Tuesday, November 30, 2010

Alibaba và câu thần chú

Alibaba đã quên mất câu thần chú!

À, phải nhắc một chút để các bạn nhớ. Alibaba đã rình nghe được 40 tên cướp đọc câu thần chú để mở cửa hang. Sau đó, đợi bọn chúng đi khỏi, chàng đọc lại câu thần chú ấy và chui vào hang, lấy được vô số vàng bạc quý giá. Sau đó nữa, Alibaba đã dùng mưu kế giết sạch 40 tên cướp. Từ ấy, chàng sống một cuộc đời giàu sang phú quý!

Các bạn nhớ chưa nè?

Alibaba vốn ham vui, tiền bạc sẵn có nên chẳng lo làm ăn gì cả, suốt ngày chàng chỉ lo chơi game online và cá độ bóng đá. Ăn chơi mãi thì núi cũng lở chứ nói chi của cải. Đến một ngày nọ, Alibaba hết sạch tiền.

Chuyện đó là chuyện nhỏ, vì trong hang vẫn còn vô số ngọc ngà châu báu. Chỉ cần mở cửa hang, vô rinh về là lại giàu ngay. Thế nhưng rắc rối là ở chỗ này: Sau bao ngày ham vui, Alibaba quên mất tiêu câu thần chú! Như các bạn đã biết, trên đời này chỉ có 41 người biết câu thần chú, đó là Alibaba và 40 tên cướp; bây giờ 40 tên cướp đã về chầu tiên tổ, chỉ còn lại mình Alibaba, thế mà chàng lại quên tuốt!


Chơi game nhiều quá mụ mẫm cả đầu, Alibaba chỉ còn nhớ password để chơi game chứ chẳng lần đâu ra được câu thần chú. Mà không có thần chú thì làm sao vô hang lấy tiền ra được chứ! Lo lắng, bần thần, Alibaba cầu thánh Ala giúp mình nhớ lại được câu thần chú thuở nào để được trở lại thành người sang giàu quý phái.

Đêm ấy, Alibaba nằm mơ thấy thánh Ala nhắc mình mấy chữ: Web 2.0.

Choàng tỉnh, Alibaba vội hỏi nàng Morgiane xem Web 2.0 nghĩa là cái quái gì. Nàng Morgiane thông thái trả lời ngay: Web 2.0 là mạng xã hội, là hệ thống web mà người ta có thể giao tiếp với nhau, người ta không chỉ đọc dữ liệu từ web mà còn có thể đưa dữ liệu của mình lên đó. Chẳng hạn như là Wikipedia, là blog…

Vội vội vàng vàng, Alibaba vào Wikipedia tìm mục từ Alibaba. Tại đó, chàng thấy ngoài định nghĩa Alibaba là tên một website thương mại điện tử bự chảng của Trung quốc, còn có một mục kể lại toàn bộ câu chuyện của chàng và 40 tên cướp. Trong câu chuyện ấy, câu thần chú được ghi rõ là: Vừng ơi, mở ra!

Alibaba lắc đầu chán nản. Chàng là người duy nhất trên đời biết rằng câu thần chú đó là xạo! Bởi vì hồi đó chính Alibaba đã bịa ra câu ấy để trả lời mấy tay viết truyện (ai ngu mà đem câu thần chú thiệt nói cho người khác nghe chứ?). Vì Wikipedia cho phép edit mục từ, nên Alibaba viết thêm vào đó câu: Tôi, Alibaba, xin khẳng định rằng câu thần chú thực sự không phải là Vừng ơi, mở ra. Ai biết được câu thần chú gin là gì, xin hãy thông báo cho tôi biết tại địa chỉ mail: alibaba@alibaba.com.

Alibaba chuyển qua blog. Chàng post lên một entry nhằm hỏi thăm xem câu thần chú của Alibaba là gì.

Chưa đầy 24 giờ sau, Alibaba đã nhận được vô số còm-men vào blog của mình. Chao ôi, đủ mọi loại còm-men. Chọc quê có, mỉa mai có, dạy đời có, hâm mộ làm quen cũng có, nhưng đa số vẫn là những còm-men nói cho Alibaba biết câu thần chú là gì.

Chưa hết, vì Alibaba có để lại địa chỉ mail trên blog nên tại hộp thư của chàng spam mail bay về như bươm bướm. Nội dung mail thì đủ thứ hầm bà lằng, nào là quảng cáo thuốc Viagra, nào là từ Nigeria đề nghị chàng tham gia vào một vụ chuyển tiền hàng triệu đô, nào là mời chàng lấy bằng MBA với giá rẻ mạt, có cái lại mời chàng cung cấp thông tin để đưa tên chàng vào quyển Who is Who?... dĩ nhiên cũng có vô số mail đề xuất câu thần chú.

Chính vì được giúp đỡ quá nhiều như vậy mà Alibaba bế tắc, trong cả ngàn câu thần chú ấy cái nào là nói dóc, cái nào là nói xạo, cái nào là nói giỡn, cái nào là nói đùa… chàng bí!

Cho đến giờ này, chàng Alibaba tội nghiệp vẫn đang loay hoay với cái đống hỗn độn ấy, chưa biết làm sao tìm ra câu thần chú quý hóa của mình!

Riêng tôi, tôi nghĩ câu thần chú chẳng ở đâu xa, chính là Web 2.0 mà thánh Ala đã báo mộng cho Alibaba. Tận dụng và khai thác Web 2.0, bạn có thể làm giàu cho mình về vật chất. Nếu không giàu của cải được, qua đó bạn cũng có thể làm giàu về trí tuệ và cảm xúc. Bằng không nữa, bạn cũng có thể làm cho mình giàu thêm bạn bè, giàu thêm những mối quan hệ từ khắp mọi nơi trong thế giới phẳng này, phải không các bạn?
__________
Siêu thị Số - số 6, tháng 5/2008

Đâu đông thì ta đến

Hắn buồn tình. Hắn hoang mang. Hắn đi lang thang vô vọng trên đường.

Năm ngoái, hắn thấy người người, nhà nhà hè nhau chơi chứng khoán. Người ta chơi thì hắn cũng chơi. Hắn bắt chước mọi người dốc tiền mua cổ phiếu. Đông vui ghê nơi! Chỗ nào đông vui thì ta cứ nhào vô hưởng ứng.

Thấm thoát một năm đã trôi qua. Chỉ số VN-Index ngày nào còn trên cả ngàn điểm, bây giờ chỉ còn bốn trăm mấy. Cổ phiếu hắn đang giữ trong tay sụt giá thê thảm. Gia tài của hắn đổ vào cổ phiếu đã mất đi hai phần ba.

Đã vậy, hắn lên sàn giao dịch chào bán cổ phiếu thì chẳng ai mua, vô phương lấy lại mớ tiền ít ỏi còn lại. Sàn giao dịch vắng tanh, không đông vui. Còn hắn? Hắn buồn tình. Hắn hoang mang. Hắn đi lang thang vô vọng trên đường.


Đang lang thang, hắn thấy một đám đông người đang tụ tập, ngẩng mặt lên nhìn gì đó trên trời. Thấy đông vui là phấn khởi, hắn tấp ngay vô đám đông và cũng ngẩng mặt nhìn trời.

Hắn nhìn mãi, nhìn mãi mà chẳng thấy gì lạ. Chỉ thấy những đám mây, lúc thì thành hình con chó, lúc trông giống con heo.

Nhìn đã, hắn quay qua hỏi người bên cạnh: Thấy gì không anh?
Người này vẫn ngước mặt nhìn trời, khẽ đáp: Suỵt, nhìn đi, ngó lên trời đi!

Hắn lại nhìn mãi, nhìn mãi mà cũng chẳng thấy gì. Chỉ thấy những đám mây, lúc thì thành hình con gà, lúc trông giống con vịt.

Hồi lâu sau, có lẽ không nhìn thấy gì, đám đông tản dần. Hắn cũng nản, nhưng còn ráng hỏi thăm coi người ta ngó cái gì trên trời vậy.

Chẳng ai biết, hình như là lúc đầu có ai đó chảy máu cam, ngước mặt lên trời cho bớt, rồi mọi người a dua theo thì phải.

Ấy, người ta ngó thì mình cũng phải ngó chứ!

Bỏ đám đông, hắn lại lang thang. Hắn lại thấy một đám người bu đen bu đỏ quanh một cửa hàng máy tính, hình như mua cái gì đó. Thấy đông vui là phấn khởi, hắn tấp vô ngay đám đông và cũng chen chúc để mua, dù thực sự cũng chưa biết mọi người mua cái gì!

Cuối cùng hắn cũng mua được cái mà mọi người đang chen chúc để mua. Một cái máy tính nho nhỏ xinh xinh, giá khoảng sáu triệu rưỡi đồng.

Có lẽ nhìn mặt hắn quá hớn hở và "ấn tượng", một phóng viên đứng ngoài đám đông vội bước tới phỏng vấn: Thưa anh, xin anh cho biết cảm xúc của mình khi mua được chiếc máy này?

Hắn cười khoái trá: Quá sướng! Người ta mua được thì mình cũng mua được.

Phóng viên hỏi tiếp: Xin anh cho biết từ kênh thông tin nào anh biết được về sản phẩm và đợt bán hàng này? Từ báo chí, từ người quen hay từ quảng cáo của cửa hàng?

Hắn ngơ ngác một chút rồi trả lời: Kênh nào à? Đang đi thấy người ta bu đông thì tấp vô thôi chứ kênh nào?

Hơi thất vọng với câu trả lời của hắn, nhưng phóng viên vẫn hỏi tiếp: Theo anh, với những tính năng của chiếc máy tính này thì nó sẽ đáp ứng được nhu cầu của anh như thế nào?

Hắn trả lời gọn lỏn: Làm sao tui biết được! Tui còn chưa biết nó là cái gì nữa đây. Thấy người ta bu đông để mua thì chắc là hay, mình mua theo thôi. Mà nè, sao bạn tò mò quá vậy?

Thế đó, ở đâu đông thì ta đến, ai làm gì ta làm theo. Phương châm của hắn là như vậy mà!
_____________
Siêu thị Số - số 7, tháng 6/2008

Uống cà phê đá bị đau mắt


Uống nước ngọt cần có ống hút. Uống đá chanh, cam vắt… cũng có thể dùng ống hút. Thế nhưng uống cà phê thì ai lại dùng ống hút, phải không các bạn ghiền cà phê?

Vậy mà không biết từ khi nào, người ta lại cho ống hút vào ly cà phê đá. Thí dụ ly cà phê đá ngay trước mặt tôi đây. Nhìn nó dị dị thế nào ấy!

Ngồi buồn tình, tôi bèn nghĩ ra một sự tích để giải thích tại sao người ta lại cho cái ống hút vào ly cà phê đá. Kể ra đây cho các bạn nghe chơi, nếu thấy hay thì đem đi truyền bá dùm nhé!

Ngày xửa ngày xưa, tại một quán cà phê wifi nọ, có những chàng blogger thường ra uống cà phê và mang theo chiếc laptop để say sưa blogging. Phải thừa nhận rằng đây là một thú vui tao nhã thời hiện đại. Các chàng (dĩ nhiên cũng có các nàng, nhưng để cho gọn thì câu chuyện này gọi chung là các chàng vậy) say sưa sáng tác các entry mới, đọc blog của bạn bè và hăng hái comment vào blog của họ.


Đầu tiên, có một blogger phát hiện ra rằng trong cơn say sưa blogging ấy, cứ mỗi khi uống cà phê đá thì lại nghe đau nhói ở mắt. Sẵn tiện đang blogging, chàng post một entry lên mạng nêu hiện tượng này. Chỉ ít lâu sau, vô số blogger khác comment rằng họ cũng bị bệnh lý y như vậy: Blogger bị đau nhói ở mắt khi uống cà phê đá, có khi mắt trái, có khi mắt phải.
Nghe được thông tin này, chủ quán - vốn cũng là một blogger và rất quan tâm đến khách hàng - vội tìm hiểu lý do để khắc phục.

Ông cho mời các chuyên gia bậc thầy của Bộ Y tế đến nghiên cứu thành phần cà phê để xem trong đó có độc tố gì gây ra hiện tượng đau mắt như vậy. Sau cả tháng trời nghiên cứu, các chuyên gia này không phát hiện ra độc tố gì trong cà phê có thể gây đau mắt cả. Điều đáng chú ý là chỉ khi uống cà phê đá thì mới bị đau mắt, còn uống cà phê đen (nóng) thì lại không! Như vậy, nguyên nhân không phải ở cà phê!

Vậy nguyên nhân là ở cục nước đá! Lại một đoàn chuyên gia của cục Vệ sinh phòng dịch đến, lại cả tháng trời kiểm tra chất lượng nước đá. Cũng không có kết quả gì. Hơn nữa, trà đá, đá chanh, đá me… cũng có cục nước đá giống vậy nhưng không gây đau mắt. Như vậy, nguyên nhân cũng không phải ở cục nước đá!

Chủ quán tiếp tục mời các chuyên gia của Bộ Tài nguyên Môi trường tới, kiểm tra xem môi trường có cộng hưởng gì với cà phê đá để gây ra hiện tượng đau mắt kỳ bí đó không. Các chuyên gia này đo đạc rất nhiều thông số của môi trường tại quán cà phê, nhưng bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn!

Chỉ còn một nguyên nhân cuối cùng: do chính các blogger. Thế là một đoàn chuyên gia tâm lý đến, mất thêm hàng tháng nữa để khảo sát tâm lý của các blogger, xem thử yếu tố tâm lý có ảnh hưởng chi đến việc đau mắt không. Vẫn bó tay!

Thế rồi một ngày nọ, một nhân viên pha chế của quán mới tuyển đã ngờ nghệch bỏ vào mỗi ly cà phê đá một cái ống hút, giống như ly nước ngọt, đá chanh!

Kỳ diệu thay, từ khi có ống hút trong ly cà phê, hiện tượng đau nhói mắt khi uống cà phê đá tự nhiên biến mất!

Các nhà khoa học đổ xô đến nghiên cứu để lý giải vấn đề.

Sau nhiều tháng, một luận án tiến sĩ ra đời, giải thích hết sức khoa học hiện tượng này.

Sau đây là kết quả nghiên cứu trong luận án tiến sĩ ấy:

Sau khi blogger quậy (khuấy) ly cà phê đá xong, vẫn bỏ cái muỗng trong ly, và tiếp tục say sưa blogging. Trong lúc đang say sưa như vậy, anh bưng ly cà phê lên uống, cán muỗng chọc vào mắt làm đau nhói. Từ khi có ống hút, blogger chỉ cần kê miệng vô hút chứ không nâng ngược ly cà phê lên nữa, nên không còn bị cán muỗng chọc vào mắt. Kết quả: Bệnh đau mắt khỏi hẳn!
____________
Siêu thị Số - số 8, tháng 6/2008

Sunday, November 28, 2010

Tặc… tặc tặc!

Khi Hai Ẩu bước vào thì Ba Trợn đang luôn miệng tặc tặc tặc như vậy, chẳng quan tâm chi đến bên ngoài. Hai Ẩu vỗ vai hắn, hỏi: Chú mày làm gì mà liên tục… bắn đạn lép vậy?

Không trả lời, Ba Trợn vẫn tặc tặc tặc và chỉ vào màn hình máy vi tính. Hai Ẩu nhìn vô trang web trên màn hình, theo ngón tay của Ba Trợn và đọc được một bản tin, có chữ đạo tặc.

Hai Ẩu gật gù, và nói: Ờ, đạo tặc là ăn cướp! Nhưng sao?

Lại dò theo ngón tay Ba Trợn, Hai Ẩu đọc tiếp một bản tin có chữ dâm tặc. Lại gật gù, Hai Ẩu nói: Ờ, dâm tặc là mấy tay hiếp dâm, hoặc ít ra là dê cụ giống… chú mày!

Ba Trợn thúc cùi chỏ vô mạng sườn Hai Ẩu, chỉ tiếp vô một bản tin có chữ lâm tặc. Hai Ẩu vẫn kiên nhẫn đáp lời: Đó là mấy tay phá rừng, cướp rừng!


Lại một bản tin nữa, có chữ tin tặc. Hai Ẩu lơ ngơ một hồi rồi nói:
  • Chắc là bọn ăn cắp thông tin. Anh nhà báo này săn tin được, nhưng anh nhà báo khác chộp lấy thông tin đó đưa lên báo trước?
  • Oh, no! Cái này nghĩa là hacker, tức là những tay quậy phá hệ thống công nghệ thông tin!
Ra là vậy! Như vậy tặc có nghĩa là giặc, là cướp, là quậy phá? Túm lại, là làm cái việc không tốt. Tạm hiểu vậy đi!

Ba Trợn lại tiếp tục chỉ và Hai Ẩu tiếp tục nhìn. Lần này là chữ cát tặc.

Hic, tặc là từ Hán Việt. Trong từ Hán Việt cát  có nghĩa gì đó như là điềm lành, điềm tốt. Vậy cát tặc nghĩa là gì? Ăn cướp điềm lành ư? Hai Ẩu đọc hết bản tin mới hiểu cát tặt là những tay khai thác cát trái phép ở lòng sông. Nghĩa là chữ cát ở đây thuần túy tiếng Việt chứ chả phải Hán Việt gì ráo trọi. Giao duyên cho vui vậy mà!

Tiếp tục là ô-tô tặc. Lần này thì không thể nhầm lẫn là từ Hán Việt rồi. Ô tô là xe ô tô, tiếng Anh tiếng Pháp chi đây mà. Công nhận Hai Ẩu thông minh thiệt, chắc mẩm ô-tô tặc là mấy cha ăn cắp xe rồi! Thế nhưng không phải, đọc bản tin mới hiểu ô-tô tặc là những tay chuyên môn gỡ phụ tùng xe ô tô đem bán!

Thế rồi đến đinh tặc. Hừm, lại không phải là mấy thằng cha ăn cắp đinh (đinh có quý giá... cái đinh gì mà ăn cắp chứ!) mà là bọn rải đinh trên đường để làm lủng bánh xe người ta.

Ba Trợn chỉ đến một chữ quen quen mà lạ lạ, khiến Hai Âu phải ngẩn người ra nhìn: Wi-Fi tặc!
Lần này thì Hai Ẩu ngơ ngác thật sự, hỏi: Tiếng gì vậy? Cam-pu-chia hay Thái Lan?

Thiệt là sáng tạo! Đọc hết mẩu tin Hai Ẩu hiểu rằng là như thế này: Khi người ta lắp đặt mạng wireless mà không có đặt password bảo vệ, thì sẽ có những người xài chùa cái mạng wireless của ta - không phải trả tiền, những người đó được nhà báo sáng tạo cho cái tên là Wi-Fi tặc! Ha ha ha, hay quá!

Tặc tặc tặc... Hai Ẩu bỗng nhiễm bệnh, luôn miệng tặc tặc giống như Ba Trợn. Ba Trợn hỏi Hai Ẩu:
  • Cái gì cũng tặc thế này đúng là làm rối tung chữ nghĩa anh Hai há. Như vậy nên kêu là gì?
  • Chắc kêu là chữ tặc!
Đang bàn tán như thế, bỗng nhiên bên ngoài có tiếng loa rao inh ỏi: 
  • Keo diệt chuột! Keo diệt chuột! Sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ hóa màu…
Bị cắt đứt dòng tư tưởng uyên thâm, Ba Trợn nhăn nhó la:
  • Đúng là đồ… keo tặc!
Nghe tới đây, Hai Ẩu hoảng hồn, bụm miệng Ba Trợn lại, thầm thì:
  • Im ngay, chú mày nói nữa lỡ lẹo lưỡi thành nói lái thì… bậy bạ lắm à nghen!
_____
Siêu thị Số - số 5, tháng 5/2008

Tâm tình Ngài Viện phó


Nguyễn Lâm Thái ra tòa.

Nghe nói hành tung của tay hiệp khách này là lợi dụng hình ảnh của mình chụp chung với các VIP để lòe lừa thiên hạ. Nói theo "ngôn ngữ dân gian" là Cáo mượn oai hùm!

Chuyện nhỏ như con thỏ! Thế mà người đời cứ gọi đó là cú lừa ngoạn mục.

Cáo mượn oai hùm chỉ là một trò vớ vẩn xưa như trái đất. Ở đẳng cấp cao thì phải là Cáo biến thành hùm, thế mới gọi là ngoạn mục!

Tôi, viện phó một viện nghiên cứu uy tín và tầm cỡ, xin được giới thiệu với quý vị một case study tuyệt vời về bài học này.

Sư phụ tôi vốn là một quan chức nhà nước cấp lỡ cỡ, kiến thức về công nghệ thông tin ở mức lợn cợn. Những điều Người hiểu về IT chung quy lại được tóm tắt thành một ý tưởng có tầm vĩ mô như thế này: IT là rất quan trọng, tiền của của Nhà nước và Nhân dân cứ là đổ vào lĩnh vực này ào ào như thác lũ! Vậy ta phải thành hùm trong lĩnh vực này, để được tắm trong dòng thác lũ.


Làm chuyên gia về công nghệ thông tin thì Người không biết làm rồi (có hiểu gì đâu mà làm!), vả lại tầm cỡ của người đâu phải để làm chuyên gia, phải hơn thế nhiều! Làm giám đốc một công ty tin học thì không có cửa (cũng phải biết về quản trị kinh doanh chứ!), vả lại ai cho quan chức nhà nước mở công ty?

Sáng kiến tuyệt vời phát xuất từ đây! Không làm chuyên gia IT, không làm giám đốc IT được, Người bèn vận động để thành lập Hội Tin học. Mấy cha chuyên gia IT, mấy tay giám đốc IT suốt ngày bận rộn hoặc là nghiên cứu hoặc là lo kiếm tiền, cho nên rất là vui vẻ tán đồng khi Người dịu dàng đề nghị được gánh vác trọng trách nặng nề là làm Chủ tịch Hội.

Thế là Người thành Chủ tịch Hội Tin học! Mà chủ tịch Hội Tin học là ai? Là chúa trùm của hết thảy những thằng nghiên cứu hoặc kinh doanh hoặc làm bất cứ cái giống gì liên quan đến tin học. Thế là Người đã thành hùm rồi, chứ đâu cần phải mượn oai con hùm nào nữa!

Có Hội thì phải có đơn vị trực thuộc hội. Hội viên của hội Tin học (tức là thuộc cấp của Người) là những công ty tin học tầm cỡ. Chi hội của hội Tin học (cũng là thuộc cấp của Người) là những cơ quan ban ngành to đùng!

Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ!

Người tổ chức ra một bộ phận của Hội để gọi là nghiên cứu về công nghệ thông tin (nghiên cứu cái gì thì xin đừng hỏi nhé, tôi mà biết… chết liền!). Bộ phận đó gọi là gì? Tổ, nhóm, phòng, ban? Nghe không oai tí nào! Trung tâm? Nghe cũng được, nhưng chưa xứng tầm. Bộ óc thiên tài của Người nghĩ ra ngay một từ không chê vào đâu được, đó là Viện! Viện Nghiên cứu Công nghệ Thông tin!

Đứng đầu Viện Nghiên cứu này nghiễm nhiên phải được gọi là Viện trưởng, và người đứng đầu này nghiễm nhiên phải là sư phụ khả kính của tôi, Chủ tịch Hội Tin học! Ôi, tôi và tất cả mọi người vô cùng ngưỡng mộ, nghiêng mình kính cẩn, thành kính phân ưu (à, nhầm, thành thật chia vui!).

Cao trào của sự việc bắt đầu ở đây. Xin mọi người chỉnh đốn trang phục, giữ bình tĩnh để nghe tôi nói tiếp.

Tôi, vâng, chính tôi, chính là Viện phó của cái viện cao quý đó! Các vị có nghe rõ chưa nào?

Tôi rất hân hạnh được qua trang báo này làm quen với quý vị. Cần có bất cứ điều gì muốn hợp tác với Viện của chúng tôi, xin mời các vị hãy liên lạc theo địa chỉ và số điện thoại:…

À không, xin các vị hãy cứ liên lạc với anh Hai Ẩu, vì tôi có hứa cho ảnh một ít tiền cò nếu bắt được mối làm ăn. Ảnh đang giữ cả xấp cạc-vi-dít của tôi đấy!
_________________
Siêu thị Số - số 4, tháng 4/2008

Văn hóa công ty


Nguyễn Đại Tài là một giám đốc trẻ, thuộc thế hệ 8x. Đúng với bản chất của giới trẻ, Đại Tài hết sức năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm - tóm lại là dám đủ thứ, cái gì cũng dám. Chưa kể rằng anh còn hết sức… đại tài, đúng như tên của mình.

Là một trí thức trẻ, Đại Tài rất chịu khó học hỏi, tìm hiểu mọi lĩnh vực, mọi cái hay cái đẹp đều gom hết ráo về cho công ty của mình. Những lĩnh vực mà mấy tay giám đốc già, cổ điển còn lơ ngơ chưa kịp hiểu, như PR, như xây dựng văn hóa công ty,… thì Đại Tài đã ngấu nghiến hết cả rồi.

Với cả đống ưu điểm như vậy, nên chỉ mới thành lập được một năm mà công ty máy tính của Đại Tài đã đạt được những thành tích rất đáng kính nể.

Hôm nay công ty Đại Tài của giám đốc Nguyễn Đại Tài tổ chức buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập. Gã già Hai Ẩu cũng có diễm phúc được gửi thư mời tham dự. Vốn rất quý trọng giới trẻ dám nghĩ dám làm, nên Hai Ẩu hân hoan nhận lời mời.


Cầm thiệp mời trên tay, Hai Ẩu cứ băn khoăn không hiểu, vì thiệp mời ghi là Lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập và Sinh nhật Đại Tài. Là sao? Ngày thành lập công ty gọi là sinh nhật công ty cũng được, thế sao đã Ngày thành lập mà lại còn Sinh nhật? Còn nữa, Đại Tài là công ty Đại Tài hay thằng nhóc Đại Tài? Và còn nữa, Đại Tài ở đây là đại tài (tính từ) hay là tên riêng?

Cuối cùng, sau khi dò hỏi, Hai Ẩu cũng biết được ngày thành lập công ty cũng gần trùng với ngày sinh của chú nhóc giám đốc Nguyễn Đại Tài, do đó chú… chơi luôn cho độc! Thiệt là một chiêu PR ngoạn mục! Chỉ khổ cho Hai Ẩu, không biết phải mua quà gì để tặng trong buổi lễ. Vì nếu là mừng sinh nhật con cháu trong nhà thì tặng quà là… quà sinh nhật, còn mừng thành lập công ty thì quà phải khác!

Đắn đo mãi Hai Ẩu cũng chọn được món quà cần thiết. Mang thiệp mời và quà đến quầy tiếp tân, Hai Ẩu được dúi vào tay một mảnh giấy. Nghĩ rằng đấy là thông cáo báo chí, Hai Ẩu lầm lũi tìm chỗ ngồi để đọc. Chưa kịp ngồi thì đã nghe MC réo lên:
  • Mời các bạn cùng hát với chúng tôi bài ca ngợi công ty Đại Tài!
Giật mình, nhìn vô tờ giấy, Hai Ẩu mới thấy đó không phải là thông cáo báo chí, mà là… lời bài hát ca ngợi công ty, để quan khách hát theo!
Từ ngày có công ty Đại Tài
Người người có máy tính để xài - Yeah yeah!
Tuyệt vời quá công ty Đại Tài
Bừng bừng sáng tương lai dài dài - Wow wow!

Hai Ẩu đang sửng sốt thì một chú nhóc ngồi bên cạnh vỗ vai cái bốp, biểu Hai Ẩu:
  • Chú vỗ tay và hát theo đi chứ!
Hai Ẩu lúng túng, dò trong tờ giấy và… mếu máo hát theo:
Gâu gâu - Công ty Đại Tài, là nguồn sáng cho đời.
Hu hu - Công ty Đại Tài, là mạch sống cho người.
Hú hú hú!
Gấu gấu gấu!

Hai Ẩu hiểu rồi, cái này gọi là văn hóa công ty. Giám đốc trẻ Nguyễn Đại Tài đã cố gắng tạo nên một hình ảnh riêng cho công ty mình, tạo nên một niềm tự hào về công ty cho nhân viên của mình. Đúng là giới trẻ có khác!

Trong tiếng hát lùng bùng lỗ tai, Hai Ẩu thầm cảm phục bọn trẻ dám nghĩ dám làm đủ thứ, dám làm PR, dám xây dựng văn hóa công ty. Riêng mình, lỡ dại đi dự lễ này một lần, lần sau nếu có được mời nữa thì Hai Ẩu xin thưa: Hổng dám đâu!
________________
Siêu thị Số - số 3, tháng 4/2008

Một buổi làm việc với đội quản lý thị trường

Đội Quản lý thị trường đến kiểm tra tại Công ty Máy tính Ô-kê. Đây là đợt kiểm tra theo kế hoạch, và công ty máy tính Ô-kê được chọn một cách ngẫu nhiên. Đã gọi là kiểm tra thì phải là bất ngờ, không báo trước. Công ty Máy tính Ô-kê hoạt động rất đàng hoàng, đội Quản lý thị trường làm việc cũng rất đàng hoàng, bởi vậy có thể đoan chắc rằng buổi kiểm tra sẽ rất ok!

Sau đây là tường thuật buổi kiểm tra:

Quản lý thị trường (QLTT): Chào Giám đốc, chúng tôi đến kiểm tra công ty của anh theo Quyết định…

Giám đốc công ty Ô-kê (GĐ): Hi hi, chào các anh, lâu quá mới gặp. Vui quá! (Hi hi, không gặp vui hơn!). Mời các anh ngồi làm việc.

QLTT: Cảm ơn. Anh cho xem các giấy tờ: Giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký mã số thuế… trong khi đồng nghiệp của tôi sẽ cùng nhân viên của anh kiểm tra hàng hóa. À, kêu dùm mấy ly cà phê, khát nước quá!


Tường thuật cuộc kiểm tra của nhân viên QLTT và nhân viên công ty Ô-kê:
Nv QLTT: Anh lấy cho tôi kiểm tra cái này? Cái này kêu là cái gì?

Nv OK: (ngạc nhiên) Ơ, nó là con chuột, ông hổng biết con chuột là cái gì thì kiểm tra cái chi?

Nv QLTT: Hừm, con chuột, đếm coi mấy con để tôi ghi vô biên bản. Còn cái kia là cái gì?

Nv OK: Con sư tử!

Nv QLTT: Đếm coi, mấy con sư tử?

Nv OK: (bụm miệng) xin lỗi, tôi giỡn, nó là cái modem!

Nv QLTT: Modem à? Modem là cái gì? Làm ơn đọc bằng tiếng Việt cho tôi nhờ!

Nv OK: Modem là… ơ ơ, sếp ơi, modem dịch ra tiếng Việt là cái gì em hổng biết?

Quay trở lại buổi làm việc của QLTT và GĐ Cty Ô-kê:

QLTT: Biên bản kiểm kê hàng hóa đây rồi. Anh cho tôi xem hóa đơn các mặt hàng này!

GĐ: (sai nhân viên lục hóa đơn, trình QLTT)

QLTT: Ủa, cái nào cũng có hóa đơn hết à? Vậy biết phạt cái gì đây cha nội? Anh làm ơn đưa dùm cái gì nhập lậu để tụi tôi phạt chớ!

GĐ: Hi hi, hổng dám. Mấy cái hàng trôi nổi, không có hóa đơn tôi… dấu kỹ hết rồi ạ!

QLTT: Không được! Không được! Đã kiểm tra thì phải có chuyện phạt. Không phạt coi sao đặng? À nè, cho tôi coi cái hộp kia, nó là cái gi?

GĐ: Là con CPU Intel đấy à!

QLTT: Để coi. Rồi, có chuyện để phạt rồi! Vi phạm chế độ về tem nhãn hàng hóa!

GĐ: Hi hi, đừng giỡn chớ! Hàng chính hãng đó, hóa đơn đàng hoàng, có dán phiếu bảo hành ngay trên hộp kìa. Công ty tôi còn có giấy chứng nhận của Intel nữa đó!

QLTT: Vi phạm là vi phạm! Theo quy định của cấp trên, hàng hóa phải có tem nhãn chính của nhà sản xuất và tem nhãn phụ của nhà nhập khẩu, tem nhãn phụ phải theo đúng quy định của Bộ Thương mại, trên đó phải ghi rõ: tên hàng hóa, tên nhà nhập khẩu, xuất xứ...

GĐ: Tem nè! Quá đầy đủ, còn đòi gì nữa?

QLTT: Theo quy định, trên tem phụ phải có đủ 8 yếu tố, trong đó có mục cách thức sử dụng, bảo quản. Trên con tem này không có ghi cách thức sử dụng con CPU, vậy là tem không hợp lệ. Phạt!

GĐ: Hic, không tâm phục khẩu phục. Con CPU này nhà phân phối bán khắp cả nước, và đã cung cấp y như thế này bao nhiêu năm nay rồi có ai nói gì đâu! Sao bây giờ lại phạt? Chỗ khác người ta có phạt đâu?

QLTT: Thôi đừng cãi! Đề nghị ghi vô biên bản lỗi vi phạm: lưu hành hàng hóa có tem nhãn phụ không hợp lệ. Cụ thể CPU Intel, trên tem không có hướng dẫn cách sử dụng! Nè ông ơi, đã nói rồi, kiểm tra thì phải lòi ra chuyện để phạt chứ. Chẳng lẽ tốt tốt hết thì còn ra... cái thể thống gì nữa. Mà lỗi vi phạm này là nhẹ hều hà, so với lỗi bán hàng lậu, biết chưa?

GĐ: Ờ héng! Hiểu hiểu! Vậy được đó, làm ơn phạt tôi vậy đi. Cho xong, héng! Mà... phạt bao nhiêu vậy?

QLTT: (lật sổ) Coi nè, theo quy định thì lỗi này phạt 2 đến 5 triệu. Anh muốn bi nhiêu?

GĐ: Hi hi, có phạt cho vui lòng anh, phạt ít ít cho vui lòng tôi đi nhé!

Thế là buổi kiểm tra đã xong. Như đã đoán trước, vì công ty Ô-kê và đội Quản lý thị trường đều đàng hoàng, nên buổi kiểm tra rất ok!

Sau buổi làm việc mệt nhọc, Giám đốc công ty Ô-kê đang dẫn anh em quản lý thị trường đi dùng buổi cơm trưa thật thân mật!
____________
Siêu thị Số - số 2, tháng 3/2008

Hiệu quả của quảng cáo


Bán hàng thì phải quảng cáo! Không quảng cáo thì ai biết đến mình?

Chuyện này xưa rồi, ai cũng biết, cho nên Hai Ẩu không nói nữa - điều nên nói là Hiệu quả của quảng cáo ra sao?

Các công ty bự chảng của nước ngoài rất quan tâm đến quảng cáo và thương hiệu, họ luôn dành một tỷ lệ ngân sách rất lớn cho chuyện này. Lẽ đương nhiên khi đưa sản phẩm vào Việt Nam, họ cũng cần quảng cáo tại Việt Nam để khách hàng biết - nhớ và mua sản phẩm của họ.

Tư Lèo là giám đốc công ty phân phối sản phẩm Y, ông được nhà sản xuất Y ủy nhiệm cho việc quảng cáo sản phẩm này với kinh phí là một trăm ngàn đô la một năm.

Tư Lèo có trong tay một trăm ngàn đô nhưng không được xài tùy tiện mà bắt buộc phải dùng tiền đó để quảng cáo cho Y. Hừ, ví như lấy củ cà-rốt treo toòng teng trước đầu con dê mà không cho nó ăn vậy.


Vốn thông minh, nhanh nhạy, Tư Lèo giải quyết ngay được vấn đề. Ông cho in một ngàn tờ brồ-xua (tờ quảng cáo) có in logo của Y, có ca ngợi tính năng tuyệt vời của sản phẩm Y, giá 1.500 đồng một tờ, vị chi tốn hết một triệu rưỡi đồng. Xong, ông gửi mẫu brồ-xua này cho Y và báo cáo rằng đã in một trăm ngàn tờ, giá mỗi tờ là 2.500 đồng, tổng cộng là 250 triệu đồng! Mỗi quý làm một lần như vậy, một năm Tư Lèo tốn hết 6 triệu đồng, báo cáo là 1 tỷ đồng!

Ngoài ra Tư Lèo còn làm một số việc quảng cáo linh tinh khác để có đủ chi phí báo cáo tương ứng với 100.000 USD. Như vậy, nhờ quảng cáo mà Tư Lèo có trong tay hàng tỷ đồng lấy từ ngân sách của công ty Y.

Vậy, bạn đã thấy hiệu quả của quảng cáo chưa?

Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi!

Công ty Y yêu cầu Tư Lèo phải tổ chức những ì-ven (sự kiện) để quảng bá thương hiệu Y, như là hội thảo giới thiệu sản phẩm, lớp tập huấn kỹ thuật… Kinh phí tổ chức sẽ do Y trang trãi.

Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, Tư Lèo đã tìm ra giải pháp.

Tư Lèo đến một quán cà phê sang trọng quen thuộc, xin phép treo một mớ băng-rôn lên, dàn dựng ở một góc phòng các sản phẩm Y. Cứ như là đang dựng phim trường để quay phim vậy.
Mà quay phim thiệt! Tư Lèo mời toàn bộ khách đang uống cà phê làm diễn viên quần chúng. Họ được lùa vô khu vực phim trường quay phim, chụp hình búa xua. Nhân viên của Tư Lèo được đẩy lên giữa sân khấu, quơ tay múa chân, nói nhép. Chẳng mấy chốc mà Tư Lèo đã có cả đống hình ảnh, video clip của một buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm vô cùng hoành tráng để gửi đi báo cáo cho công ty nước ngoài.

Chưa hết, Tư Lèo bày biện tiếp đồ nghề sang một góc khác của quán cà phê, tiếp tục quay phim và chụp hình tập 2. Bộ phim này sẽ được giới thiệu là buổi hội thảo ở một… tỉnh khác!

Cứ thế trong mấy ngày liền, đoàn làm phim của Tư Lèo rảo quanh các quán cà phê lớn trong thành phố, thực hiện hàng chục bộ phim nữa để báo cáo. Bối cảnh thực hiện được báo cáo là các buổi hội thảo, tập huấn tại hàng chục tỉnh thành lớn trong cả nước như Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ… Chi phí báo cáo cho mỗi ì-ven như vậy là vài trăm triệu đồng!

Thế là Tư Lèo lại có tiền tỷ!

Vậy, bạn đã thấy hiệu quả của PR chưa?

Trên đây là những hiệu quả cụ thể của quảng cáo và PR mà Hai Ẩu biết được. Còn các bạn, ý kiến các bạn ra sao?
____________
Siêu thị Số, số 1 - tháng 3/2008

Saturday, November 27, 2010

Cuộc chiến cuối cùng trên đỉnh Hoa sơn

Đông tà Hoàng Dược sư là chuyên gia cung cấp giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, Tây độc Âu Dương Phong chuyên môn nhập hàng vi tính lậu, hàng dỏm cung cấp cho thị trường, Nam đế Đoàn Chính Hưng chuyên môn đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án, còn Bắc cái Hồng Thất Công lại quan tâm đến thị trường bình dân, lượm bạc cắc để cung cấp thiết bị cho doanh nghiệp nhỏ, vùng sâu, vùng xa - còn Trung thần thông Vương Trùng Dương chính là người vạch ra chiến lược phát triển công nghệ thông tin.

Từ ngày luận kiếm trên đỉnh Hoa sơn, 5 vị này mỗi người một vẻ, chẳng ai kém ai, nên quần hào cùng xưng tụng họ thành Võ lâm ngũ bá.

Trong võ lâm ngũ bá, đối nghịch nhau dữ dội nhất là Bắc Cái Hồng Thất Công và Tây Độc âu Dương Phong. Một người chủ trương hạ giá thành sản phẩm bằng các giải pháp hợp lý, biến "tin học thành cơm bình dân" để đưa công nghệ thông tin đến với mọi người. Người còn lại hạ giá thành bằng cách nhập hàng lậu, hàng dỏm…

Ngày nọ, Hồng Thất Công trở lại đỉnh Hoa Sơn tuyết phủ, tình cờ gặp tiểu tử Dương Quá, là một nhà báo tập sự. Một già, một trẻ gặp nhau, Hồng Thất Công đem lòng cảm mến cậu bé họ Dương. Ông ngồi kể cho cậu nghe những chiêu thức kinh doanh của mình. Dương Quá cũng vô cùng quý mến lão ăn mày Hồng Thất Công, cậu nguyện ghi nhớ những điều này để viết lại trên báo cho mọi người cùng hiểu.


Đúng lúc đó Âu Dương Phong xuất hiện.

Do cơ duyên Dương Quá lại là nghĩa tử của Tây độc Âu Dương Phong. Chàng cũng đã được Âu Dương Phong truyền thụ cho một số chiêu thức võ công.

Hai kẻ thù truyền kiếp, hai bậc kỳ tài trong giới võ lâm gặp lại nhau. Cả hai cùng thét lên lanh lảnh trên đỉnh Hoa Sơn, tuyết trắng rơi lả tả. Rồi họ cùng xông vào nhau, quyết một mất một còn.
Âu Dương Phong thét: Dương Quá con, hãy nhìn cho kỹ những chiêu thức của ta thi triển với lão già nhé! Hãy ghi nhớ cho kỹ con ạ!

Hồng Thất Công cũng gầm to: Tiểu tử! Đây là cơ may cho ngươi để học võ công của hai lão già này. Hãy mở cho to mắt ra con ạ.

Quyền cước vung lên vùn vụt, gió lộng ào ào. Mỗi khi chưởng lực xuất ra là tuyết rơi đá chạy, rung động cả núi rừng. Cả hai người quấn chặt vào nhau, dùng toàn những đòn bí hiểm thượng thặng.

Trong nửa ngày trời, đôi bên đã tung ra mỗi người mười tám chiêu quảng cáo, ba mươi sáu chiêu tiếp thị. Dương Quá say sưa nhìn, tự nhủ: Được mục sở thị thi triển chiêu thức võ công như thế này giữa hai bậc đại cao thủ quả là cơ may không phải ai cũng có được.

Trời về chiều, Dương Quá lo âu gọi lớn:
  • Nhị vị đánh nhau quá nửa ngày rồi. Xin khá dừng tay để ăn uống và xả hơi chút đỉnh chứ!
Hồng Thất Công hoan nghênh, nhảy ra ngoài vòng gật đầu nói: Ăn uống đã, tốt lắm!

Thế rồi hai lão đại cao thủ cùng ngưng tay, cùng ăn với nhau, cùng ngủ say sưa một giấc.

Rạng sáng hôm sau, đôi bên lại cùng xuất chiêu. Lần này mỗi bên tung ra hai mươi bốn chiêu PR và hai mươi bốn chiêu Quản trị thương hiệu. Dương Quá vội vàng ghi nhớ những tuyệt chiêu võ học này.

Cứ thế, đánh nhau rồi ăn ngủ, suốt ba ngày ba đêm. Hồng Thất Công và Âu Dương Phong đã thi triển tất cả các tuyệt chiêu của mình, từ chiêu chiến lược kinh doanh, đến chiêu quản trị nhân sự, quản trị chất lượng…

Đêm thứ ba, Hồng Thất Công tung ra một chiêu chiến lược kinh doanh tuyệt kỹ mang tên "Bạt thảo tầm xà". Âu Dương Phong nghĩ ngợi mãi không tìm ra thế phá.

Suốt đêm ấy, Âu Dương Phong không ngủ, nằm thao thức lăn lộn cố tìm cách phá giải và đến gần cuối canh hai mới tìm ra được cách, gọi Dương Quá thức dậy bảo:
  • Ta đã có cách phá cái thế "Bạt thảo tầm xà" rồi. Ta sẽ chỉ cho ngươi!
Chỉ cho Dương Quá xong, Âu Dương Phong thét vang gọi Hồng Thất Công ra đấu.

Hồng Thất Công đang ngủ trên ổ cỏ, nghe gọi bèn ngồi dậy bước ra liền. Thấy Âu Dương Phong đã tìm ra lối phá, Hồng Thất Công cười ha hả nói:
  • Âu Dương lão trượng, nhà ngươi quả là bậc kỳ tài mới tìm ra được lối phá thế võ ấy. Ta hoàn toàn cảm phục và xin có lời thành thực khen ngợi người đấy nhé.
Âu Dương Phong bất giác thích chí cười lên một tràng dài rồi thét lớn:
  •  Lão ăn mày Hồng Thất Công! Ta cũng vô cùng cảm phục ngươi! Hai ta quả là tri kỷ!
Tiếng của lão rống lên như tiếng chuông ngân, âm thanh rùng rợn vang dội bên tai như tiếng cười đắc chí của tử thần. Hồng thất Công cũng thích chí vụt ngồi dậy ôm chầm lấy Âu Dương Phong. Hai ông lão cứ ôm lấy nhau cười ngất, tiếng cười kéo dài mỗi lúc một to, rồi nhỏ dần và cuối cùng thì tắt hẳn.

Hai thân hình cứ ôm nhau mãi không cử động. Rừng sâu vắng lặng hình như còn rơi rớt dư âm của chuỗi cười cuối cùng của hai đại hiệp khách, suốt mấy mươi năm lừng lẫy giang hồ.

Dương Qua sợ hãi liền kêu lớn: Dưỡng phụ, dưỡng phụ ! Hồng lão tiền bối ! Hồng lão tiền bối !

Tiếng gọi của chàng như rơi vào hư vô, vang bên sườn núi rồi tắt hẳn không lời đáp lại.

Thân hình hai ông lão cứ đứng sát vào nhau, trơ như hai bức tượng đá, tuyết rơi mỗi lúc một dày.

Từ đó Bắc Cái Hồng Thất Công không còn trên cõi đời nữa. Tây Độc Âu Dương Phong cũng không còn.

Chỉ còn lại nhà báo Dương Quá. Chàng sẽ có trách nhiệm đem những võ công của 2 lão tiền bối để truyền lại cho người đời!

Giã biệt!
__
eChip - tháng 2/2008
___
Ghi chú: Đây là bài viết cuối cùng của Hai Ẩu trên eChip, khi 2 ông bạn già là Phạm Hồng Phước và Lê Hoàn từ giã eChip để ra đi.

Câu chuyện một tỷ phú

Nguyễn văn Tèo, chuyên viên kỹ thuật máy tính, đã trở thành tỷ phú! Nói chính xác hơn, Tèo đã trở thành nửa tỷ phú, bởi vì anh đã có tài sản trên 500 triệu đồng. Nửa tỷ, đối với các đại gia thì chỉ là một cái hỉ mũi, nhưng với một người làm nghề thuần túy kỹ thuật như Tèo thì quả là một hiện tượng đáng quan tâm.

Từ 10 năm nay Tèo đã nổi tiếng trong vai trò một kỹ thuật viên máy tính chuyên nghiệp. Anh định bệnh máy tính một cách chính xác, sửa chữa nhanh chóng để đem lại chiếc máy tính hoạt động bình thường cho khách hàng. Với tài năng của mình, việc Tèo trở nên giàu có, trở thành nửa tỷ phú thật xứng đáng.
Vì vậy Hai Ẩu quyết định đến gặp Nguyễn văn Tèo, tìm hiểu con đường làm giàu bằng trình độ chuyên môn của anh, viết bài giới thiệu lên báo để làm tấm gương điển hình.

Buổi gặp gỡ diễn ra thân mật, Tèo kể lại quá trình làm giàu của mình.
  • Khi mới ra trường, tôi cày cục mãi mà không xin việc ở đâu được, vì những điều học ở trường còn quá xa thực tế, kinh nghiệm mình chẳng có gì. Tôi quyết định xin làm việc không công cho một cửa hàng máy tính để có điều kiện tiếp cận thực tế, rèn luyện tay nghề. Điều này kéo dài một năm

Hai Ẩu chắt lưỡi:
  •  Đúng là vạn sự khởi đầu nan. Anh rất chịu khó để vượt qua được những khó khăn ban đầu. Tôi biết, anh không thể là tỷ phú trong thời gian này được, vì làm không công, phải xin tiền nhà mà lị

  • Sau một năm, tay nghề tôi đã lên, cửa hàng máy tính cũng chuyển thành công ty, họ trả lương cho tôi vài trăm ngàn đồng một tháng. Trong thời gian này, tôi vẫn phải xin tiền nhà, tiền lương ít ỏi tôi dùng để đóng học phí, học thêm một số lớp chuyên ngành để nâng cao trình độ chuyên môn. Thời gian này kéo dài hơn hai năm.
Hai Ẩu lại gật đầu:
  • Hiểu! Tôi sẽ ghi nhận điều này: anh là một người có ý chí vươn lên. Điều này sẽ giúp anh trở thành tỷ phú. Nhưng đó là chuyện tương lai, còn ở thời điểm vừa kể anh vẫn còn phải xin tiền nhà!
Tèo tiếp tục kể:
  • Đến năm thứ 4 sau khi ra trường, tôi được trả lương hơn triệu đồng một tháng. Lúc này tạm đủ sống. Ấy là nói rằng khỏi phải xin tiền nhà nữa, chứ bấy nhiêu lương chỉ đủ để lo cơm nước và trả tiền thuê nhà, tiền xe đi lại.
Hai Ẩu ngắt lời:
  • Ấy, anh vừa nói phải trả tiền thuê nhà? Vậy quê anh không phải ở thành phố này à? Chi tiết này hay quá, tôi sẽ viết trong bài báo rằng: Chuyên gia Tèo là một thanh niên xuất thân từ một làng quê nghèo khó với hai bàn tay trắng, anh miệt mài dùng khối óc và đôi tay để trở thành tỷ phú. Kể tiếp đi, tới đây tôi vẫn chưa thấy tiền tỷ ở đâu hết! 
  • Thế rồi 5 năm trở lại đây, nhờ trình độ và nhiệt tình của mình, tôi được tăng lương lên 2 triệu, 3 triệu, rồi bây giờ là 5 triệu đồng một tháng. 

  • Phải phải, tăng lương như vậy là xứng đáng lắm. Bây giờ thu nhập hàng tháng của anh là… 

  • Nói rồi! 5 triệu một tháng. 
  • Còn thêm gì nữa hông? 

  • Cũng có thêm chút đỉnh. Có khi mình làm tốt quá, khách hàng thương bồi dưỡng thêm chút đỉnh. Có khi tranh thủ chạy sô sửa chữa máy tính ban đêm… Mỗi tháng cũng có thêm vài ba triệu!
Hai Ẩu nhẩm tính một hồi rồi thắc mắc:
  • Vậy tính ra mỗi tháng anh có khoảng 7 - 8 triệu, trừ chi phí ăn ở ra, dè xẻn thì mỗi tháng để dành được cao lắm là 4 - 5 triệu đồng. Một năm có chưa tới 60 triệu đồng, lấy đâu ra tiền tỷ để làm tỷ phú hè?
Chuyên gia Tèo mỉm cười:
  • Làm việc 10 năm, tôi dành dụm mãi được gần 100 triệu đồng. Bấy giờ tôi vẫn phải ở nhà thuê. Tôi quyết định mua một căn hộ chung cư khiêm tốn để ở, giá 500 triệu, người ta cho trả góp 20 năm, trả trước 100 triệu. Thôi kệ, miễn là có chỗ để ở!
Hai Ẩu lại lẩm bẩm rồi thắc mắc:
  • Vậy là bây giờ anh đang mắc nợ 400 triệu. Vậy câu chuyện anh là nửa tỷ phú là sao?
Lần này Tèo cười sằng sặc:
  • Đăng ký mua nhà xong, trả góp được 2 tháng thì giá nhà đất lên vèo vèo. Có người đề nghị mua lại căn hộ của tôi giá 1 tỷ đồng. Tôi sang tay liền, trả dứt nợ, còn dư 600 triệu. Vậy không phải nửa tỷ phú thì là gì?
Rồi chuyên gia Tèo kết luận: 
  • Vậy là thu nhập 10 năm của một tay chuyên gia kỹ thuật máy tính không bằng một góc thu nhập của một phi vụ kinh doanh bất động sản! Khà khà, biết vậy từ 10 năm về trước tôi không học tin học mà lo kinh doanh bất động sản rồi. Phải dzậy hông anh Hai Ẩu?
___
eChip - tháng 2/2008

Lá sớ cuối cùng

Điều đó diễn ra trong hàng ngàn, hàng vạn năm.

Cho đến một ngày, Internet xuất hiện…

Các bậc thần tiên trên thiên đình mơ hồ nhận thấy rằng hình như không cần ông Táo phải cưỡi cá chép về Trời để dâng sớ nữa mà có cách khác nhanh hơn, tiết kiệm hơn.

Thế nhưng họ bận rộn quá nên không thể hiểu được cái "mơ hồ", "hình như" ấy cụ thể nó là gì.

Ông Táo thì vẫn muốn hàng năm được về Trời, vì đó là một chuyến du lịch vui vẻ. Ta chẳng nói thiên đình là chốn bồng lai tiên cảnh sao? Nơi đó có Hằng Nga và bao tiên nữ xinh tươi mộng mị. Nơi đó có yến tiệc linh đình, cao lương mỹ vị… Vì vậy, ông cũng chẳng muốn thấy cái "mơ hồ", "hình như" ấy thành sự thật.

Còn thiên đình thì ngoài chuyện bận rộn ra, họ vẫn thích có ông Táo về Trời, vì vào dịp ấy Táo rất chu đáo mang tặng cho họ các món quà quý giá của chốn trần gian.

Cho nên hàng năm, cứ vào hăm ba tháng Chạp, ông Táo lại cưỡi cá chép về Trời để dâng sớ táo quân…

Một năm, hai năm, ba năm… trôi qua.


Rồi mười năm trôi qua.

Đến năm thứ mười kể từ khi Internet xuất hiện tại nơi ấy, một ông Trời cùng thập nhị tiên quyết định phải cải cách, phải ứng dụng công nghệ thông tin cho Nhà Trời. Họ quyết định năm ấy sớ táo quân phải được gửi bằng email chứ không phải bằng cá chép như trước nữa.

Thương tình cho Táo, thiên đình cho phép Táo được cưỡi cá chép về Trời lần cuối cùng, cùng với một bản sớ bằng giấy (gọi là hard copy). Lá sớ ấy sẽ được lưu giữ ở viện bảo tàng của thiên đình như là kỷ vật cuối cùng của một thời đại thông tin xa xưa.

Nhận được tin, Táo vội vã gửi mail lá sớ về cho thiên đình. Ôm lá sớ giấy trên tay, cám cảnh rằng đây là lần cuối cùng được về Trời, Táo mủi lòng rưng rức khóc mãi trên đường từ trần gian lên thượng giới.

Mất mấy ngày trời, Táo mới tới được thiên đình. Vừa thoáng xa xa, thấy trước cổng thiên đình có cả Nam Tào, Bắc Đẩu, Thiên Lôi, Hằng Nga đang đón mình, Táo cảm động quá bật khóc lên ồ ồ.

Thiên Lôi nhảy xổ ra, hét: Nín đi! Sớ đâu? Đưa đây, trễ quá rồi.

Táo ngỡ ngàng lau nước mắt, vừa đưa sớ vừa hỏi: Sớ đây ạ, nhưng Táo dã gửi bằng email cách đây 3 ngày rồi mà?

Nam Tào nhăn nhó: Đã nhận được đâu! Đường truyền Internet chết tiệt…

Bắc Đẩu cãi lại: Không phải tại đưng truyền, mà là tại cái máy tính bị virus…

Thiên Lôi hứ ngay: Máy tính bị hư phần cứng thì có, mấy ông mua đồ dỏm xài được có mấy ngày là hư rồi..

Hằng Nga ỏn ẻn: Hổng có cái gì hư hết á, chỉ có mấy huynh đây… hư thôi. Mấy ông này hổng có ông nào biết xài meo, chát… gì hết, thì làm sao mà nhận meo được chớ!

Táo hoang mang, hỏi: Như vậy, như vậy tóm lại là cái gì hư vậy à?

Đến lúc đó, ông Trời oai vệ từ trong bước ra, nói:
  •  Tóm lại là chưa thể nhận được sớ qua đường email. Ta truyền cho Táo năm nay hãy nộp sớ táo quân bằng giấy. Năm sau và năm sau nữa cũng vậy. Còn việc ứng dụng công nghệ thông tin, thiên đình sẽ lập hội đồng khoa học, nghiên cứu sau.
Nói xong, Trời khoát tay, ra lệnh:
  • Các khanh hãy bình thân. Chuẩn bị yến tiệc để khoản đãi Táo đi nhé!
___
eChip - tháng 2/2008

Người khách hàng vĩ đại

Một trong những điều khó chịu nhất đối với người mua sắm máy tính - nhất là máy tính xách tay - là: cho dù bạn có mua loại máy tính mới nhất, xịn nhất, đắt tiền nhất thì chỉ cần vài tháng sau ngoảnh tới ngoảnh lui đã thấy cái máy của mình sao mà nó lạc hậu quá so với cái máy của thằng bạn mới mua!

Anh bạn tôi đã rơi vào tình trạng ấy. Vốn chẳng dư dả gì, nên anh rất đắn đo khi sắm cho mình một cái laptop. Cân nhắc kỹ nhu cầu, khả năng tài chính, cộng với việc tham khảo ý kiến của khoảng nửa tá chuyên gia, anh chọn cho mình một cái máy giá khá mềm, xài CPU Celeron.

6 tháng sau, anh cảm thấy máy của mình chạy sao mà chậm quá so với máy của thằng bạn. Thế là anh quyết định mua máy mới. Lần này là xài tới Pentium Duo Core chớ không phải Celeron nữa!

Biết anh cũng chẳng giàu có gì, cũng không phải là dân sành kỹ thuật, tôi ái ngại dùm anh. Bạn biết đó, với cái loại "đồ chơi" cao cấp này, chỉ mấy tháng là giá đã giảm cỡ vài chục phần trăm. Do đó, máy mới keng tương tự như vậy giá cũng đã giảm rồi, huống hồ máy cũ của anh là máy đã xài rồi muốn bán được thì phải giảm giá nhiều so với máy mới. Tính ra để bán được cái máy cũ anh phải thiệt ít ra là 40 - 50% so với giá mua.


Nói điều đó với anh, anh cười xòa, trả lời:
  • Bán máy cũ rồi, bán đúng bằng giá mua luôn, không lỗ một cắc. Chỉ bù thêm tí tẹo là đủ tiền mua máy mới. Sướng!
Quá bất ngờ, tôi hỏi lại:
  • Thiệt hông? Ai mà… ngu dữ vậy, lại chịu mua máy cũ của ông với giá đó?
Tôi ngạc nhiên là phải, vì thời bây giờ thông tin về tính năng kỹ thuật và giá cả của máy đầy dẫy, cả trên báo lẫn trên mạng. Đâu phải dễ dụ người khác mua với giá cao như vậy. Nhưng anh vẫn khẳng định mình bán được rồi, bán được với giá cao mới có đủ tiền mua máy mới chứ!
Sáu tháng sau, anh vô cùng khó chịu khi thấy bạn bè xài máy laptop có CPU Core 2 Duo, xịn hơn của mình. Và anh lại mua máy mới.

Lần này tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi anh, anh cũng lại cười xòa:
  • Bán máy cũ rồi, dĩ nhiên là cũng không lỗ một cắc. Lần này không bù thêm đồng nào mà vẫn mua được máy xịn hơn. Quá đã!
Quả là đáng kính phục. Dân mua đi bán lại chuyên nghiệp cũng không thể làm được như anh. Trong vòng một năm anh đã mua 3 cái laptop với chi phí bỏ ra chỉ tương đương một cái. Trong đầu tôi vẫn đeo đẳng câu hỏi: Không biết thằng ngu nào mà dễ bị dụ quá vậy chứ?
Một hôm, bà xã anh nhờ tôi tới kiểm tra dùm cái laptop của chị bị nhiễm virus. Tôi lui cui làm, bỗng phát hiện rằng cái laptop này trông quen quen. Tôi hỏi:
  • Cái máy này giống máy cũ của ảnh quá vậy chị?
Bà xã anh cười tươi:
  • Thì của ảnh chớ ai! Ảnh bán lại cho em đó!
Trời đất, té ra cái thằng ngu mà tôi thắc mắc lâu nay chính là... bà xã anh. Tôi chưa kịp hỏi gì thêm thì chị ta đã bê ra thêm một cái laptop nữa:
  • Còn cái này nữa nè. Cái này cũng của ảnh bán lại cho em. Em xài 2 cái một lượt luôn!
Thiệt hết nước. Tôi hỏi chị ta rằng sao lại "mua" máy với giá trên trời vậy, bộ chị không nắm giá cả thị trường sao? Bà xã anh cười hì hì, trả lời:
  • Biết chớ! Ảnh chào bán cho người ta, người ta trả có nửa giá thôi. Ảnh tiếc nên… bán cho em. Thì đàng nào cũng còn máy đó, có mất gì đâu nè? Em đưa tiền cho ảnh mua máy mới, cất máy cũ vô tủ. Hì hì, dù sao ảnh cũng chỉ xài tiền để mua laptop, còn hơn là xài vô mấy… chuyện bậy bạ, phải không anh?
Tới đây thì tôi hết ý kiến. Xin kể lại chuyện này để tôn vinh bà xã anh như một người khách hàng vĩ đại nhất mà tôi được biết. Các bà xã muôn năm!
___
eChip - tháng 1/2008

Nhất thế giới!

Khi tới nhà Ba Trợn chơi, Hai Ẩu hết sức ngạc nhiên khi thấy hắn đang lui cui đẩy tới đẩy lui một cái quái gì đó, to gần bằng 2 cái bàn làm việc, có hình dạng bầu bầu. Hai Ẩu kêu lên:
  • Con quái vật này là cái gì vậy?
Ba Trợn cười ha hả, trả lời:
  • Ha ha, con quái vật gì đâu! Con chuột đấy anh Hai ạ!
Hai Ẩu ngẩn ngơ hỏi lại:
  • Cái này là con chuột đây sao?
Ba Trợn hét to lên với một niềm phấn khích khôn tả, một sự sung sướng tuyệt vời:
  • Con chuột máy tính! CON CHUỘT MÁY TÍNH TO NHẤT THẾ GIỚI!

Mẹ ơi, con chuột mà nãy giờ Hai Ẩu cứ tưởng là con voi. Hai Ẩu căn vặn Ba Trợn:
  • Chú mày mắc cái chứng điên gì mà xài CON QUÁI VẬT CHUỘT như thế này?

  • Không phải chỉ xài, mà là chế tạo ra! Anh Hai lạc hậu quá. Anh không biết bây giờ đang có phong trào làm đủ thứ nhất thế giới sao? Võng xếp to nhất thế giới, quyển sách bự nhất thế giới, tờ báo lớn nhất thế giới, bánh tét tổ chảng nhất thế giới… Nhất thế giới để được lên báo, để được nổi tiếng. Thằng em của anh Hai vốn ba trợn, làm ra cái máy tính hay con chuột nhỏ nhất thế giới thì khó quá xá, nhưng làm cho nó to kềnh ra thì dễ ợt, chỉ là đóng một cái thùng thiệt bự thôi. Nếu ai đó đã làm con chuột to bằng cái bàn, em chỉ việc làm cái thùng to hơn cái  bàn là… phá kỷ lục thế giới ngay.
Hai Ẩu thắc mắc:
  • Nhưng con chuột to như con voi thế này thì có ích gì? Thậm chí, chỉ để xài bình thường thôi thì cũng là cả một vấn đề. Lái xe tăng chắc còn dễ hơn?

  • Ấy, ông anh của tôi lại lạc hậu nữa rồi. Mới đây ở một bãi biển miền Trung có làm một công viên đàn, cây đàn nào đàn nấy to như con khủng long, cũng chỉ để ngó chơi thôi chứ làm sao mà đàn được? Còn nữa, cái võng xếp to nhất Việt Nam ấy, liệu rằng anh Hai có thể nằm trên ấy để ầu ơ ví dầu theo nhịp võng đưa hay lọt thỏm như con chuột nhắt nằm trong cái thúng? Vv và vv… Vấn đề là giải quyết cái sự “oai” thôi anh Hai à.

  • Có nghĩa là con chuột bự chảng này của chú mày cũng chỉ để ngó chơi cho vui chứ không xài được? 

  • Không xài được thì… đúng rồi. Nhưng sao lại chỉ ngó chơi? Để được đăng báo,để lên ti-vi, và thằng em này sẽ nổi tiếng anh Hai à. Anh Hai giúp em đăng thông tin này lên báo nhé, em cảm ơn anh Hai nhiều lắm.
Đó là lý do để có bài viết này. Hai Ẩu xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một kỷ lục: con chuột máy tính to nhất thế giới!
___
eChip - tháng 10/2006

Hãy đợi đấy!

Anh ta là một người sành sõi – rất sành sõi về máy tính. Từ cái thuở người ta mới biết đến máy vi tính 286, 386 – tức là cái thuở mà các bạn trẻ đọc bài này mới học cấp 1, hoặc còn… bú – thì anh đã tiếp cận với máy vi tính rồi. Bề dầy kinh nghiệm sử dụng máy tính của anh quả là dầy cộm.

Ấy thế mà cho đến nay anh vẫn chưa hề có được một cái máy tính để xài. Ngạc nhiên chưa?

Anh không đủ tiền mua máy? Không hề! Là một kỹ sư giỏi, làm việc hiệu quả, anh quá dư tiền để mua không chỉ một cái máy vi tính.

Hay anh không thích máy tính, dù rằng đã tiếp xúc với nó quá lâu? Cũng không! Càng tiếp xúc với máy tính, anh càng đam mê nó. Và thật bất ngờ, đây lại là nguyên nhân chính khiến giờ này anh chưa có máy tính.

Lúc còn máy vi tính 286, 386, anh đã vọc chán chê nó ở cơ quan, ở nhà bạn bè. Anh hiểu một quy luật của ngành máy tính rằng mỗi ngày công nghệ càng được cải tiến, tính năng sản phẩm mạnh hơn, giá thành hạ hơn. Vì thế, thay vì mua cho mình một bộ máy tính 386, anh quyết định chờ đợi cho đến khi nào có máy tính đời mới hơn, công nghệ cao hơn anh sẽ mua, sao cho bộ máy của mình sẽ là “đỉnh” của thiên hạ.


Quả vậy, chẳng bao lâu sau 386, máy tính 486 ra đời. Anh còn nhớ đó là máy 486 DX-25 (25 MHz). Anh biết nó sẽ còn nâng xung clock lên  nữa, và chờ đợi. Thế rồi tuần tự xuất hiện 486 DX-33, 486 DX-66, 486 DX-100… Anh cười thầm, nghĩ bụng nếu mình vội vã mua cái 486 DX-25 thì giờ đã quá lạc hậu rồi! Còn giờ đây hãy đợi tiếp xem sao.

Pentium đã ra đời để thay thế 486. Dĩ nhiên, với tính toán của mình, anh phải mua loại máy xịn hơn, nên hãy đợi xem sao đã. Anh lại đoán đúng, sau Pentium là Pentium MMX, Pentium II, Pentium III với một chuỗi dài các loại CPU với xung clock ngày càng tăng. Người mua sau luôn là người sở hữu thiết bị xịn hơn.

Đùng một cái, đến lượt Pentium 4 xuất hiện với hàng loạt thay đổi về công nghệ. Bạn bè hỏi anh: Bây giờ quá xịn rồi, mua máy đi chứ? Anh lắc đầu, nói: Chưa đâu, rồi sẽ có cái còn “phê” hơn cả Pentium 4, bọn mày hãy chờ xem ta đây sẽ mua cái đó!

Đã bảo anh là người sành sõi về máy tính mà, cho nên anh nói đâu là đúng đó. Pentium 4 chưa kịp tung hoành trong cõi giang hồ được bao lâu thì đã bị hạ bệ bởi một bậc kỳ tài khác: Pentium 4 siêu phân luồng. Bạn anh tậu được một cái P4 siêu phân luồng, khoái quá đến khoe với anh. Anh cười khẩy: Rồi xem, Pentium 4 siêu phân luồng sẽ chả là cái đinh gì đâu! Tớ sẽ chơi một cái máy tính còn “ngầu” hơn cái siêu phân luồng của cậu nữa!

Thoáng một cái, lời anh “phán” lại thành hiện thực. P4 siêu phân luồng trở thành… trẻ con, so với bậc hậu sinh khả úy: Pentium D 2 nhân! Lần này, một người bạn khác tậu một cái máy tính Pentium D đời mới nhất, lại mang đến khoe anh, ý nói rằng giờ đã là “đỉnh” rồi, mua máy đi là vừa. Anh lại cười khẩy: “Đỉnh” à? Đợi đấy, Pentium D sẽ chả là cái đinh gì đâu. Cỡ tớ phải chơi cái “oách” hơn mới xứng danh anh hùng!

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chỉ mấy trăng qua mà Pentium D đã từ vị trí bá chủ trở thành cao thủ hạng hai trong giới võ lâm. Mới cách đây mấy ngày, giang hồ xuất hiện một siêu cao thủ khác: Core 2 Duo Xứng danh Đại Anh hùng! Bạn bè gọi anh, hỏi: Bây giờ chẳng những xứng danh anh hùng, mà còn xứng danh đại anh hùng nữa. Còn chờ gì mà không mua ngay một bộ máy đi? Anh ậm ừ, trả lời: Hãy đợi đấy!

Cho đến giờ này, anh vẫn chưa chịu mua máy tính!
___
eChip - tháng 8/2006

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với dòng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ thế hệ thứ 8

Hãy sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game, VR và giải trí ở bất kỳ đâu với máy tính được trang bị dòng bộ xử lý In...