĩ CV nheo mắt cười, trả lời:
  • Hê hê, đâu phải. Mấy món đó là đồ nghề tớ xài hồi làm luận văn tốt nghiệp đại học đó. Hồi đó mình đâu có học hành, nghiên cứu gì – sẵn có luận văn người ta làm sẵn, bán đầy ngoài chợ mình mua về ráp từng khúc, từng khúc lại thành của mình. Cũng nhờ sự tiến bộ của tin học, mình khỏi mất công chép lại, chỉ việc select rồi copy rồi paste qua luận văn của mình. Hí hí, thậm chí mình cũng chả có thời gian đọc xem mình đã copy cái gì nữa. Thế mà cũng có được luận văn dầy cộp. Thầy đọc xong cũng phải nghiêng mình kính nể. Thế là tốt nghiệp đại học chứ sao!
Hai Ẩu ngớ người ra, cảm phục:
  • Có chuyện đó sao?
Tiến sĩ CV vẫn cười hề hề, kể tiếp:
  • Phát huy truyền thống, lại cộng với sự phát triển của Internet, tớ bê nguyên cả “công nghệ” ấy vào làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Tớ đi ra chợ mua luận văn tốt nghiệp của sinh viên – à, mà này, cả luận văn thạc sĩ, tiến sĩ cũng có đầy trên CD ấy chứ không chỉ luận văn tốt nghiệp đại học đâu nghen – rồi vô Internet ngó sơ sơ coi có gì hay không, nếu có thì cứ thoải mái select rồi copy rồi paste qua luận văn của mình. Công trình của tớ quy mô, đồ sộ đến mức tớ cũng... chả biết mình đã viết gì trong đó.
CV đắc ý nói tiếp:
  • Phải nói là tớ rất cảm ơn cái thằng cha nào đã phát minh ra máy vi tính, nhờ nó mà tớ chả cần suy nghĩ, nghiên cứu gì ráo trọi, thậm chí chả cần viết nữa mà vẫn “sản xuất” được hàng lô hàng lốc công trình nghiên cứu. Chỉ cần Ctrl-C rồi Ctrl-V, Ctrl-C rồi Ctrl-V... Cậu cứ nhìn xem các công trình của tớ trên tủ đây là rõ.
Hai Ẩu nhìn lên tủ, xếp lớp những tập luận văn dày cộp, có tựa đề là: “Một số vấn đề về..”, “Một số suy nghĩ về...”... Lòng Hai Ẩu cảm phục không sao kề xiết.

Trong lúc Hai Ẩu đang ngắm nghía tủ sách thì tiến sĩ CV tiếp tục làm việc trên máy tính. Nhìn những ngón tay của CV thoăn thoắt bấm Ctrl-C, Ctrl-V, Hai Ẩu thầm nhủ: Mình không đủ trình độ để hiểu những công trình nghiên cứu của tiến sĩ CV, nhưng chỉ xét riêng trình độ bấm phím Ctrl-C, Ctrl-V thì quả là CV đã đạt trình độ siêu hạng, ăn đứt tiến sĩ ấy chứ!

Và rồi Hai Ẩu cũng hiểu ra: Thảo nào ông ấy được gọi là tiến sĩ CV!
___
eChip tháng 7/2006

Bà già bán vé số và ông tiên

Bà già cầm xấp vé số bước vào quán, miệng rao: Vé số chiều xổ đêêê! Vé số chiều xổ đêêê!

Thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang ngồi uống bia, ra dáng dân nhàn nhã, sang trọng, bà bước đến mời chào: Mua dùm bà lão mấy vé đi ông anh ơi! Phật Trời phù hộ chiều nay ông anh trúng độc đắc.

Ông già vênh râu nhìn bà già bán vé số, nói: Nhìn kỹ lại đi bà già ơi, ta là Tiên mà. Đã là Tiên thì muốn có gì chỉ việc hô biến là có, cần chi phải mua vé số hả?

Bà già trố mắt nhìn. Ờ, có vẻ là Tiên thật. Bà bèn lên tiếng cầu xin:
  • Ông ơi, ông là Tiên thật sao? Tiên có phép phải không? Vậy Tiên giúp cho bà già khốn khổ này vài điều ước đi.
Ông Tiên (đó là ta đoán vậy) tu một ngụm bia rồi trả lời bà già:
  • Cũng được, đã là Tiên thì phải giúp người nghèo khổ. Thế nhưng bà hãy nói xem bà ước muốn, cầu xin điều gì để ta xem có thể giúp được không.

Bà già mừng quá nói ngay:
  • Dạ, mỗi ngày tôi phải lội bộ hàng chục cây số để bán vé số, thật là mỏi cái thân già này. Tiên hãy giúp tôi sao cho chỉ cần ngồi một chỗ mà có thể bán vé số cho tất cả mọi nơi.
Ông Tiên vừa uống bia vừa nhăn mặt trả lời:
  • Ờ, lời uớc chính đáng đấy, nhưng coi bộ khó thực hiện quá. Người muốn mua vé số phải tới chỗ bán vé số, còn nếu không thì người bán vé số như bà phải đi tận nơi mời chứ. Làm sao mà cả hai đều ngồi tại chỗ mà có thể mua bán vé số được chứ. Thôi, ước điều khác đi bà già!
  • Vé số phải làm sao cho người mua biết kết quả liền, chờ lâu người ta sốt ruột, làm biếng mua.
  • Ơ, cái này hình như có rồi mà. Theo ta biết đã có vé số cào, người mua chỉ việc cào là biết có trúng hay không.
Bà già phân trần:
  • Phải, phải. Nhưng cái lúc mà người ta hứng lên muốn mua vé số thì không có sẵn, còn lúc có vé số thì chưa chắc người ta sẵn tiền để mua, hoặc người ta đang bận... uống bia như ông Tiên đây vậy!
Ông Tiên uống cạn ly bia, nói với bà già:
  • Ta nói thiệt với bà, ta đây là Tiên xịn chứ không phải Tiên dỏm, thế nhưng những yêu cầu của bà phức tạp quá, ta không thể giúp ngay được. Để từ từ xem sao. Thôi, bà đi bán vé số đi, chuyện đâu còn có đó nghe bà già!
...
Không biết ông Tiên có hô biến, hóa phép gì không, nhưng hiện giờ toàn bộ những điều ước của bà già bán vé số đều đã thành sự thật. Bây giờ người ta có thể “mua vé số” mọi lúc, mọi nơi bằng cách... nhắn tin qua điện thoại. Chỉ cần gửi một tin nhắn đến một số điện thoại quy ước nào đó, người ta có thể nhận được ngay kết quả mình có trúng thưởng hay không. Giải thưởng từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu. Điều này có thể thực hiện hết sức dễ dàng bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, miễn là bạn có cái điện thoại di động và có ý định... mua vé số. Bạn có thể “mua vé số” khi đang ăn cơm, khi thức giấc lúc nửa đêm, hoặc thậm chí lúc đang trầm tư trong... toa-lét!

Còn bà già lúc này ra sao?

Bà vẫn cuốc bộ đi bán vé số.  Hình như bà phải đi nhiều hơn trước vì dạo này người ta mua vé số ít hơn, người ta còn bận “mua vé số” bằng cách nhắn tin mà!
___
eChip tháng 6/2006

Wednesday, October 27, 2010

Chạy như tôm tươi


Tôi có gã bạn là nhà văn. Gã vừa in được một tập truyện ngắn và mang đến tặng tôi. Tôi chia vui cùng gã và hỏi: Thế nào? Sách bán chạy chứ? Nhuận bút có khá không?

Gã cười hề hề: Sách biếu chạy như tôm tươi!

Thoạt nghe, tôi tưởng gã nói “sách bán chạy như tôm tươi”, định chúc mừng thì bỗng hiểu ra, tôi hỏi lại: Thế... bán được có nhiều không?

Gã tỉnh queo trả lời: Tớ đâu có biết! Chuyện đó là của bên xuất bản và phát hành. Còn tớ, phải bù thêm thêm tiền của vợ vào tiền nhuận bút mới đủ mua sách biếu đó!

Tôi thắc mắc: Thế thì ông sống thế quái nào được với cái nghề nhà văn?

Gã vẫn cười hề hề: Tớ sống bằng nghề khác chứ! Còn sách tớ được in ra, có người đọc là tớ vui rồi. Biếu cũng được, bán cũng được... Miễn là có người đọc! Hà hà!

Té ra là thế. Giá trị mà gã nhà văn này được hưởng trong việc in sách là giá trị tinh thần.
...


Tôi có gã bạn làm nghề kinh doanh máy tính. Gã vừa cho ra mắt một thương hiệu máy tính mới. Giá khuyến mãi thật rẻ, giảm 30% so với các máy tương tự, lại còn tặng thêm đủ thứ quà nữa chứ. Gặp tôi, gã khoe: Máy bán chạy như tôm tươi!

Tôi thắc mắc: Sao ông có thể bán rẻ như thế? Hàng dỏm à?

Gã cự lại: Sao lại hàng dỏm? Hàng chính phẩm đàng hoàng, chất lượng tốt. Tớ bán rẻ bởi vì... tớ bán lỗ, giá bán thấp hơn giá thành!

Tôi hoang mang: Thế... càng bán nhiều càng lỗ nhiều à? Ông có điên không vậy?

Hắn khề khà giải thích: Đấy là một chiêu tiếp thị quảng bá thương hiệu đấy! Mình bán rẻ sẽ thu hút người mua. Người sử dụng càng nhiều thì thưong hiệu máy tính của mình càng trở nên quen thuộc và nổi tiếng. Chi phí lỗ cứ xem như chi phí quảng cáo, tiếp thị vậy mà.

Té ra là thế. Giá trị mà gã doanh nhân này được hưởng chính là sự quảng bá thương hiệu của hắn.
...

Gã nhà văn lại ra tiếp một quyển sách nữa. Gã lại tặng tôi và cũng lại điệp khúc: Sách biếu chạy như tôm tươi!

Tôi lo cho hắn: Cứ thế này ông sạt nghiệp mất!

Hắn thản nhiên: Đừng lo! Đã bảo là tớ sống bằng nghề khác mà. Còn sách, ra được là tớ vui rồi, đâu cần lời lóm tiền bạc gì. Không thấy tớ đang vui đây sao?

Hắn vui thật. Tôi cũng vui lây niềm vui của hắn. Quả là có những giá trị tinh thần quý giá thật!
...

Tôi lại gặp gã kinh doanh máy tính. Gã vẫn tiếp tục cho ra những sản phẩm mới với thương hiệu của mình. Tôi hỏi thăm gã về tình hình kinh doanh. Gã trầm tư trả lời: Từ khi hết khuyến mãi bán chậm hẳn ông ạ. Mình không bán rẻ không còn thu hút khách hàng nữa. Thêm vào đó có một điều cực kỳ quan trọng, đó là: Qua đợt khuyến mãi vừa rồi, khách hàng đã có ấn tượng rằng thương hiệu của mình là giá rẻ, vì vậy có bán bằng giá các hiệu khác, người ta cũng... không chịu mua!

Tôi hỏi: Vậy bây giờ làm sao? Lại bán lỗ để khuyến mãi nữa à?

Gã nhăn mặt: Hết vốn rồi. Bán lỗ nữa để mà sạt nghiệp à?

Tôi ngờ nghệch hỏi: Vậy phải làm sao?

Gã băn khoăn trả lời: Làm sao à? Thì tôi cũng đang suy nghĩ nát óc xem phải làm sao đây này!

Tôi cảm thấy lo dùm cho gã. Dường như tôi đã đọc đâu đó nói rằng cách làm của gã cũng là một cách làm đúng để quảng bá thương hiệu, nhưng có lẽ áp dụng vào thực tế cần có những chiến lược tỉ mỉ, suy tính dài hơi và cả những uyển chuyển nhất định. Quả là phức tạp!

Tôi tạm kết luận: Có lẽ làm kinh doanh không giống với.. viết văn!
___
eChip 05/2006

Con chuột đứt đuôi

Ngày nọ, một khách hàng ăn mặc sang trọng, chỉnh tề đến cửa hàng máy tính để sửa chữa máy. Thiết bị mà ông ta mang đến sửa là một... con chuột. Một con chuột đơn giản, bình thường, màu trắng trắng, có 2 cái nút bấm – nút phải và nút trái – có một viên bi tròn tròn ở dưới bụng. Con chuột như thế này thị trường đang bán với giá khoảng 45 – 50 ngàn đồng!

Nhân viên cửa hàng sẽ ứng xử ra sao với trường hợp này?

Trường hợp 1:

Nhân viên Cu Lười ngoác miệng ra, nói: Chuột mà sửa làm gì chú ơi! Có đáng bao nhiêu tiền đâu mà phải sửa? Chú mua con chuột mới đi, có 50 ngàn đồng thôi mà!

Thế là Cu Lười không nhận sửa. Khách hàng cũng không chịu mua chuột mới, ôm con chuột hư đi chỗ khác.


Trường hợp 2:

Nhân viên Cu Lì niềm nở nhận con chuột hư từ tay khách hàng. Anh ta lúi húi kiểm tra, tháo bi ra vệ sinh sạch sẽ. Anh cẩn thận kiểm tra dây nối ở đít chuột (tức là... cái đuôi chuột ấy mà). Anh ta phát hiện thấy vài mối dây bị đứt. Thế là Cu Lì hì hục hàn lại các đầu dây bị đứt. Xong xuôi, Cu Lì cắm vào máy để kiểm tra xem chuột có hoạt động bình thường chưa.

Tốt (ít nhất là tốt tại thời điểm sửa xong, còn sau đó ra sao thì... có Trời biết!). Cu Lì vui vẻ giao trả chuột cho khách hàng và vui vẻ... tính tiền công. Biết tính bao nhiêu cho vừa nhỉ? Vì giá một con chuột mới chỉ có 45 ngàn. Thôi tính đại 20 ngàn tiền công vậy.

Khách hàng vui vẻ trả tiền, nhận chuột và ra về.

Trường hợp 3:

Nhân viên Cu Láo cũng niềm nở nhận chuột và bảo khách hàng: Anh đi đâu chơi chừng một tiếng để chờ tụi em sửa. Khi quay lại em sẽ giao chuột cho anh.

Khách hàng gửi lại con chuột và đi.

Cu Láo gỡ một con chuột đang chạy trong máy của mình ra, con này giống y chang con của khách hàng. Xong, anh ta lấy một con chuột mới toanh (giá 45 ngàn đồng) lắp lại vào máy mình.
Một tiếng sau, khách hàng trở lại. Cu Láo vui vẻ đưa con chuột vừa tháo trong máy của mình ra, đưa cho khách hàng, bảo: Em sửa xong rồi, gửi anh. Anh cho xin tiền công sửa chữa là... 50 ngàn.

Khách không phát hiện đó là con chuột khác, cũng không phát hiện rằng giá chuột mới chỉ có 45 ngàn, móc túi lấy 50 ngàn trả cho Cu Láo và mang chuột ra về. (50 ngàn có đáng là bao vì anh ta vừa uống cà phê cũng tốn hết gần cỡ đó tiền!).

Trường hợp 4:

Cu Lém cũng nhận chuột sửa chữa giống Cu Lì, nhưng khi giao lại cho khách hàng anh ta ứng xử có khác đi một chút. Anh ta bảo: Em sửa giúp anh thôi, không tính tiền. Nhưng con chuột này già quá, sắp die rồi, chắc anh cũng xài không được mấy bữa nữa. Thôi, anh cứ mang nó về, nhưng nên mua thêm một con chuột khác xơ-cua. Em giới thiệu anh loại chuột này xịn lắm, không xài bi, lại có thêm nút cuộn nữa. Có 150 ngàn thôi anh ạ.

Khách hàng cảm kích vì sự sửa “không công” của Cu Lém, và từ đó bị thuyết phục bởi sự giới thiệu của anh ta, nên vui vẻ móc túi ra 150 để mua thêm một con chuột xịn.

Thế là Cu Lém bán được một con chuột xịn, giá 150 ngàn đồng.
...

Bạn thấy đấy, cũng là dịch vụ sửa chữa, nhưng có nhiều cách ứng xử khác nhau. Nếu là khách hàng, bạn thích cách ứng xử của anh Cu nào? Nếu là ông chủ cửa hàng, bạn thích anh Cu nào? Và ngoài ra, bạn có biết thêm các ứng xử thứ 5, thứ 6 nào ngoài 4 cách nêu trên? Hãy kể cho tôi nghe với!
___
eChip 05/2006

Tuesday, October 26, 2010

Rẻ - rẻ nữa – rẻ mãi

Trùm Sò muốn mua một bộ máy vi tính. Ngặt nỗi máy tính thật là phức tạp, giá nào cũng có, từ vài triệu đến mười mấy, hai mươi triệu cũng có – mà Trùm Sò lại không rành lắm về tin học, vì vậy ông quyết định nhờ thầy bói Ngao tư vấn để mua giúp.

Hai thấy trò tới một công ty máy tính lớn đặt vấn đề mua máy. Người bán hàng đon đả giới thiệu một cấu hình máy thật xịn: bộ vi xử lý 2 nhân, đĩa cứng SATA, DDRAM II, màn hình tinh thể lỏng 17 inch... Giá cỡ 15 triệu đồng. Trùm Sò nhăn mặt, bảo thầy bói Ngao trả giá. Ngao lẳng lặng cầm bảng chào giá của công ty rồi lôi Trùm Sò đến cửa hàng khác, bảo nhỏ: Mình đi chỗ khác mua rẻ hơn, nó đã bảo đến 15 triệu thì biết trả bao nhiêu cho vừa?

Đến cửa hàng thứ hai, Ngao mô tả sơ qua cấu hình máy như đã đọc được trong bảng giá của công ty trước. Chủ cửa hàng cười hề hề cho giá ngay là 12 triệu. Ngao bấm Trùm Sò, nói nhỏ: Thấy chưa, chịu khó đi một chút, bớt được 3 triệu! Trùm Sò cũng cảm thấy hài lòng, bảo thầy bói Ngao: Vậy mình chịu khó đi chút nữa, chắc còn được bớt thêm nữa! Thầy bói Ngao đồng ý đi tiếp. Trước khi đi, anh ta kịp phát hiện một điều: trong bảng giá của cửa hàng thứ hai này, thay vì là màn hình LCD 17” thì chỉ là màn hình 17” bình thường. Ngao tặc lưỡi: Dào, thì cái nào chả là màn hình 17”, có khác gì nhau đâu mà!


Đến cửa hàng thứ ba, sau khi nghe mô tả, chủ cửa hàng cho giá 10 triệu, và giải thích: hai vị mua máy mới là phải rồi, nhưng màn hình xài loại second-hand cũng được, vì máy còn nâng cấp, còn lên đời – chứ màn hình thì lúc nào chả thế. Mà màn hình second-hand của cửa hàng em vẫn còn mới cáu ấy chứ, xài biết bao giờ hư! Ngao và Trùm Sò đều thấy rất là có lý, giảm thêm được 2 triệu nữa mà vẫn còn là màn hình 17”, có khác gì cái máy 15 triệu ban đầu chứ? Trên đà thắng lợi, hai thầy trò quyết tâm đi tiếp, tin rằng càng đi thì... giá máy càng rẻ.

Đúng là như vậy. Đến cửa hàng thứ tư, ông chủ cho giá máy còn mê ly hơn nữa: chỉ có 7 triệu đồng! Ông ta phê phán bọn cửa hàng kia là bán mắc, lừa bịp. Ông ta nói: Các vị cần chi phải dùng bộ vi xử lý hai nhân, xài con Pentium 4 là đủ rồi. Thì cũng là máy tính cả thôi, cái nào cũng chạy được Windows, Game, Office... Thế là càng đi càng hiệu quả, chỉ chịu khó tí thôi đã “lời” được hơn phân nửa rồi (từ 15 triệu xuống còn 7 triệu), Trùm Sò và thầy bói Ngao quyết định tiếp tục đi khảo giá để chọn được máy tính rẻ nhất.

Cửa hàng thứ năm, ông chủ cũng nghe mô tả qua yêu cầu rồi cho giá ngay là 4 triệu rưỡi. Trùm Sò sướng quá, nghe ông chủ giải thích: Cửa hàng em chuyên cung cấp máy tính với giá rẻ nhất cho người mua. Rẻ, rẻ nữa, rẻ mãi. Máy tính nào cũng là máy tính, bộ xử lý nào cũng là Intel, vậy thì ta chơi con Celeron cho nó “mềm”, mắc gì xài Pentium 4 cho tốn. Đĩa cứng giảm một tí, RAM giảm một tí. Miễn sao máy tính chạy được là được. Phải không hai vị? Trùm Sò và Ngao cùng gật gù hiểu ý. Và sau vài phút hội ý, họ quyết “phát huy thắng lợi”, tiếp tục đi đến điểm bán máy tính khác, hy vọng rằng sẽ đạt kỷ lục mua máy tính với giá rẻ nhất.

Đến cửa hàng cuối cùng, xem thoáng qua cấu hình máy giá 4 triệu rưỡi do cửa hàng thứ năm đề xuất, ông chủ trẻ phì cười: Hai bố ạ, con bảo đảm cung cấp cho hai bố một bộ máy tính rẻ nhất, rẻ hơn tất cả mọi nơi. Chỉ 2 triệu rưỡi thôi! Hai bố đã chọn màn hình second-hand rồi thì mua máy tính mới làm gì cho tốn tiền. Mua máy second-hand đi nhá! Cái nào chả là máy tính, cũng “y hệt” nhau thôi à. Năm năm, vẫn chạy tốt. Mười năm, vẫn chạy tốt!

Thấy rằng hành trình của mình đã quá đủ, Trùm Sò và thầy bói Ngao quyết định dừng lại ở đây. Họ chấp nhận mua một bộ máy second-hand với giá 2 triệu rưỡi đồng, chỉ bằng một phần sáu giá máy do cái thằng mắc dịch ở công ty đầu tiên cho (15 triệu đồng).

Thầy bói Ngao bình luận: Đấy, thử so sánh xem, giữa cái máy đầu tiên giá 15 triệu đồng với cái second-hand này có gì khác đâu nào. Cũng là máy tính, cũng có màn hình 17”, cũng có con chuột, cũng có bàn phím... Quả là Ngao này và Trùm Sò có mắt tinh đời mới mua đuợc máy tính rẻ đến như vậy!
___
eChip tháng 4/2006

Tin học thật là khó hiểu


Server là gì?
Serve là phục vụ, hầu hạ. Tiếp vĩ ngữ -er thêm vào thể hiện người, vật thực hiện công việc serve đó. Vậy server là người phục vụ, người hầu hạ, hay nôm na là đầy tớ. Máy server là máy đầy tớ? Không, sai rồi bạn ơi, server là máy chủ đấy nhé.

Workstation là gì?
Bus station là gì? Là trạm chờ xe buýt, tức là nơi xe buýt dừng lại. Train station là nhà ga, tức là nơi xe lửa dừng lại. Vậy Workstation là gì? Cứ suy diễn ra thì workstation chính là nơi công việc dừng lại, hay nôm na là chỗ nghỉ giải lao. Lại sai nữa rồi, workstation là máy làm việc (máy trạm), chứ đâu phải chỗ giải lao, nghỉ làm việc!

Làm sao để kết thúc?
Bạn được người ta dạy rằng không nên tắt máy tính đột ngột bằng cách ngắt điện, mà phải tắt đúng phương pháp: đó là shut down. Điều đó hoàn toàn đúng. Vậy bây giờ bạn thử nhớ lại xem bạn kết thúc (shut down) một phiên làm việc trên Windows bằng cách nào? Nhớ chưa? Muốn kết thúc, thì bạn hãy click vào nút Start (bắt đầu) (rồi mới click vào Shut Down)!!!


Default là gì?
Khi sử dụng máy tính, chắc cũng có lúc bạn chỉnh lung tung thế nào đó khiến cho máy tính hoạt động bất thường. Bạn tìm vào mục setup để chỉnh lại, và có một mục người ta khuyên bạn nên chọn là Set as default, diễn nôm là chỉnh trở lại trạng thái ban đầu. Bạn có thấy kỳ không? Trong một lô hàng, cái nào bị hư hỏng thì người ta gọi là đề-phô – đúng là chữ default này đấy bạn ạ! Bởi vì rõ ràng fault có nghĩa là lỗi mà! Tra tự điển, bạn sẽ thấy default có nghĩa là thiếu sót, vắng mặt. Hic, như vậy có nghĩa là đang bị lạng quạng thì thay vì chỉnh cho đàng hoàng lại chỉnh cho thiếu sót. Chẳng lẽ làm như vậy là trật rồi? Thế nhưng mà không sai, tại nó dzậy đó, bạn à!

Access: Truy nhập = Truy xuất
Hồi tôi mới tập tễnh học tin học, thấy chữ access, không biết nghĩa là gì. Đọc được một tài liệu, thấy họ dịch là truy xuất, đại khái là tìm để lấy ra, cũng tạm hiểu hiểu. Đến khi đọc một quyển sách khác, thấy họ dịch là truy nhập, đại khái là tìm để đi vào. Hic, tới đây thì hết hiểu! Rõ ràng nhập và xuất, ra và vào là hai khái niệm ngược nhau 180 độ. Dzậy tại sao cùng một chữ access lại có thể vừa là ra lại vừa là vào? Thế rồi bây giờ, thấy người ta dịch access là truy cập, nôm na là tìm đến. Ừ, thôi thì hiểu thế cũng được, đến xong rồi vào hay ra cũng được!!!

Quét
Khi bạn có một tấm ảnh, muốn đưa nó vào máy tính thì bạn sẽ làm thế nào? Bạn sẽ dùng một thiết bị gọi là máy quét (scanner), bạn quét ảnh và ảnh đó sẽ được lưu vào máy tính. Vậy khi bạn làm động tác quét virus (scan) thì kết quả công việc sẽ là gì? Nếu suy luận như trường hợp trên thì sau khi quét virus toàn bộ virus sẽ được... đưa vào máy tính! Hi, trong trường hợp này quét lại là quét ra ấy chứ. Thật là rắc rối.
...

Hai Ẩu và Ba Trợn ngồi “tám” chuyện như trên một hồi, rồi kết luận: Tin học quả là khó hiểu!
Ba Trợn còn bổ sung thêm: Tin học đích thị là... giống cái, bởi vì chỉ có phụ nữ mới rắc rối và khó hiểu đến như vậy!
___
eChip tháng 4/2006

Monday, October 25, 2010

Khi máy tính biến mất

Câu chuyện số 1:

Một ngày nọ, chiếc máy tính xách tay của nhà báo X bỗng nhiên biến mất. Không cần tìm hiểu nguyên nhân biến mất là gì, có thể là bị trộm, bị bỏ quên đâu đó, hay bị hư hỏng bất ngờ; điều chúng ta xem xét ở đây là hoàn cảnh của X sẽ ra sao khi máy tính biến mất.

Nhà báo X suýt nữa phải vào bệnh viện tâm thần vì cú sốc quá nặng. Tiếc của là một lẽ, vì chiếc máy tính xách tay là cả một gia tài của anh, nhưng điều quan trọng hơn, làm anh mất ăn mất ngủ - thậm chí suýt khùng là: toàn bộ dữ liệu của anh lưu trong máy đã mất sạch!

Bạn có biết chăng, đối với một nhà báo trong thời buổi công nghệ thông tin này thì gần như toàn bộ mọi tác nghiệp đều thông qua máy tính. Viết bài: nhập vào máy tính. Lưu trữ tư liệu: trong máy tính. Chụp ảnh: lưu lại trong máy tính. Tìm kiếm thông tin: qua máy tính và internet. Gửi tin, bài: qua email. Trao đổi thông tin với đồng nghiệp: qua email. Bao nhiêu bài viết dang dở, bao nhiêu tư liệu thu thập để viết bài của X đều nằm trong máy tính, và thêm nữa, tất cả các địa chỉ email để liên lạc cũng đều nằm ở đấy. Thế mà bây giờ tất cả đều biến mất, bặt vô âm tín. X trở thành kẻ trắng tay và trắng cả... cái đầu (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

X đau khổ rút ra bài học: Công nghệ thông tin giúp ích chúng ta thật nhiều, nhưng sự lệ thuộc vào công nghệ thông tin sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng vô cùng khủng khiếp nếu mất nó!


Câu chuyện số 2:

Một ngày nọ, chiếc máy tính xách tay của chủ doanh nghiệp Y bỗng nhiên biến mất. Cũng không cần tìm hiểu nguyên nhân biến mất là gì, chúng ta xem thử hoàn cảnh của Y sẽ ra sao khi máy tính biến mất.

Ông Y hơi bị choáng trước sự cố này. Ông cũng hơi tiếc của, nhưng không đến nỗi trầm trọng như nhà báo X, vì đối với một doanh nghiệp, tài sản máy tính xách tay cũng không hẳn là lớn. Tương tự nhà báo X, bao nhiêu số liệu kinh doanh, thông tin đối tác, thông tin sản phẩm của ông đã không cánh mà bay. Điều này cũng làm ông lo lắng, nhưng không đến nỗi nào. Bởi vì những số liệu quan trọng của doanh nghiệp vẫn còn nằm ở server trong hệ thống mạng của doanh nghiệp, một phần khác đã được backup (lưu trữ dự phòng) trên các đĩa CD.

Điều khiến chủ doanh nghiệp Y hoang mang nằm ở chỗ khác: Nếu chiếc máy tính xách tay của ông rơi vào tay kẻ khác thì toàn bộ số liệu kinh doanh, thứ thông tin tối mật của doanh nghiệp sẽ bị lộ. Nếu nó rơi vào tay đối thủ cạnh tranh thì quả là một bi kịch!

Y rút ra bài học: Thông tin là thứ tài sản cực kỳ quan trọng và quý giá của doanh nghiệp!

Câu chuyện số 3:

Một ngày nọ, chiếc máy tính xách tay của quan chức Z bỗng nhiên biến mất (nghe đâu vị quan chức này làm ở đơn vị tên là Pờ-Mu gì đó). Hoàn cảnh của ngài Z sẽ ra sao khi máy tính biến mất?

Không sao cả! Chuyện mất một tài sản cỡ máy tính xách tay đối với ngài Z chả là gì cả.

Trong máy tính xách tay cũng chẳng có số liệu gì để ngài Z phải tiếc. Bởi vì hầu như ngài không sử dụng máy tính để ghi nhận số liệu gì cả, cũng chẳng dùng nó để gửi mail gửi miếc gì. Nếu có tiếc chăng là tiếc một chút những đoạn phim, những hình ảnh “vui vẻ” mà thỉnh thoảng ngài vẫn thường xem để giải trí.

Xem ra trong 3 trường hợp nêu trên thì quan chức Z là người có bản lĩnh hơn cả. Ngài không hề để mình phải lệ thuộc vào công nghệ thông tin như X và Y. Bằng chứng là máy tính có mất hay còn đối với ngài chẳng để lại chút gợn nào trong công việc, trong cuộc sống.

Bình luận: Các bạn tự bình luận vậy nhé, tôi không có ý kiến.
___
eChip 04/2006

Tình tri kỷ

Trời tháng Tư nắng như đổ lửa, lòng Bá Nha đâm ra đổ quạu. Không quạu sao được khi chiều qua nàng cho leo cây. Gọi điện thoại không thèm bắt máy. Nhắn tin không thèm trả lời. Hừ, ngoài trời đã nóng mà trong lòng lại nóng hơn.

Bá Nha cáu kỉnh bật máy tính lên để làm cho xong việc, miệng lầm bầm chửi rủa trời đất: Trời ơi, nóng thế này mà phải làm việc nữa hả Trời!

Thiên bất dung gian, Bá Nha mới kêu trời xong, mở file Excel ra để làm cho xong cái bảng tính, thì thấy màn hình Excel bỗng trở nên lạ hoắc, không giống với bình thường nữa. Đầu óc rối tung lên, Bá Nha chỉnh tới chỉnh lui, càng chỉnh càng thấy quái gở. Đâu rồi dòng công thức? Đâu rồi tiêu đề dòng, tiêu đề cột...? Menu, toolbar cũng đâu mất tiêu. Làm sao làm việc đây hở Trời?

Lửa giận bừng bừng, Bá Nha nhấc ngay điện thoại gọi đến Trung tâm bảo hành, nói như hét: Mấy anh bán cho tôi cái máy tính dỏm quá! Bây giờ nó hư rồi, không chạy được. Đề nghị cho người đến kiểm tra ngay, nếu không tôi đem trả máy, đòi tiền lại! Hừ, hừ...
...


Trời tháng Tư nắng như đổ lửa, và Tử Kỳ đang nổi sùng. Không sùng sao được khi chiều qua tình cờ bắt gặp nàng đang đi chơi với thằng khác. Âu yếm vô cùng! Hừ, đã sùng mà lại gặp trời nắng, lại phải đi làm nữa chứ.

Điện thoại reng, sếp nghe máy và ra lệnh cho Tử Kỳ phải đi bảo hành. Tử Kỳ nghe xong, vừa nhăn vừa mếu, nói: Sếp ơi, cái này là lỗi phần mềm, lỗi do người sử dụng chứ đâu phải lỗi phần cứng do máy của mình bán. Theo quy định, mình đâu có phải bảo hành. Trời nắng quá, sếp cho em nghỉ một chút đi sếp!

Sếp gằn giọng, bảo: Biết vậy, nhưng khách hàng là Thượng đế, chú mày phải phục vụ khách hàng cho tốt để giữ uy tín của công ty!

Tử Kỳ uể oải vâng lệnh, xách xe lên đường, vừa đi vừa than trời than đất.
...

Tử Kỳ đến nhà Bá Nha. Nha nhìn Kỳ khinh bạc, hất mặt, nói: Đó, ông coi đi. Máy gì mà ba trợn quá, chạy tầm bậy tầm bạ... Kỳ lườm Nha, xỉa xói: Hừ, để coi, máy hư hay... người hư?

Đôi bên nhìn nhau như hai kẻ tử thù. Hai thùng thuốc súng chực chờ nổ.

Bỗng Tử Kỳ phát hiện ra sự việc chẳng có gì là ghê gớm. Chẳng qua người sử dụng đã vào phần Option để chỉnh bậy bạ khiến cho chương trình Excel có vẻ khác lạ, bây giờ chỉ cần vào Option chỉnh lại khoảng 2 phút là xong. Tử Kỳ ngồi xuống và bắt đầu chỉnh.

Cùng lúc đó, Bá Nha cũng phát hiện ra nguyên nhân của sự bất thường. Té ra tối qua sau khi bị cho leo cây, Bá Nha giận quá ngồi vào máy chỉnh lung tung khiến cho nó trở nên không bình thường.Còn bây giờ, do giận quá hóa... ngu nên không biết đường chỉnh lại.

Bá Nha ngồi xuống cạnh Tử Kỳ, nói: Xin lỗi ông nha, tối qua tôi quậy quá nên nó lung tung. Cái vụ này tôi cũng biết chỉnh đấy, chẳng qua giận quá nên...

Tử Kỳ cũng dịu xuống, hỏi: Mắc gì mà ông quậy quá vậy? Mắc gì giận tới... ngu như vậy? Hay bị... bồ đá?

Bá Nha kêu lên: Ôi, sao mà ông nói thấu tâm can tôi như vậy. Đúng là chiều hôm qua tôi bị cho leo cây ông ơi!

Tử Kỳ cũng kêu lên: Thành thật xin lỗi ông vì khi nãy hơi nặng lời. Tôi cũng như ông, hôm qua tôi bị “sang ngang” nên bữa nay nổi cộc...
...

Thế rồi hai chàng thất tình rủ nhau ra quán cà phê tỉ tê tâm sự. Máy tính không cần sửa nữa, bởi vì có hư gì đâu mà sửa.

Bá Nha – Tử Kỳ trở thành đôi bạn tri kỷ - tri âm từ đó.
___
eChip 04/2006

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với dòng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ thế hệ thứ 8

Hãy sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game, VR và giải trí ở bất kỳ đâu với máy tính được trang bị dòng bộ xử lý In...