Monday, December 20, 2010

Sự tích quả dưa hấu


Ngày Tết dứt khoát phải có dưa hấu! Hai Ẩu chưa có dưa hấu đãi các bạn, vì vậy bèn tìm đến doanh nghiệp tư nhân Dưa Hấu để tìm hiểu chút chuyện hay kể lại hầu các bạn trong mấy ngày Xuân.

Ấy, doanh nghiệp tư nhân Dưa Hấu không phải bán dưa hấu, mà tên doanh nghiệp là Dưa Hấu. Vì một lẽ đơn giản: chủ doanh nghiệp tên Mai An Tiêm.

Mai An Tiêm thoạt đầu là một sinh viên tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin, ngành lập trình ứng dụng. Không phải dòng giỏi hoàng tộc, cũng không phải gia đình phú hộ nhưng một mặt chàng rất tự tin vào trình độ của mình, mặt khác chàng muốn cống hiến tài năng cho triều đình, sẵn thấy lục bộ (binh – hình – hộ - lại – lễ - công) đang tuyển công chức, chàng bèn cân nhắc khả năng và quyết định xin vào làm công chức bộ lễ.


Mai An Tiêm được nhận làm công chức tập sự của bộ lễ. Chàng sướng lắm, khen thầm triều đình biết trọng dụng nhân tài, còn mình thì quả có tài không ai phụ, đâu phải dựa vào gốc gác thân thế gì. Trong mấy tháng trời chàng miệt mài viết nên những phần mềm tuyệt hay để đáp ứng nhu cầu của bộ lễ.

Thế rồi đùng một cái, Mai An Tiêm bị cho thôi việc. Choáng váng, chàng đệ đơn lên hỏi quan thượng thư bộ lễ, hỏi rằng mình có khuyết điểm gì. Quan thượng thư trả lời ngay: Chú em chẳng có khuyết điểm, nhưng chú em không đạt tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn vô làm công chức ở bộ lễ này là phải có trình độ trung cấp, thế mà chú em lại có trình độ đại học, sai tiêu chuẩn rồi. Không đạt thì phải nghỉ thôi.  

Nghe An Tiêm kể tới đây, Hai Ẩu tặc lưỡi:
  • Chậc, chậc, cái vụ này hình như báo chí có đăng. Hình như tôi nghe kể rằng sau đó Mai An Tiêm bị nhà vua đày ra hoang đảo, và ở đó chàng đã phát hiện ra giống dưa hấu…?
Mai An Tiêm khoác tay: 
  • Lời đồn quả không sai, sự thể cũng gần như vậy. Bị cho thôi việc, bỏ ra bơ vơ giữa thị trường đang cạnh tranh khốc liệt thì cũng gần giống như đày ra hoang đảo.
An Tiêm kể tiếp câu chuyện của mình :

Khiếu nại không xong, Mai An Tiêm cắn răng quyết định… bơi. Không phải bơi giữa biển mà bơi giữa thị trường khắc nghiệt. Chàng bán hết chút của cải ít ỏi, nhịn ăn nhịn mặc, ngày đêm miệt mài tìm hiểu nhu cầu của bá tánh để viết nên một phần mềm hữu dụng, chàng vui sướng đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là: phần mềm Dưa hấu.

Nghe tới đây, Hai Ẩu reo lên:
  • Biết rồi, biết rồi! Phần mềm dưa hấu… ăn rất ngon, An Tiêm quảng cáo bằng cách khắc địa chỉ email, số điện thoại của mình lên vỏ dưa hấu, thả trôi trên biển. Các lái buôn vớt được, ăn thấy quá ngon, bèn theo thông tin liên lạc đó mà hỏi mua. Từ đó An Tiêm làm ăn ngày càng phát đạt, và bây giờ phát triển thành… doanh nghiệp tư nhân Dưa Hấu!
An Tiêm cười khà khà: 
  • Lời đồn hữu lý nhưng quả có chút sai lệch. An Tiêm này không có thả dưa hấu ra biển, chỉ là post thông tin lên Internet, cho mọi người download free bản beta về dùng thử. Họ dùng thử thấy hay, trả tiền mua bản chính thức, An Tiêm tiền vô như nước, bèn thành lập doanh nghiệp tư nhân để tiện kinh doanh.
Hai Ẩu tò mò hỏi: 
  • Còn đoạn sau thì sao? Nếu đúng như chuyện kể thì quan thượng thư sẽ thấy ăn năn, mời An Tiêm về triều cho làm công chức cấp cao, hưởng đời vinh hoa phú quý?
Mai An Tiêm đưa ngón tay lên trước miệng, nói:
  • Suỵt! Quan thượng thư nghĩ sao, hành xử như thế nào là chuyện riêng của ông ấy, nếu anh muốn biết thì cứ tìm đến ổng mà hỏi. Riêng tôi, thì đến giờ vẫn là ông chủ doanh nghiệp tư nhân, chứ đâu có về với triều đình!


Không nén được sự tò mò, Hai Ẩu quyết tìm đến quan thượng thư bộ lễ để tìm hiểu sự việc.

Vốn là chỗ quen biết, quan thượng thư sẵn lòng trả lời Hai Ẩu: 
  • Nhận nó về triều đình thế nào được, vì sau khi cho nó thôi việc, vị trí ấy là dành cho cháu của em vợ của quan thượng thư bộ hình rồi. Hà hà, nhưng thế mà lại hay đấy ! 

  • Hay à? Hay như thế nào?
Quan thượng thư tròn mắt nhìn Hai Ẩu hỏi: Thế nó không nói gì cho anh nghe à?

Hai Ẩu thật thà đáp lại rằng Mai An Tiêm chỉ giơ ngón tay che miệng và nói Suỵt chứ không nói gì thêm cả.

Quan thượng thư thở phào, nói: 
  • Thằng này kín miệng, thế là tốt. Chỗ quen biết ta cũng chẳng dấu gì anh, thằng cháu của em vợ của quan thượng thư bộ hình, và cả con cháu các cụ khác được gửi gấm làm việc ở bộ ta trình độ quá kém, chẳng làm được gì cả. Vì vậy bộ lễ vừa ký hợp đồng mua toàn bộ phần mềm dưa hấu của gã Mai An Tiêm với giá hàng trăm lượng vàng (ta cũng được chi một khoản hoa hồng kha khá). Anh nghĩ xem, nếu gã An Tiêm ấy được làm việc ở triều đình thì hắn phải lập trình theo chức trách, chỉ được hưởng lương công chức chứ đâu được giàu có như thế. Còn ta, cũng đâu được hưởng một khoản hoa hồng béo bở nhờ xuất ngân quỹ mua phần mềm của hắn. Thế theo anh, như vậy có phải tốt không ?

Ra là vậy, Hai Ẩu không ngờ sự tích quả dưa hấu lại có một kết cục… có hậu tới như vậy, thật đáng kể lại để ghi vào sử sách. Chúc mừng Mai An Tiêm! Chúc Mừng Năm Mới!
____
eChip - số Xuân 2010

Quan hệ khách hàng


Tôi phục sếp tôi sát đất!

Thứ nhất, ông có tầm nhìn xa trông rộng.

Đơn vị nọ có kế hoạch lắp đặt nguyên hệ thống mạng máy tính trị giá vài tỷ đồng, ông biết ngay. Nhìn xa trông rộng ở chỗ không phải bây giờ mà là hơn một năm sau kế hoạch mới triển khai, nhưng giờ đây ông đã biết. Ông còn biết cả người sẽ chịu trách nhiệm cho hệ thống này là ai, tên gì, mấy tuổi, nhà ở đâu, gia cảnh ra sao nữa. (Từ đây về sau ta cứ gọi anh này là anh A đi nhé!)

Thứ hai, ông rất chuyên nghiệp trong quan hệ khách hàng.

Khi đã biết anh A là người chịu trách nhiệm chính, đích thân sếp cùng nhân viên (là tôi) đến tận nhà anh để làm quen, không quên mang theo một món quà (mà sếp đã tự mình tìm hiểu để chọn cho đúng sở thích của anh). Dù anh A đã khéo léo từ chối, nhưng sếp vẫn không lấy thế làm buồn, ông cử tôi luôn theo sát anh A để tìm hiểu về anh.


Cùng lúc với công ty tôi có nhiều công ty máy tính khác cũng tìm cách tiếp cận với anh A. Ôi dào, họ làm sao qua được sếp tôi! Bản lĩnh của ông được thể hiện ở chỗ này. Có người tiếp cận với cấp trên của anh A, hòng thông qua họ tác động đến anh. Sai bét! Sếp biết chắc là cấp trên đã ủy nhiệm toàn bộ việc này cho anh A, việc nhờ cấp trên tác động là vô nghĩa! Có người mượn cớ đến làm việc để rủ anh A đi nhậu. Sai bét! Anh A đâu có khoái đi nhậu, vì anh cho rằng ăn nhậu là mất thời giờ, anh là người của công việc cơ. Lại có công ty cử một em nhân viên chân dài tới nách đến gặp anh A, hòng dùng mỹ nhân kế làm xiêu lòng anh. Lại sai bét! Anh A đã có vợ con, và không phải dạng người ham mê chân dài.

Sếp cử tôi tiếp cận anh A. Tôi không phải chân dài, cũng không phải tay ăn nhậu, tôi chỉ là một thằng sinh viên mới ra trường vài năm nhưng ham học hỏi, làm việc. Tôi thường xuyên đến thăm và uống cà phê với anh A, trò chuyện về công nghệ, về kinh doanh – đó chính là điều anh A thích. Gần cả năm trôi qua, tôi coi anh A như người bạn, người anh lúc nào chẳng rõ.

Thứ ba, sếp của tôi là người có nghĩa có tình.

Mẹ anh A bị bệnh nặng. Tôi báo cáo sếp. Sếp vội vã hỏi thăm tình hình, rồi tự suy tính như chính mẹ mình có bệnh. Sếp xác định bệnh tình, chọn bệnh viện phù hợp rồi tức tốc mang xe của công ty đến để đưa mẹ anh vào bệnh viện ấy. Sếp còn liên hệ trực tiếp với các bác sĩ ở bệnh viện để gửi gấm, nhờ chăm sóc mẹ anh cho chu đáo. Sếp lại cử nhân viên (là tôi) thường xuyên đến thăm mẹ anh trong bệnh viện. Tôi thấy anh A rất bùi ngùi cảm động.

Không may, mẹ anh A không qua khỏi.  Sếp đích thân đến viếng tang, rưng rưng quỳ lạy bên linh cửu bà cụ. Tôi thấy anh A lạy trả với một niềm xúc động lớn.

Ngày triển khai kế hoạch lắp đặt thiết bị sắp đến. Thử hỏi với nghĩa cử ấy, với tấm tình ấy của sếp, anh A còn có thể chọn đối tác cung cấp nào ngoài công ty của tôi nữa chứ?

Bất ngờ xảy ra, anh A chẳng may gặp tai nạn giao thông và tử vong. Tôi nhận tin từ vợ anh mà điếng cả hồn, vì từ lúc nào tôi đã xem anh như người anh của mình.

Tôi vội báo tin cho sếp. Với một con người có tình có nghĩa như sếp, với câu nghĩa tử là nghĩa tận,  tôi không mảy may nghi ngờ là sếp sẽ đến chia buồn cùng tang quyến anh, như ngày nào đã hết sức xúc động viếng tang mẹ anh.

Nhưng không, mặt sếp lạnh tanh. Sếp hỏi: Đứa nào thay nó? Toi công cả năm!

Sếp gọi điện đâu đó, xác định rằng anh B sẽ tạm thay anh A trong công việc. Sếp nhếch mép cười, nói nhỏ: Thằng này dễ, cho một em chân dài tới là xong ngay!

Sếp không đến dự đám tang. Còn tôi, tôi một mình đến viếng tang anh. Tôi phải viếng vào ban đêm vì sếp không cho đi trong giờ làm việc. Cũng được, tôi sẽ thắp nhang kính viếng hương hồn anh và ở bên anh suốt đêm cho trọn tình trọn nghĩa, vì dù sao anh cũng là người anh của tôi mà!
__________________
Siêu thị Số - số 67, tháng 12/2010

Ai là sư phụ?


Tớ là sư phụ!

Đúng vậy, tớ là thầy giáo dạy công nghệ thông tin trong một trường cấp 3. Thầy dạy giỏi hẳn hoi đó nghen. Học trò của tớ đi thi Tin học không chuyên của thành phố, toàn quốc rinh về cả đống giải thưởng. Hàng trăm đứa học sinh của tớ thi đậu vào đại học. Mỗi năm cứ đến ngày 20 tháng 11 là chúng nó lại nhớ đến thầy, đến nhà chúc mừng tớ thật đông vui. Tớ vui và hãnh diện được là sư phụ của chúng!

Là thầy giáo dạy công nghệ thông tin, hiển nhiên tớ có một blog để bọn học sinh vào đó trao đổi thông tin, cũng là nơi để chúng hỏi bài, tớ giảng bài cho chúng. Tớ bắt mỗi đứa phải làm một blog. Thầy trò trao đổi với nhau về lập trình, về đủ thứ. Thế rồi khi bọn chúng ra trường rồi, blog ấy vẫn còn giữ, bọn chúng vẫn tiếp tục liên hệ với tớ qua mạng. Có khi hỏi về kiến thức, có khi là tâm tình thầy trò… Tớ tiếp tục là sư phụ của chúng trên không gian ảo.


Kiến thức về IT thì bao la, mà tớ lại là người ham học hỏi. Ở trường cấp 3, tớ chuyên dạy lập trình, nhưng kiến thức về thương mại điện tử, về marketing online, về social media tớ đâu có rành. Tớ quyết tâm tìm hiểu. Cách tìm hiểu hay nhất là qua mạng, ở đó mình có được những thông tin cập nhật mới nhất. Nhất là qua blog của những tay chuyên gia đang làm việc cho các công ty lớn, vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm thực tế.

Lang thang trên mạng, tớ tìm thấy blog của một tay có nick là Tôn Ngộ Không, viết về social media và marketing online cực hay. Để thuận tiện cho việc trao đổi, tớ ẩn danh và làm một blog khác cho riêng mình với nick là Tam Tạng. Quả thật là trong lĩnh vực này tớ lù đù như Tam Tạng còn tay ấy có 72 phép thần thông như Tôn Ngộ Không. Tớ say sưa đọc các bài viết của hắn, và comment để nêu ý kiến thắc mắc, hắn giải đáp cho tớ thật trơn tru và tận tình.

Cứ thế gần một năm trôi qua, hắn đã thành sư phụ của tớ, tớ thành học trò của hắn hồi nào không hay! Kim Dung tiên sinh viết rằng: Ngoài trời lại có trời! Còn tục ngữ có câu Nhất tự vi sư, bán tự vi sư mà bây giờ nên đổi thành Thầy thực vi sư, thầy ảo vi sư. Tớ không sĩ diện, chấp nhận coi hắn là sư phụ, dù mình là sư phụ của khối thằng học sinh giỏi IT! Để tỏ lòng tôn sư trọng đạo, tớ mời hắn đi uống café để tặng quà nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Sau đây là đoạn chat của tớ và hắn:

Tam Tạng: Mời sư phụ đi café để chúc mừng ngày 20/11.

Tôn Ngộ Không: Okie. Đệ tử café lúc nào?

Tam Tạng: Đệ tử mời sư phụ đúng ngày 20/11 cho nó tràn trề ý nghĩa!

Tôn Ngộ Không: Ối, ko được. Ngày đó sư phụ phải đi tặng quà cho đại sư phụ của mình.

Tam Tạng: Vậy sao? Tiếc quá. Sư phụ đi Tết thầy ở đâu, để đệ tử đón cũng được.

Tôn Ngộ Không: Cũng được. Đệ tử biết nhà thầy Nguyễn văn Tèo dạy trường YYY không?

Tam Tạng: Ai???

Tôn Ngộ Không: Thầy Nguyễn văn Tèo, nhà ở số XX đường YYY.

Tam Tạng: Ủa, nhà đó là nhà tui mà. Tui là Nguyễn văn Tèo đây!

Tôn Ngộ Không: Ủa, thầy Tèo hả thầy? Em là Lê văn Tý, học trò cũ của thầy nè.

Tam Tạng: Vậy… ai là sư phụ?

Tôn Ngộ Không: Ôi, em xin lỗi thầy. Tam Tạng là thầy của Tôn Ngộ Không ạ!

Chuyện là vậy đó. Bây giờ tớ cũng chẳng biết ai là sư phụ, nhưng ai thì cũng được, phải không các bạn?
_______________
Siêu thị Số - số 66, tháng 11/2010

Điệp vụ trên xe buýt


Chuyến xe buýt Sài Gòn – Biên Hòa kéo dài hơn một giờ đồng hồ.

Hai Ẩu ngồi lơ mơ trên xe và nghĩ rằng mình phải giết thời giờ bằng cách làm thám tử Sherlock Holmes. Quan sát hành vi của hành khách trên xe, và từ đó phân tích họ là ai, ở đâu, làm nghề gì. Quả là một trò tiêu khiển thú vị và đầy chất trí tuệ!

Hành khách trên xe thì nhiều, nam nữ, ông già bà già, trẻ con…, nhưng Hai Ẩu chỉ quan tâm đến phụ nữ trẻ (đẹp càng tốt) vì như thế điệp vụ này mới tăng phần hấp dẫn.

Ngồi song song với hàng ghế của Hai Ẩu là một cô gái trẻ xinh xắn. Cô nàng diện bộ đồ thật model, xách cái túi hàng hiệu, tóc xì-tin. Cô nàng móc trong túi ra một cái iPhone, và cứ cách chừng 10 phút lại tíu tít gọi cho ai đó. Hai Ẩu nghe được nội dung trao đổi như thế này:

  • Hôm nay chị về Biên Hòa được không? Em có mấy vé buffet ăn sáng ở … nè. Được được, 9 giờ chị em mình đi nhe, 10 giờ nó hết rồi.
  • Ê, hỏi nè, hôm qua mấy cha đó bo cho em đô hay Việt vậy? Việt à? Mấy chai? Ra sân bay mới đưa hả? Trời, lúc dắt vô siêu thị thì sao?
  • Ba ơi, con gần tới rồi, ba ra bến xe đón con nghe!
Căn cứ vào những dữ liệu ghi nhận được, Hai Ẩu xác định “nhân thân” của cô gái này như sau: Tuổi độ ngoài 20, gốc Hoa (căn cứ vô giọng  nói đớt đớt), làm nghề hướng dẫn du lịch tự do, chơi nhiều, ngủ nhiều (9 giờ mới đi ăn sáng), chưa có người yêu hoặc chồng (vì phải kêu ba ra đón).

Nhân vật thứ hai được Hai Ẩu quan tâm phân tích là một cô gái ngồi bệt cạnh hàng ghế của mình (vì hết chỗ ngồi, mà Hai Ẩu không nhường chỗ!). Cô này mặc quần jean, áo sơ mi, gương mặt hơi khắc khổ. Lúc ngồi trên xe cô cũng rút điện thoại ra nhưng không gọi mà chỉ nhắn tin. Điện thoại loại bình dân. Vì cô gái ngồi bệt ở dưới, còn Hai Ẩu ngồi trên ghế nên… đọc được gần hết nội dung tin nhắn của cô ta (cái này không phải tính xấu tò mò, mà là óc quan sát của nhà thám tử!). Gần đến nơi, cô mới gọi điện cho anh nào đó ra đón.

Căn cứ vào những dữ liệu ghi nhận được, Hai Ẩu xác định “nhân thân” của nhân vật này như sau: Là công nhân (căn cứ vào việc cô lên xe ở giữa chặng, ở ngay một khu chế xuất), người Nghệ An (căn cứ theo giọng nói), nghèo (xài điện thoại bình dân, không gọi nhiều mà chỉ nhắn tin), có bồ rồi (căn cứ theo nội dung tin nhắn).

Hai Ẩu đang đắc ý với tài năng phân tích kiểu thám tử Sherlock Holmes của mình thì điện thoại reo. Hừm, số lạ hoắc! Hai Ẩu bắt máy thì nghe: Chào anh Hai Ẩu! Chúc mừng sinh nhật anh!

Hai Ẩu giật mình, thằng này là thằng nào mà nó biết mình, biết số điện thoại và cả ngày sinh nữa. Sherlock Holme – Hai Ẩu hỏi lại: Xin lỗi, anh là ai? Sao biết tui?

Hai Ẩu nghe tiếng cười khục khục từ phía sau. Té ra người gọi là một gã choai choai ngồi ngay hàng ghế sau của Hai Ẩu. Một người hoàn toàn xa lạ. Hắn cúp máy, và nói chuyện trực tiếp với Hai Ẩu: 
  • Biết chứ! Tôi biết anh tên  thật là…, sinh ngày…, tại… Lúc nhỏ anh học tại…, sau đó học tại…, rồi ra trường làm việc ở các nơi như sau:… Tôi còn biết anh có sở thích là….
Hai Ẩu nghe mà bủn rủn tay chân. Thằng cha này là ai mà nó biết hết vậy? Nếu mình là Sherlock Holmes, hổng lẽ nó là… James Bond 007? Mà nãy giờ mình ngồi im chứ đâu có… cục cựa như 2 cô kia, nó quan sát được cái gì mà biết rành rẽ vậy?

Chừng như biết thắc mắc của Hai Ẩu, gã choai choai ấy nói: 
  • Lúc nãy, khi anh móc bóp ra trả tiền xe buýt, tôi thoáng thấy 1 cái thẻ gì đó có tên anh ở trong bóp. Thế là tôi search Google để tìm tên anh. Sau đó tôi lần ra Facebook và các mạng xã hội mà anh có tham gia. Thế là có đầy đủ thông tin thôi, hi hi hi!
Vừa nói hắn vừa lo le cái smart phone trong tay, phán tiếp: Cái trò làm thám tử này vui thiệt!
Hai Ẩu lầm bầm: Hừm, vui! Chú mày làm Sherlock Holmes quê độ quá!
_______________
Siêu thị Số - số 65, tháng 11/2010

Saturday, December 18, 2010

Đặt tên công ty theo kiểu Hai Ẩu...


Hai Ẩu vừa mở ra một doanh nghiệp, chuyên làm dịch vụ tư vấn cho khách hàng là công ty về việc đặt tên công ty, đặt slogan...

Ông khách hàng đầu tiên gặp Hai Ẩu, ổng nói ổng chuyên làm Dịch vụ cung ứng Vật tư, và nhờ Hai Ẩu nghĩ ra một cái tên thật hay cho công ty của ổng.

Chuyện này dễ quá!

Người ta thường ghép từ để ra tên tắt, thí dụ như Xây dựng và Lắp đặt thì gọi là Xây lắp. Vì thế chẳng có gì khó khăn khi Hai Ẩu ghép từ Dịch vụVật tư ra thành Công ty Dịch Vật để đặt tên cho công ty của ổng.

Hai Ẩu vừa tư vấn cho khách hàng này xong thì có một khách hàng khác đang đứng chờ vội ôm cặp te te đi ra. Hai Ẩu gọi giật lại hỏi: Sao không chờ tui tư vấn?


Ông này cười hí hí trả lời: Tui nghe anh Hai tư vấn tui biết cách đặt tên cho công ty tui rồi.

Hai Ẩu tò mò hỏi: Công ty anh làm gì?

Ổng trả lời: Công ty tui chuyên môn thực hiện việc Giao nhận hàng hóaHợp tác kinh doanh. Do đó tui quyết định đặt tên là... Công ty Giao Hợp!

Đến khách hàng kế tiếp. Ông này chuyên bán máy laptop, đã có tên công ty nên ổng nhờ đặt slogan.

Ổng nói: Laptop của tui rất xịn, rất nhẹ. Tui muốn đặt một câu slogan như thế nào đó để thể hiện được sự nhẹ nhàng bay bổng, tung tăng sử dụng lap top mọi lúc mọi nơi. Thêm vào đó laptop có nhiều chức năng rất mạnh, làm được nhiều việc nên người sử dụng sẽ rất sung sướng!

Hai Ẩu đăm chiêu suy nghĩ rồi hỏi lại ông ta:
  • Anh muốn thể hiện sự sung sướng, rất sung sướng?
  • Đúng vậy!
  • …và tung tăng bay bổng?
  • Đúng vậy!
Hai Ẩu ra đáp án liền (chuyên gia mà lị):
  • Tung tăng bay bổng là tiêu diêu. Rất sung sướng là cực lạc. Tôi sẽ đặt slogan cho anh là Tiêu diêu miền cực lạc. Hay quá chứ hả?
Một khách hàng hàng lại đến. Ông này định mở một công ty chuyên làm dịch vụ sửa chữa, bảo trì máy tính và hệ thống mạng cho khách hàng. Phương châm của ông là tạo nên sự tiện nghi tối đa cho khách hàng, và nhờ Hai Ẩu tư vấn cho một cái tên thể hiện được phương châm ấy.

Hai Ẩu nói:
  • Đặt sự tiện nghi cho khách hàng làm ưu tiên thì trong tên công ty phải có chữ Tiện rồi. Nó thể hiện sự tiện nghi, tiện lợi, tiện ích, tiện dụng... 
  • Phải quá!
  • Thể hiện cái gì đó rất nhiều, rất lớn thì người ta ưa dùng chữ Đại. Thí dụ như lễ lớn thì gọi là đại lễ, chiến công lớn thì gọi là đại công... Công ty anh chủ trương về sự tiện lợi, vì thế tui đề nghị đặt tên công ty là... Đại Tiện!
Ông khách quá khoái chí, cảm ơn Hai Ẩu rối rít. Bỗng ổng ngẩn người ra, hỏi: 
  • Tên công ty nghe kêu thiệt, nhưng sao đọc lên tui lại nghe mùi... thúi thúi?
________________
Siêu thị Số - số 64, tháng 10/201

Trớt quớt nghĩa là sao?


Tui tra trong mấy cái tự điển, hổng thấy dịch chữ Trớt quớt sang tiếng Anh là gì hết!

Nhưng chắc chắn các bạn chỉ cần nghe hai tiếng trớt quớt thì hiểu là gì rồi. Cái vần ớt ớt, và cái âm trờ quờ trớt quớt liền, không cần giải nghĩa! (mà phải đọc theo giọng Nam bộ á, đọc theo giọng Bắc nghe nó hổng có... đã!). nghe lên là biết...


Tui tổ chức một buổi hội thảo để trình bày một phương án ứng dụng công nghệ thông tin. Tui chuẩn bị công phu lắm à nghen. Về phía diễn giả (là tui á) đã chuẩn bị sẵn một bài thuyết trình với đầy đủ số liệu, dẫn chứng hùng hồn, được trình bày bằng Power Point rất sinh động, dễ hiểu và hấp dẫn. Về phía khách mời, toàn là những người có vai vế, đại diện cho các ban ngành.

Tui trình bày một cách say sưa phương án mới của mình, các đối tác vừa nghe vừa gật gù. Xem chừng họ hiểu và tâm đắc với phương án của tui lắm, thiệt là mát lòng mát dạ. Xong, đến phần phát biểu ý kiến của các vị khách. Lạ, bà đại diện ngành tài chính nói một bài dài về… quản lý tài chính. Ông đại diện ngành xây dựng thì nói về chuyện xây dựng cơ bản. Một số doanh nghiệp đứng lên xin phát biểu ý kiến thì toàn là giới thiệu, tranh thủ quảng cáo về doanh nghiệp của mình (cơ hội có mặt nhiều quan khách mà!). Không ai phát biểu gì ăn nhập với phương án tui vừa trình bày cả. Nói chung là họ hổng ủng hộ, cũng hổng bác bỏ phương án - hay nói cách khác họ chẳng hiểu gì hết (cũng có thể là từ nãy tới giờ họ… hổng nghe gì hết, chỉ già bộ gật gù cho vui vậy thôi). Tôi lẩm bẩm: Thiệt... trớt quớt!

Tôi dự một buổi tọa đàm nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là dịp tôn vinh doanh nhân Việt nhân ngày truyền thống của họ, cũng là dịp các doanh nhân có dịp tiếp xúc các vị lãnh đạo để nêu những khó khăn, những nguyện vọng của mình. Sau các phát biểu đầy bức xúc của giới doanh nhân trước tình hình kinh tế khó khăn là đến phát biểu của ngân hàng và lãnh đạo tỉnh.

Ông ngân hàng (nhà nước) đứng lên giảng một bài giáo khoa về... vai trò của ngành ngân hàng trong nền kinh tế. Các doanh nhân ngơ ngác lắng nghe như học trò nghe thầy giảng bài cũ.
Ông lãnh đạo tỉnh phát biểu rằng thì là nhiệt liệt chúc mừng các nhà doanh nghiệp trong ngày lễ này, rồi rằng thì là tỉnh rất ủng hộ doanh nghiệp. Hết. Không thấy nói gì đến những bức xúc của doanh nghiệp và giải quyết các bức xúc đó như thế nào, cũng không biết ủng hộ là ủng hộ ra làm sao (hình như họ ngồi dự chứ không nghe, còn bài phát biểu thì ai đó soạn sẵn từ trước). Các doanh nhân ngồi ở dưới nghe, thầm thì cùng nhau: Trớt quớt!

Mới đây, tôi bày tỏ tình cảm của mình với cô bạn gái. Sau khi nghe tôi tỉ tê tâm sự, trò chuyện đủ điều, nàng nhỏ nhẹ nói cùng tôi: Anh nói sao nghe... trớt quớt!

Nãy giờ các bạn đọc bài này có thấy nó... trớt quớt hông?
_____________
Siêu thị Số - số 63, tháng 10/2010

Thế mới là đẳng cấp!


Hồi xưa, nghe nói ông nội tớ mê coi cải lương lắm. Lâu lâu có gánh cải lương về tỉnh, ổng lấp ló rình sau cánh gà để ngó thần tượng của mình sắm tuồng. Hễ mà rờ được vô cái áo của hoàng tử, ông vua gì đó do thần tượng của mình đang mặc là coi như sướng luôn cả tháng, khoe um lên với đám con nít của cả xóm!

Nghe nói có một số người cũng mê cải lương như vậy mà sau thành nghệ sĩ tài danh luôn. Ông nội tớ không thành kép hát, nhưng ông là một người hâm mộ. Vậy thôi!

Đến thời của ba tớ thì ổng khoái coi đá banh. Ổng làm sao không biết mà có được cái áo thun có chữ ký của một cầu thủ nổi tiếng thời đó. Trời, ổng quý còn hơn vàng, cho tới bây giờ vẫn còn giữ cái áo đó. Tớ nghĩ, may là cái áo ấy có chữ ký của một cầu thủ Việt Nam, chứ nếu mà là chữ ký của Messi, Ronaldo… chắc ba tớ phát điên lên vì sướng mất!


Cũng như ông nội tớ, ba tớ không trờ thành cầu thủ. Ổng chỉ là người hâm mộ thôi!

Đến các anh chị của tớ thì họ thần tượng đủ thứ. Ca sĩ, diễn viên điện ảnh, nhà văn… Họ lăng xăng lít xít, năn nỉ ỉ ôi thần tượng của mình để có được chữ ký trên chiếc khăn tay, trên quyển sách… Và họ giữ những thứ đó như báu vật của mình. Nếu may mắn, có được tấm ảnh chụp chung với thần tượng (cho dù là chỉ đứng thấp thoáng phía sau lưng hay cách xa mấy mét) thì sẽ phóng to ra treo ở giữa nhà!

Vậy còn tớ thì sao?

Không phải coi thường người lớn, nhưng có thể khẳng định tớ ở một đẳng cấp cao hơn hẳn!
Dĩ nhiên tớ cũng có thần tượng, nhưng thần tượng của tớ có tầm vóc vượt xa thần tượng của ông nội, ba, anh chị tớ! Và tớ, tớ không năn nỉ ỉ ôi, thập thò rờ áo của thần tượng. Tớ đứng ngang tầm với thần tượng của mình. Ấy, đẳng cấp chính là chỗ đó!

Thí dụ ư? Tớ sẽ cho thí dụ ngay đây.

Mọi người biết giáo sư Ngô Bảo Châu chứ? Ông là nhà toán học vĩ đại, ông đoạt giải Fields, cả thế giới vinh danh. Điều quan trọng là: Ông là bạn của tớ. Kính nể chưa?

Hà hà, giáo sư Ngô Bảo Châu có blog là Hòa thượng Thích Học Toán. Thế là tớ hiên ngang vào đọc blog của ông, tớ hiên ngang còm men vô đó một câu như thế này: Tui là Văn Tèo, rất hân hạnh làm quen với ông!

Vậy là cái câu làm quen của tớ xuất hiện trong blog của giáo sư. Vậy là tớ trở thành người quen, là bạn với giáo sư Ngô Bảo Châu rồi chứ còn gì nữa!

Có thể là tớ không đoạt giải Fields (mà chắc chắn là vậy rồi, như ông nội tớ không thành kép hát, ba tớ không thành cầu thủ nổi tiếng), nhưng tớ nghĩ là giáo sư Ngô Bảo Châu có blog, tớ cũng có blog, vậy là tớ và giáo sư ngang tầm với nhau rồi!

Mà không chỉ giáo sư Ngô Bảo Châu đâu, tớ còn vô blog của những người rất rất ư nổi tiếng khác nữa. Chỗ nào tớ cũng xía vô một câu để thể hiện mình.

Thế là tớ quen với biết bao người nổi tiếng. Thế mới là đẳng cấp chứ!
____________
Siêu thị Số - số 62, tháng 9/2010

Hậu sinh khả úy


Khổng Tử là Vạn thế sư biểu, chuyện đó ai cũng biết. Nhưng Khổng tử là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chắc ít ai biết. Vậy các bạn hãy nghe kể chuyện này nhé!

Ngày nọ Khổng Tử dẫn các đệ tử đi điền dã để hướng dẫn về kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh. Đến khung cảnh vừa ý, Khổng Tử bảo các học trò dừng lại, dựng chân máy ảnh lên, chọn một góc máy đặc sắc, rồi Ngài bắt đầu giảng giải về ánh sáng, màu sắc, bố cục, v.v…

Lúc đó bỗng đâu có một thằng nhóc xuất hiện. Nó nhăn răng cười rồi chỉ vào giàn giá, máy ảnh, ống kính… và hỏi Đức Khổng Tử:
  • Cái này là cái quái gì vậy ông già?
  • Đồ nghề chụp ảnh đấy, chú em ạ. Chẳng hay chú con cái nhà ai, tên chi?

Thằng nhóc cười khì khì, móc trong túi quần sọoc ra một cái máy ảnh kỹ thuật số dẹp lép như con tép:
  • Tui tên Hạng Thác, nhà ở gần đây. Chụp hình gì mà lôi thôi vậy? Coi nè!
Vừa nói, nó vừa giơ máy ảnh lên, bấm xoẹt xoẹt liên tục. Khổng Tử và đám đệ tử trố mắt ngạc nhiên. Đám đệ tử xì xồ bàn tán: Cái máy dẹp lép như vậy thì phim để ở đâu? Không sợ tốn phim sao mà chụp xả láng không thèm ngắm nghía gì hết vậy?

Khổng Tử đến gần Hạng Thác, nói: Nhiếp ảnh là cả một khoa học và nghệ thuật nữa. Không thể dùng cái đồ chơi này của chú em để làm nghệ thuật được.

Hạng Thác bật máy ảnh qua chế độ View, giơ máy cho Khổng Tử xem và nói: Ông coi đi, tui chụp được quá trời hình, mà đâu cần đồ đạc lỉnh kỉnh, cũng đâu cần ngắm ngắm nghía nghía, gật gà gật gù như mấy ông?

Khổng Tử hết sức bất ngờ khi xem ảnh, nhưng vẫn từ tốn giảng giải cho Hạng Thác:
  • Ấy, những cái này tuy cũng là ảnh, nhưng chú hãy xem lại đi. Có ảnh thì không có bố cục, có ảnh thì thiếu sáng, có ảnh lại dư sáng, có ảnh lại nhìn chẳng ra đầu ra đuôi chi cả… Nghề nhiếp ảnh cũng lắm công phu, không phải ai cũng làm được đâu chú ạ.
Hạng Thác cười ngất, nói:
  • Hình nào xấu thì mình Delete. Cái nào thiếu sáng, dư sáng thì xài Photoshop chỉnh lại. Còn bố cục hả? Cũng đưa vô Photoshop cắt cúp là có bố cục tốt thôi mà. He he.
Khổng Tử nghe qua nửa hiểu nửa không, ngước mặt lên trời than: Quả là hậu sinh khả úy!
Ngay khi ấy, đồng loạt có những tiếng xoẹt xoẹt nho nhỏ và tiếng cười nói rúc rích vang lên đâu đó. Khổng Tử và học trò giật mình dáo dác nhìn quanh thì thấy một nhóm các cô cậu tuổi teen nhô ra từ những lùm cây xung quanh, trên tay mỗi người lo le một chiếc điện thoại di động. Bọn chúng reo lên:
  • Xưa rồi ông già ơi! Bi giờ người ta xài cái này, chụp chui, chụp lén, chụp bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, vừa chụp vừa quay phim, làm xong thì post lên mạng. Ha ha!
Khổng Tử bối rối than tiếp: Ôi, hậu hậu sinh khả khả… ố!

Vẫn chưa hết, một teen girl õng à õng ẹo bước tới gần Khổng Tử. Nàng ta rút trong… ngực áo ra một chiếc điện thoại dí vào mặt Khổng Tử nói:
  • Anh giai già ơi, coi hình tự sướng do em tự chụp nè. Hot không anh giai?
Không biết em teen girl này cho Khổng Tử coi hình gì trong điện thoại của nàng ta, chỉ biết là xem qua thì Vạn thế sư biểu trợn trắng mắt, miệng sùi bọt mép, Ngài rên rỉ nửa như cười, nửa như khóc:
  • Khả khả khả…! Hậu sinh khả khả khả…!
Không biết cuối cùng câu chuyện sẽ đi tới đâu, chỉ biết ngay lúc ấy đám đệ tử của Khổng Tử bu đến xem hình trong điện thoại mà cô gái gọi là hình tự sướng!
___________
Siêu thị Số - số 61, tháng 9/2010

Wednesday, December 15, 2010

Em hok nghe mùa thu?



  • Công nghệ thông tin đã làm méo mó tiếng Việt. Ngôn ngữ chat, blog của tụi teen bây giờ thật không thể hiểu được.
Cô bạn dạy văn của Hai Ẩu than thở như vậy. Hai Ẩu phản bác ngay:
  • Bạn cực đoan quá! Thật ra công nghệ thông tin giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy văn học. Thí dụ: Người ta dùng Power Point để soạn giáo án điện tử, có hình ảnh, có âm nhạc… rất là trực quan sinh động.
  • Đúng. Tôi cũng soạn bài giảng bằng Power Point.

Được thể, Hai Ẩu tiếp tục lập luận:
  • Ngoài bài giảng là công cụ giảng dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên còn có thể tạo website, blog… để đưa bài giảng hoặc văn thơ trực tiếp lên đó, học sinh sẽ có ý kiến trao đổi, nhận xét qua mạng mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, có thể dùng công cụ chat để phụ đạo môn văn cho học sinh.
  • Đúng. Tôi cũng có blog riêng để đưa bài giảng lên, cũng đôi khi chat qua mạng để hướng dẫn thêm cho học sinh.
Hai Ẩu khoái chí, cười hà hà:
  • Vậy đó, bạn đã thừa nhận là công nghệ thông tin đã giúp ích quá nhiều cho việc dạy văn của mình rồi nhé! Còn than thở nỗi gì?
Cô giáo chẳng nói chẳng rằng, cho Hai Ẩu xem một đoạn đối thoại dạy bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Hai Ẩu chẳng kịp nhìn đó là một đoạn đối thoại qua chat hay comment trong blog, chỉ biết nội dung nó như vầy: (các bạn đọc xong cứ cho ý kiến, riêng Hai Ẩu quyết không có ý kiến gì hết!)
Cô giáo:         Em không nghe mùa thu
                    Dưới trăng mờ thổn thức?

Học sinh:       Oh, yeah! Em thề là em hok nghe j hết á!

Cô giáo:         Em không nghe rạo rực
                     Hình ảnh kẻ chinh phu
                    Trong lòng người cô phụ?       

Học sinh:       Hụ hụ, em thề là em hem nghe mừ!

Cô giáo:         Em không nghe rừng thu
                    Lá thu rơi xào xạc

Học sinh:       Ặc ặc, nói hông rùi mừ. Hỏi wài, chán wá!

Cô giáo:         Con nai vàng ngơ ngác
                     Đạp trên lá vàng khô…

Học sinh:       Wow, bít rùi. Ke ke ke, đó chính là cô giáo!
_______________
Siêu thị Số - số 60 - tháng 8/2010

Không phải không có, chỉ tại không thèm!


Ba Trợn ngồi đọc đi đọc lại cái tin Ấn Độ đã sản xuất ra máy tính bảng (tablet PC) với giá 35 USD, chép miệng tiếc rẻ: Chậc, chậc, bên Ấn Độ sướng quá, có cái máy tính rẻ rề như vầy thì tha hồ mà xài. Không biết tới chừng nào Việt Nam mình mới có cái máy như vậy để Ba Trợn này mua xài cho đỡ ghiền!
Hai Ẩu trề môi nói: Ai nói chú mày Việt Nam mình không có cái thứ đó? Xưa rồi em ơi!

Ba Trợn nghe được, tươm tướp hỏi: Đâu? Ở đâu? Hồi nào?


Hai Ẩu khoan thai trả lời: Để anh kể chú mày nghe chuyện bí mật này. Hồi lâu rồi, các nhà sản xuất ra thứ máy rẻ tiền ấy định đưa vô thị trường Việt Nam. Vốn cẩn thận, các nhà ấy nhờ anh làm một cuộc nghiên cứu thị trường. 
  • Trời! Anh Hai oai vậy sao?
  • Chớ sao. Bây giờ chú em hãy lẳng lặng mà nghe anh kể kết quả nghiên cứu nè.
Đầu tiên Hai Ẩu khảo sát khách hàng là các em sinh viên nghèo. Đây đúng là đối tượng cần được sự phục vụ của các máy tính rẻ tiền nói trên. Hai Ẩu giới thiệu là có loại máy tính như vậy, như vậy đó; giá cả bây nhiêu, bây nhiêu đó. Mua hông? Mua hông?
Cậu sinh viên nghi ngờ, hỏi lại: Chơi game được hông? Card màn hình đời nào? Bộ nhớ card màn hình bao nhiêu MB?

Trời! Máy cỡ này làm gì có card đồ họa rời. Chơi game thì giỏi lắm là chơi mấy trò cổ điển.

 Cậu sinh viên nói: Cỡ tui là phải chơi con Core 2 Quad trở lên, DDRAM III 2 GB, HDD 500 GB trở lên, card màn hình 1 MB trở lên. Vậy chơi game mới… tạm được, còn coi phim HD, còn chơi Photoshop nữa… Thứ đồ chơi đó thì làm cái giống gì được, ông đem vô nhà trẻ cho tụi con nít chơi nó còn chê nữa là!

Hic, vậy đây là đối tượng không có tiền mà lại có yêu cầu cao, đòi đồ thứ dữ không à.

Hai Ẩu chuyển hướng, đi gặp các ông chủ doanh nghiệp, hy vọng là bán được vì đây là đối tượng có yêu cầu thấp, mà lại có tiền nhiều.

Hai Ẩu giới thiệu là có loại máy tính như vậy, như vậy đó; các ông chỉ có nhu cầu vậy đó, vậy đó. Vậy là phù hợp quá rồi. Mua hông? Mua hông?

Mấy ổng trợn mắt ngó Hai Ẩu, hỏi: Anh nói cái máy đó giá bao nhiêu tiền?

Hai Ẩu vui vẻ trả lời: Chỉ có 35 USD thôi à!

Lập tức mấy ổng nổi điên lên, rủa xa xả: Anh khi dể tụi tui vừa vừa thôi nhe! Cỡ tụi tui mà xài cái thứ đồ bố thí đó hả? Đem cho tụi ăn mày đi! Tụi này sắm máy phải cỡ một hai ngàn đô trở lên mới xứng tầm đại gia. Còn xài được bao nhiêu tính năng của nó thì… thây kệ cha tụi tui, biết chưa hả?

Bí quá, Hai Ẩu đi gặp các nhà phân phối. Hai Ẩu giới thiệu là có loại máy tính như vậy, như vậy đó; giá cả bây nhiêu, bây nhiêu đó. Bán hông? Bán hông?

Mấy ổng lắc đầu quầy quậy: Hông! Hông bán! Bán có 35 USD thì lời được mấy xu? Chả bù được chi phí giao hàng, chi phí bảo trì.

Hai Ẩu nài nỉ: Thì coi như các anh hy sinh, chấp nhận lợi nhuận ít, chấp nhận bỏ công ra để được vinh dự góp phần phát triển ứng dụng công nghệ thông tin nước nhà, vì tương lai mai sau mà!

Mấy ổng cương quyết: Không là không! Ngu sao hy sinh? Anh đem hàng về cất trong kho đi, đừng mong có ai bán dùm anh.

Đó, chú mày thấy chưa? Một sản phẩm mà người mua không chịu mua, người bán không chịu bán thì làm sao có thể đưa ra thị trường được? Bởi vậy mới nói là không phải không có, chỉ là không thèm thôi!
____________
Siêu thị Số - số 59, tháng 8/2010

Chuyện 1001 đêm: Ông lão đánh cá và vị thần


Ngày xưa, lâu lắm rồi (khoảng năm 2010), tại một làng quê ven biển có ông lão đánh cá nghèo khó nhưng rất cần cù. Một buổi sớm tinh mơ, như mọi sớm mai khác, ông ra biển đánh cá. Đã có lời thề từ nhỏ, nên mỗi lần ra biển ông chỉ tung 4 mẻ lưới mà thôi. Hôm ấy, mẻ lưới đầu ông chỉ kéo lên được mấy miếng rác, vỏ lon bia của khách du lịch quăng tứ tung. Hai mẻ sau cũng chỉ được mấy cành khô và vài con cá chết. Thất vọng, ông quăng mẻ lưới cuối cùng, thầm mong sẽ có nhiều cá về để nuôi gia đình.

Tấm lưới nằng nặng làm lòng ông mừng khấp khởi. Than ôi, khi kéo lên thì chẳng có cá mà chỉ có chiếc bình bằng đồng cũ xì. Chán như con gián, ông buồn tình quan sát chiếc bình, thấy nó có cái nắp vặn chặt trên miệng. Tò mò, ông vặn nắp để mở ra. Bụp một cái, có làn khói xám từ trong bình bay ra, vươn lên trời cao rồi làn khói từ từ tụ lại thành hình một… ông thần.

Ông thần cười hề hề, nói:
  • Ông già kia, ta là thần bị giam trong chiếc bình kia đã mấy chục năm nay. May nhờ ông mở nắp mà ta chui ra được. Để trả ơn ông, ta sẽ giúp ông ước gì có nấy, hổng ước cũng có. Ông ước lẹ lẹ đi để ta còn… biến!
Ông lão sợ quá, lắp bắp: Dạ thưa thần, tui… tui không biết ước gì hết!


Thần cằn nhằn: Ước mà cũng hổng biết! Thôi để ta giúp luôn cho. Ngươi muốn có một cái ra-dô để nghe dự báo thời tiết, nghe tin tức, nghe cải lương… được hông?

Lão đánh cá gật liền: Dạ được, dạ được. Thần giúp lẹ lên rồi biến đi cho khuất ạ, nhìn mặt thần… thấy ghê quá!

Thần: Tầm bậy, ơn cứu mạng ta mà trị giá chỉ có bây nhiêu đó sao? Ta cho ngươi thêm cái điện thoại di động để khi ra biển thì có thể gọi về liên lạc với vợ con nghe?

Ông lão: Dạ được, dạ được!

Thần: Còn nữa, ta cho ngươi cái máy tính nữa nghe?

Ông lão: Dạ được, thần cho nhiêu lấy nhiêu. Nhưng mà tui xài máy tính để làm gì ạ?

Thần: Hèm, để chơi game, và truy cập Internet. Ta cho ngươi luôn cái máy nghe nhạc nữa, tha hồ nghe… cải lương.

Ông lão: Dạ đủ rồi ạ. Thần cho rồi biến đi cho tui nhờ ạ…

Thần: Đâu được! Ta cho ngươi thêm cái máy chụp hình, máy quay phim cho đủ đồ nghề. Vậy nhe?

Lão đánh cá lúng túng gật đầu. Ông thần bèn dúi vào tay lão cái gì nho nhỏ rồi hô biến, bay đi.

Hai Ẩu là người chứng kiến câu chuyện này từ đầu, thấy ông thần bay đi vội chạy theo nắm giò ổng kéo lại, nài nỉ hỏi:
  • Ông thần ơi, sao ông cho lão đánh cá nhiều vậy, cho tui được hông? Mà sao tui thấy ông chỉ dúi vô tay lão cái gì nhỏ xíu vậy? Máy tính, máy nghe nhạc, máy quay phim, chụp hình đâu?
Ông thần quay lại ngó Hai Ẩu. Ổng hơi giật mình, rồi lại cười hề hế:
  • Hề hề, ta cho lão cái điện thoại di động bình dân, giá cỡ một triệu đồng. Thì trên đó có tính năng radio, chơi game, truy cập internet, nghe nhạc, quay phim, chụp hình…
Ra là vậy, làm Hai Ẩu tưởng ổng cho ông già nhiều thứ quý giá lắm. Hai Ẩu hỏi: Giờ ông đi đâu đây?
  • Ta kiếm cái bình, chun vô lại! Để kiếm ông già khác cứu ta ra!
  • Ủa, sao kỳ vậy? Ông vừa mới từ trong đó được giải thoát ra mà?
Ông thần kề tai Hai Ẩu, nói nhỏ: Ta giả bộ đó thôi, cỡ ta như vầy làm sao bị nhốt trong đó được!

Hai Ẩu hỏi: Vậy chớ ông là ai?

Thần: Nói thiệt với anh bạn, ta là nhân viên tiếp thị cho mấy hãng công nghệ. Hổng xài chiêu này làm sao mà đưa cái điện thoại di động tới tay mấy ông già đánh cá ở cái vùng hẻo lánh này. Ta tốn có một triệu đồng, coi như chi phí quảng cáo, nhưng sau đó ta sẽ thu được tiền cước viễn thông, phí dịch vụ… Ngoài ra còn dụ được thêm nhiều người khác ở quê ông lão đánh cá mua sản phẩm của ta nữa. Anh bạn hiểu chưa?
____________________
Siêu thị Số, số 58, tháng 7/2010

Vuvuzela


Chẳng đặng đừng bác Tư Xe Ôm mới phải đi mua laptop cho thằng con trong dịp World Cup này. Ngày chạy xe ôm, tối coi đá banh phờ phạc cả người, nhưng chẳng lẽ hứa thưởng cho thằng con nhân dịp nó đạt học sinh giỏi mà lại xù sao?
Bác Tư vô cửa hàng máy tính, chọn một model rồi hỏi anh chàng bán máy: Cái máy này tốt hông chú em?
  • Thưa bác, không thể tốt hơn!
Bác Tư Xe Ôm nghe câu này quen quen. À, đây là câu cửa miệng của mấy tay bình luận bóng đá: Đường chuyền không thể tốt hơn của Messi dành cho Higuain, một khởi đầu không thể tốt hơn cho đội tuyển Ac-hen-ti-na… Bác hỏi tiếp: Giá cả ra sao?
  • Thưa bác, không thể rẻ hơn!

Bác Tư nổi quạu, xực lại: Sao chú mày không ngắn gọn là rất tốt, rất rẻ… mà bày đặt dài dòng như vậy hả?
  • Thưa bác, đó là một sự bình luận không thể hay hơn! Cháu học được từ những bình luận viên bóng đá không thể chuyên nghiệp hơn! 

  • Hừm, máy chạy nhanh không? 

  • Thưa bác, rất tốc độ!
Lại vớ vẩn! Tốc độ cao, tốc độ thấp, hay rất nhanh, hoặc rất chậm, chứ còn rất tốc độ có nghĩa lý quái gì chứ! Mà câu này cũng lại của mấy tay bình luận bóng đá đây.

Bác Tư biểu chú em bán máy bật máy lên coi nó chạy ra sao. Máy khởi động chậm rì rì, chờ hồi lâu vẫn chưa thấy logo Windows hiện lên. Bác Tư kêu lên: Có sự cố gì rồi? Máy này bị phạm lỗi rồi!

Chú em vỗ máy cái bốp, logo hiện ra, máy tiếp tục khởi động. Chú cười, nói: 
  • Không có chuyện gì xảy ra cả! Trận đấu vẫn tiếp tục!
Bác Tư chúa ghét câu bình luận bóng đá này. Cầu thủ phạm lỗi, đối phương té cái rầm, nhưng trọng tài không phạt. Vậy thì phải nói là: Trọng tài đã bỏ qua lỗi của cầu thủ hoặc là cú phá bóng vừa rồi là không phạm lỗi, chứ sao lại bình luận là Không có chuyện gì xảy ra. Trận đấu đang diễn ra ầm ầm kia mà, quá nhiều điều đang xảy ra chứ!

Máy chạy. Có tiếng o o mỗi lúc một to dần. Bác Tư kêu lên: Trời, sao máy này kêu to quá vậy?
  • Không có chuyện gì xảy ra cả! Trận đấu vẫn tiếp tục!
  • Sao lại không có chuyện gì? Chú em nói coi, cái gì kêu to vậy?
  • Kèn!
  • Kèn gì?
  • Vuvuzela!
Má ơi! Máy kêu to vậy mà nó nói là không có chuyện gì xảy ra, lại còn nói đó là kèn vuvuzela nữa chứ. Bác Tư biểu chú em tắt máy để khỏi nghe tiếng ồn nữa.

Lạ, máy tắt rồi mà bác Tư vẫn nghe ong ong trong đầu. Ro ro, vu vu, u u… Bác đờ đẫn người ra. Chú em bán máy ngó bác lom lom rồi hỏi: Bác có mua máy hông? Bác sao vậy?

Bác Tư Xe Ôm mấp máy môi trả lời: 
  • Vu vu vu vu vuvuzela….
_________________
Siêu thị Số - số 57, tháng 7/2010

Monday, December 13, 2010

Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu!


Bà béo nọ kiện ông hàng xóm ra tòa vì tội xúc phạm danh dự cá nhân. Tòa hỏi:
  • Nguyên đơn hãy cho biết bị đơn xúc phạm danh dự cá nhân của mình như thế nào?
  • Dạ thưa tòa, nó gọi con là: Đồ hà mã!
  • Được. Nguyên đơn hãy cho biết sự xúc phạm này diễn ra khi nào?
  • Dạ, cách đây hơn một năm.
  • Hơn một năm? Vậy sao bây giờ mới kiện?
  • Dạ, tại hôm qua con vô sở thú chơi, con mới biết con hà mã nó như thế nào ạ!

Hắn đang rơi vào một tình trạng tương tự như vậy. Không ai chửi hắn là đồ hà mã, hắn chỉ đang chat qua mạng với một cô bạn mới quen. Ngôn ngữ chat thì hắn lơ mơ hiểu được, như: tình củmtình cảm, bít rùibiết rồi, nhìu wé nhiều quá… Một số biểu tượng tình cảm hắn cũng đại khái hiểu được, như: :-) là cười vui, :-D là cười to, :-( là buồn… Nhưng hiểu lơ mơ thì chưa thể gọi là hiểu, ai biết đâu được khi cô bạn dùng biểu tượng để biểu lộ cảm xúc yêu ghét giận hờn với hắn mà hắn chẳng cảm được để đáp lại kịp thời thì có mà mang vạ. Hoặc có khi cô bạn dùng biểu tượng gì đó để mắng hắn là đồ khốn nạn, mà hắn chẳng hiểu gì cả cứ tỉnh bơ đáp lại là ok thì có phải là tệ chẳng kém cái chuyện Đồ hà mã ở trên hay không?

Hôm nay, hắn chat với nàng. Nàng gõ: :-*

Hắn đớ người ra, chẳng biết nàng nói gì để trả lời cho phải đạo. Có vẻ như nàng đòi… tát cho hắn nảy đom đóm mắt (có cái ngôi sao đó!). Im thì không được, mà hỏi lại rằng Em nói gì anh hok hỉu thì càng quê hơn. Đang bí như vậy, hắn chợt nhớ đến một vị cứu tinh là chuyên gia Hai Ẩu. Hắn vội mở cửa sổ chat khác, cầu cứu Hai Ẩu. May quá, Hai Ẩu đang online:

Hắn: Anh Hai ui, trong tiếng mạng, :-* nghĩa là gì?

Hai Ẩu: Ke ke ke, là kiss (hôn) đó! Ai hôn you hay you hôn ai dzị?

Sướng đê mê, hắn vội vàng gõ đáp lời nàng. Chưa kịp nhận trả lời, trong cửa sổ chat với Hai Ẩu, chuyên gia này buzz inh ỏi gọi hắn:

Hai Ẩu: Ê, lộn rồi!

Hắn: Sao? Lộn sao?

Hai Ẩu: Ke ke ke, :* mới là hôn, còn :-* là… nhăn mặt vì ăn đồ chua!

Hắn lầm bầm: Đồ chuyên gia cà chớn! Quay qua chat với nàng, hắn tìm cách gỡ quê.

Hồi sau, nàng chat với hắn: CU

Hắn sững người, tê cứng… toàn thân, không hiểu nàng nói gì. Bí quá, hắn lại cầu cứu gã chuyên gia cà chớn:

Hắn: CU là gì anh Hai?

Hai Ẩu: Hi hi hi, là… cu chứ là gì? Giả nai hoài!

Hắn hoảng quá, nếu đúng như lời Hai Ẩu nói thì thật ra nàng muốn gì? Nàng muốn gì mà lại… CU hắn?

Chừng như thấy lâu quá mà hắn chưa trả lời, nàng chat tiếp: CU L8R

Hắn suýt khóc, không biết bây giờ nàng muốn gì mà lại đưa ra một giống cu lạ hoắc thế! Hắn lại chat tiếp với Hai Ẩu:

Hắn: CU L8R là gì?

Hai Ẩu: À há, vậy ra CU hông phải là cu mà là See You. CU L8R là See You Later!

Ra là vậy! Hắn chào tạm biệt nàng. Quay qua cự Hai Ẩu:

Hắn: Cha nội tư vấn gì bậy bạ vậy?

Hai Ẩu: Đâu có bậy bạ! Đúng đó chứ, chỉ có điều Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu!

Hắn: Tâm tình với nhau mà lâu lâu mới hiểu thì còn nước nôi gì. Giờ làm sao?

Hai Ẩu: Mấy cái ký hiệu đó người ta gọi là emoticons (viết tắt từ emotion icons), nghĩa là các biểu tượng diễn tả cảm xúc. Chú mày muốn hiểu thì tra trong mấy cái tự điển emoticons và học thuộc, chứ hỏi anh làm sao anh nhớ!

Hắn: Ở đâu ra mấy cái tự điển đó mà tra?

Hai Ẩu: Search trên mạng á, tìm emoticons dictionary là ra thiếu cha gì. Thôi nhe. BB, CU.

Thế rồi Hai Ẩu log out. Hắn ngồi lẩm nhẩm: Emoticons, emoticons dictionary… BB CU, BB CU… À, mà BB CU là gì nhỉ?
___________________
Siêu thị Số - số 56, tháng 6/2010

Vì tôi cần có trang web


Người ta ai cũng có website, thì mình cũng phải có website! Chủ doanh nghiệp Văn Ngố nghĩ vậy sau khi được mấy ông bạn đồng nghiệp cho xem website của mình. Nghĩ là làm, ông tìm đến một địa chỉ quảng cáo chuyên thiết kế website cho doanh nghiệp.
  • Tui muốn thiết kế một website cho doanh nghiệp bán cám heo của mình!
  • Dạ, có ngay. Chi phí là một triệu đồng. Chú cho con vài tấm hình chụp doanh nghiệp của chú, ảnh chân dung cùng tiểu sử của chú, vài dòng thuyết minh về doanh nghiệp. Ngày mai sẽ có liền website cho chú.
  • Ủa, chỉ có vậy thôi hả? Dễ vậy, nhanh vậy và rẻ vậy hả?
  • Dạ phải! Thời buổi hiện đại, siêu tốc mà chú. Đây, chú coi thử mấy website này, chú khoái cái nào cứ chỉ đi, tụi con sẽ làm website của chú y chang như vậy.

Cậu nhỏ cho Văn Ngố coi một số website doanh nghiệp khác, cái nào cũng có hình chân dung chủ doanh nghiệp, tiểu sử chủ doanh nghiệp, sơ lược về quá trình phát triển của doanh nghiệp cùng hình ảnh của một vài sản phẩm. Nói chung là y hệt một trang quảng cáo của những năm một ngàn chín trăm… hồi đó.
Văn Ngố một phần hổng muốn website của mình "đụng hàng" (giống của thằng khác), một phần nghi ngờ rằng đồ rẻ là đồ dỏm nên chưa quyết định đặt hàng. Ông sang một chỗ khác để tìm hiểu thêm.

Ở chỗ thứ hai, cậu chuyên viên phân tích thiết kế web hỏi Văn Ngố:
  • Dạ, chú cho biết yêu cầu của doanh nghiệp đối với website này là chi ạ?
Khổ, Văn Ngố chỉ muốn có cái website cho bằng chị bằng em chớ nào biết yêu cầu gì, nhưng chẳng lẽ lại nói thế. Ông phán đại:
  • Tui muốn có một cái website để… làm thương mại điện tử, chuyên bán cám heo qua mạng!
  • À, như thế chú cần có phần đặt hàng qua mạng, có phần cập nhật thông tin về tình hình cám heo cám gà trong nước và thế giới, và cả một diễn đàn để trao đổi quan điểm về cám chứ ạ?
  • Ái chà. Cứ cho là vậy đi. Chi phí là bao nhiêu và thực hiện bao lâu là xong?
  • Dạ, con sẽ cử một chuyên viên kỹ thuật để cùng làm việc với chú, phân tích yêu cầu để có thông tin cụ thể hơn, nhưng có thể phỏng chừng thời gian thực hiện là 1 thángchi phí khoảng mười triệu ạ!
Văn Ngố hoang mang quá, vì thời gian thực hiện và chi phí ở đây đều gấp cả chục lần so với nơi trước. Ông quyết định tìm đến nơi thứ ba.
Ở nơi thứ ba này, Văn Ngố đem những khái niệm mà mình đã nghe lóm được ở nơi thứ hai để trình bày yêu cầu về trang web. Nào là đặt hàng qua mạng, nào là cập nhật thông tin, nào là diễn đàn… Cậu chuyên viên thiết kế nghe xong mắt sáng rỡ, nói:
  • Vậy là chú muốn làm một cái poọc-tồ (portal) về cám? Hay quá, nơi đây sẽ đáp ứng rất tốt yêu cầu của chú.
  • Ơ, poọc-tồ là cái gì?
  • Là cổng thông tin điện tử đó chú. Website của chú sẽ tương đương một tờ báo điện tử chuyên đề về cám heo. Thời gian thực hiện là 3 thángchi phí là một trăm triệu ạ!
Văn Ngố đâm ra ngố và suýt ngất trước chi phí cao như vậy. Ông biến đi và vội tìm đến một chuyên gia xuất sắc là Hai Ẩu để hỏi ý kiến.
  • Tại sao cũng là website về cám heo mà có nơi giá 1 triệu, có nơi giá 100 triệu?
  • Hí hí, thì cũng như quần áo vậy mà. Có cái sơ mi bán lề đường giá vài chục ngàn, có cái hàng hiệu giá cả triệu đồng. Nhưng điều tiên quyết là anh phải xác định được cần website để làm gì, rồi sau đó mới tính đến chuyện khác.
  • Hic, bây giờ tui chỉ mới xác định là cần có website thôi hà, chưa biết để làm gì hết!
Hai Ẩu cười hề hề, nói:
  • Chuyện nhỏ, để tui bày cho anh làm một website hổng tốn đồng nào. Từ đó, anh sẽ quen dần với việc dùng  Internet cho công việc của mình…
Thế rồi Hai Ẩu tạo cho Văn Ngố một trang blog miễn phí. Dĩ nhiên, trên đó có thể giới thiệu tiểu sử Văn Ngố (kèm thêm ảnh chân dung), giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, và có cả diễn đàn trao đổi thông qua các còm-men…

Thế là Văn Ngố có một trang web cho mình. Hiện giờ ông đang say sưa làm blog, cũng là làm quen dần với việc trao đổi thông tin qua mạng. Thông qua việc này, một ngày nào đó, có thể ông sẽ hình dung rõ hơn yêu cầu về web của mình. Khi đó, các bạn hãy thiết kế cho doanh nghiệp của ông một website phù hợp nhé!
____________
Siêu thị Số - số 55, tháng 6/2010

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với dòng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ thế hệ thứ 8

Hãy sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game, VR và giải trí ở bất kỳ đâu với máy tính được trang bị dòng bộ xử lý In...