Wednesday, July 18, 2012

Có còn hơn không!

Khúc tình buồn là tên một bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, đã được Phạm Duy phổ nhạc với tựa đề Thà như giọt mưa.

thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
có còn hơn không

Có lẽ vào một chiều mưa buồn nào đó Nguyễn Tất Nhiên đã ngồi bên bờ sông Đồng Nai, nhìn màn mưa mờ mịt trên sông mà sáng tác nên những vần thơ này. Giờ đây hắn cũng ngồi bên sông ngắm mưa, lòng dâng lên khúc tình buồn. Nhưng khác với Nguyễn Tất Nhiên buồn tình vì tương tư một cô Duyên nào đó, hắn buồn tình vì... buôn bán ế ẩm.

Chẳng biết tự bao giờ, thiết bị tin học ế thê thảm. PC ế đã đành, laptop cũng ế, chuyển qua iPad cũng chẳng ai mua. Càng bán ế càng phải giảm giá để khuyến mãi, càng giảm giá càng lỗ sặc gạch, vậy mà cũng không cải thiện được tình hình. Hắn nghĩ ra đủ chiêu để dụ khách hàng mua hàng, thậm chí bắt chước các quán cơm – phở cử người đứng ngay trước cửa tiệm giơ tay ngoắc người đi đường ghé vô ăn cơm, à không, vô mua hàng vi tính. Vậy mà nào có thành công, bởi vậy hắn rên rỉ hát:


Người từ trăm năm
về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Ta ngoắc mòn tay
chỉ thấy sông lồng lộng
chỉ thấy sông chập chùng

Hắn bất giác giơ tay ngoắc vào khoảng không mênh mông, nhủ thầm: Cứ điệu này hoài, không nghĩ ra cách gì làm ăn thì chết chắc...

Người từ trăm năm
về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm
ta chết trầm ngâm

Đang bâng khuâng chìm vào suy tư bên dòng sông, bỗng có ai đó vỗ nhẹ vào vai hắn.

Hắn nhắm mắt, tự hỏi: Ai đây? Ai đây? Người từ trăm năm về qua sông rộng đây chăng?

Một bàn tay khua trước mặt hắn. Ai đây? Ta ngoắc mòn tay hay Người từ trăm năm về như dao nhọn?

Hắn mở mắt ra. Một thằng nhóc đen thui thui đang dí một xấp vé số vô mặt hắn:
  • Mua dùm con mấy vé đi ông ơi! Vé số chiều xổ đêêêêê! Số đẹp đêêêêê!

Hắn dở khóc dở cười, mếu máo rên lên: Khôôôông!

Thằng bé vẫn lẽo đẽo bên cạnh, không chịu đi, miệng lãi nhãi:
  • Mua dùm con đi ông ơi! Có còn hơn không! Có còn hơn không!

Hắn ù tai, hoa mắt. Nhưng rồi như có một tia chớp lóe lên trong đầu hắn. Hắn rú lên: Có còn hơn không! rồi phóng nhanh về công ty.

.

Ngày hôm sau, người ta thấy hắn đội nón kết, ôm một xấp hàng hóa gì đó đi lang thang như mấy thằng nhóc bán vé số hoặc bán báo. Hắn lê la vô các quán cà phê, quán ăn, vô cả công viên, vừa đi vừa dí vào mặt mọi người thứ hàng hóa mà hắn đang mang theo, rao bán như bán vé số:
  • Ipad đại hạ giá đêêêêêê! Iphone đại hạ giá đêêêêêê! Mua dzô, mua dzô! Có còn hơn không! Có còn hơn không! 
___
Hai Ẩu
eChíp số 340 - 20/7/2012

Friday, July 13, 2012

Chiếc lá cuối cùng

Bạn đang liên tưởng tới bài hát Chiếc lá cuối cùng à? Rượu cạn ly, uống say lòng càng giá. Lá trên cành, một chiếc cuối bay xa...Không, không phải đâu bạn ơi !

Bạn đang nghĩ tới truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Henry à? Ừm, có thể đấy. Ta nhớ tới truyện ngắn này một chút nhé : Có một cô gái trẻ bị bệnh nặng. Cô nằm trên giường bệnh và nhìn ra của sổ, nơi ấy có một thân cây với những lá rụng tả tơi theo từng cơn gió. Cô tự nhủ thầm khi chiếc lá cuối cùng rụng đi thì mình cũng sẽ chia tay cuộc sống mãi mãi. Kỳ diệu thay, bao nhiêu chiếc lá đã lìa cây nhưng chiếc lá cuối cùng vẫn còn mãi. Cô gái lấy lại niềm tin yêu cuộc sống và qua khỏi cơn bạo bệnh. Sau đó cô mới biết rằng chiếc lá cuối cùng không phải chiếc lá thật mà là họa phẩm thiên tài của một họa sĩ già, người đã hy sinh tính mạng mình để vẽ chiếc lá trong những đêm giông bão, để giúp cô gái giữ được niềm tin cuộc sống.

Tôi cũng đang muốn nói với các bạn về chiếc lá cuối cùng, nhưng không phải Chiếc lá cuối cùng của O Henry, mà là chiếc lá... cải cuối cùng! Bạn biết không, nhân ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam sắp tới (21/06), đang dấy lên một cuộc tranh cãi và phê phán mạnh mẽ về những tờ báo lá cải, cả báo mạng và báo giấy.


Ồ, báo bây giờ nhiều quá, nhất là báo mạng. Lấy đâu ra tin tức để cập nhật hàng giờ, hàng phút? Lấy đâu ra phóng viên có tài năng để đưa thông tin có chất lượng? Lấy đâu ra nội dung hấp dẫn để thu hút người đọc? Thế là đủ thứ nhảm nhí linh tinh được đưa lên báo, lên mạng. Cướp, giết, đốt, hiếp, lõa lồ, khỏa thân... là những từ ngữ được dùng nhiều nhất, và cũng... dễ thu hút người đọc nhất.

Những tờ báo tự xưng là chính thống, phê phán những tờ báo họ gọi là lá cải với những dẫn chứng hùng hồn về những thông tin mà lá cải đã đưa lên. Lá cải không chịu thua, dẫn chứng ngược lại những thông tin sặc mùi nhảm nhí mà các tờ báo tự xưng là chính thống ấy đã đăng, nghĩa là họ cũng lá cải chẳng kém chi ai!

Phe nào cũng thừa nhận rằng lá cải là nhảm nhí, là kém văn hóa, là vô giáo dục, là mầm độc cho xã hội, nhưng cũng đều cho rằng phe kia mới là lá cải, còn mình thì... đàng hoàng. Thiên hạ bảo rằng họ đang... ỉa vào mồm nhau, nhưng đều xúm vào xem những bài tranh luận. Lượng người đọc tha hồ tăng lên!

Bạn có tin rằng với những cuộc phê phán gay gắt này, có cả sự can thiệp của cơ quan chức năng, thì báo lá cải sẽ kết thúc sự tồn tại, và chúng ta sẽ nhìn thấy chiếc lá cải cuối cùng không?

Riêng tôi thì Không Tin! Giống như cô gái trẻ trong truyện ngắn của O Henry cần niềm tin để vượt qua cơn bạo bệnh, đám đông người đọc luôn cần sự kích thích để thư giãn, để thỏa mãn óc tò mò. Còn báo chí thì còn báo lá cải. Không có lá thật thì... vẽ ra lá !

Sẽ không thể có chiếc lá cải cuối cùng. Chì mong sao lá cải ít đi, để những chồi non xanh, những chiếc lá tươi non làm đẹp thêm cho làng báo!
_____
Hai Ẩu
eChip - tháng 6/2012

Thursday, July 12, 2012

Từ Thức có lên tiên?



Từ Thức say mê lập trình từ thời còn rất trẻ. Anh miệt mài suốt ngày đêm bên máy tính để viết chương trình. Ngày tháng thoi đưa, như con tằm nhả tơ, đến một lúc công trình tâm huyết của Từ Thức hoàn thành. Kể sao cho xiết niềm hạnh phúc của Từ Thức, anh đưa toàn bộ công trình phần mềm của mình lên mạng, cho mọi người download về sử dụng miễn phí. Mọi người ùn ùn download về, khen chê tíu tít, nhưng nói chung là rất thích thú. Về phần Từ Thức, dĩ nhiên anh chẳng thu nhập được gì cả vì miễn phí mà. Có người ái ngại cho anh, khuyên nên bán, thu tiền. Từ Thức cười nói: Vậy là tốt rồi! Sản phẩm mình làm ra có nhiều người sử dụng là niềm hạnh phúc lớn lao. Người ta dùng tức là chia sẻ niềm vui với mình đó bạn ạ!

Nhưng không ai có thể nhịn đói mà sống mãi. Từ Thức cần phải có tiền để tiếp tục duy trì sự sáng tạo của mình. Bạn bè nói với anh rằng: Lập trình không phải chỉ là lập trình, mà còn phải làm nhiều chuyện khác nữa để mang lại hiệu quả. Nghe lời, Từ Thức tiến hành các bước như sau:

  • Chỉnh sửa, bổ sung phần mềm thật hoàn chỉnh, hấp dẫn để thu hút mọi người mua version mới (thay vì chỉ cần giữ version cũ đã download miễn phí). 
  • Lập mã khóa cho phần mềm để người ta khỏi sao chép lậu. 
  • Bỏ tiền ra làm các đợt PR, quảng cáo rầm rộ để người ta biết và mua sản phẩm.
Sau khi đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc, Từ Thức nín thở tung sản phẩm ra thị trường. Hỡi ôi, ngày hôm nay sản phẩm chính thức phát hành thì từ hôm trước đã có bản cracked (bẻ khóa) trên mạng rồi. Hình như có người bạn thân thiết nào của Từ Thức được tặng bản beta đã lỡ tay đưa cho bọn hacker. Bản cracked lan truyền như bệnh dịch trên mạng. Người người, nhà nhà nô nức download về xài, và dĩ nhiên là chẳng ai chịu bỏ tiền ra mua sản phẩm chính gốc của Từ Thức cả. Anh chẳng thu được xu nào. Có người tới chia buồn, Từ Thức gượng cười nói : Vậy là tốt rồi! Phần mềm của mình có hay thì người ta mới bẻ khóa chớ. Nhìn xem trên thị trường đầy dẫy phần mềm, thế mà có bao nhiêu phần mềm có được vinh dự bị bẻ khóa như mình đâu?
Từ Thức nghĩ rằng mọi người xài bản lậu chẳng qua vì không mua được bản gốc, mà không mua được bản gốc ắt tại mạng lưới phát hành của mình kém. Vì thế anh đến năn nỉ các nhà sách, các cửa hàng lớn để nhờ họ phân phối sản phẩm của mình. Các nhà ấy làm nư, yêu sách đủ điều (đòi tiền hoa hồng cao, thanh toán chậm..), nhưng vì tương lai của mình Từ Thức cắn răng chịu đựng.

Sau khi đàm phán xong xuôi, một hôm Từ Thức khoan thai ghé thăm nhà sách để xem hiệu quả thế nào. Anh chợt thấy tinh tú quay cuồng khi phát hiện ra nhà sách bày bán sản phẩm phần mềm của anh, nhưng lại là bản cracked chứ không phải bản gốc.

Người ta thấy Từ Thức ngửa mặt lên trời, lẩm bẩm điều chi rồi quay bước ra đi. Từ Thức biến mất từ đó...
...

Hai Ẩu là người đầu tiên (và có lẽ duy nhất) tìm thấy Từ Thức. Ông ở một hang động xa khuất, nơi đó không có máy tính, không có Internet, chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào và rừng cây reo vi vu (ta gọi là ông, vì chỉ sau thời gian ngắn râu tóc Từ Thức đã bạc trắng). Hai Ẩu vồn vã chào Từ Thức:
  • Chào Từ Thức tiên sinh, ông đã lên tiên rồi à? Đây phải chăng là động Bích Đào, còn tiên nữ Giáng Hương đâu, thưa ông?
Từ Thức lắc đầu:
  • Làm gì có nàng Giáng Hương nào! Chỉ mình ta với rừng cây núi đá thôi. Vậy là tốt rồi!
Hai Ẩu ngạc nhiên hỏi lại:
  • Thưa tiên sinh, ông ở đây có một mình, cô đơn nghèo khổ, lại chẳng có nàng Giáng Hương bên cạnh. Thế ông nói Vậy là tốt rồi! nghĩa là tốt làm sao?
Từ Thức nhịp chân, nói đều đều: 
  • Vậy là tốt rồi! Nếu ta còn ở chốn phồn hoa kia, tiếp tục làm phần mềm thì không sớm thì muộn ta sẽ tức đến nổi lên cơn nhồi máu cơ tim mà chết với những thảm trạng diễn ra. Thà là ta ở đây một mình, không làm gì cả cho yên thân. Vậy là tốt rồi! Anh bạn biết chưa?
...

Vậy là không phải Từ Thức đã lên tiên như các bạn vẫn thường nghe kể. Ông ta đang sống cô đơn một mình trong hang động, thà là như vậy còn hơn uất ức vì làm ra phần mềm đến đâu bị sao chép lậu đến đó!

Hai Ẩu
eChip số 339 - 13/07/2012

Monday, July 9, 2012

Tiếng còi trong sương đêm

Câu đố của Nhân sư

Trong thần thoại Hy Lạp, nhân sư là một linh vật đầu người mình sư tử. Truyền thuyết kể rằng nhân sư đứng trấn ở thành Thèbes của Hy Lạp, nơi nó sẽ hỏi mọi người đi qua câu đố nổi tiếng: “Sinh vật nào buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi chiều đi ba chân”. Nhân sư bóp cổ ăn thịt những người không thể trả lời. Oedipus đã giải được với câu trả lời như sau: Con người — bò bằng hai tay hai chân khi là trẻ con, sau đó đi trên hai chân khi trưởng thành, và chống gậy đi khi đã già.

Cách đây hơn 10 năm, nhân sư lại xuất hiện ở cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, nó hỏi người ta một câu đố. Ai trả lời được mới cho vào thành phố, ai trả lời sai thì đuổi đi, hoặc... ăn thịt luôn! Câu đố đó như sau:

Điều gì, dịch vụ gì mà chúng ta tự nguyện dùng và phải trả tiền càng nhiều nếu nó phục vụ ta càng tệ?


Vì điều này quá ngược đời nên chẳng ai trả lời được. Thông thường dịch vụ nào tốt thì ta sử dụng, dịch vụ nào kém thì ta không thèm xài. Còn nếu đã dùng dịch vụ nào đó thì rõ ràng là nếu nó càng tốt, đáp ứng càng cao nhu cầu của ta thì ta mới phải trả nhiều tiền hơn. Có đâu chuyện phục vụ càng kém càng phải trả nhiều tiền, mà lại tự nguyện sử dụng nữa chứ?
Vì không ai giải được câu đố, nên nhân sư cứ án ngữ ở cửa ngõ thành phố, không ai vào được. Cho đến một hôm, có một chàng chuyên viên IT dáng vẻ bực bội đến đó. Nhân sư chặn chàng lại và đố:

Điều gì, dịch vụ gì mà chúng ta tự nguyện dùng và phải trả tiền càng nhiều nếu nó phục vụ ta càng tệ?

Đang bực, lại bị chặn đường, chàng ta gắt gỏng hét lên:

Vậy mà cũng hỏi! Đó chính là dịch vụ Internet Dial-up!

Nghe đến đây, nhân sư đập đầu xuống đất rồi biến mất. Chàng chuyên viên IT đã đáp đúng. Cửa thành lại được thông thương...

Lời giải thích của hậu thế:
Với nhiều bạn trẻ, có thể thuật ngữ Internet Dial-up lạ hoắc, vì vậy xin được giải thích thêm. Internet Dial-up hay Internet gián tiếp là phương thức truy cập Internet bằng cách quay số giữa máy tính có kết nối modem qua đường dây điện thoại cố định. Cách đây trên 10 năm, khi Internet mới bắt đầu vào Việt Nam, đây là phương thức truy cập Internet đơn giản và phổ biến nhất (chỉ cần có máy tính, có modem và có điện thoại cố định). Tốc độ kết nối của Internet Dial-up chỉ có thể đạt tối đa là 56 Kbps.

Điều đáng nói là chi phí cho dịch vụ Internet Dial-Up này được tính theo thời gian kết nối. Thời gian kết nối càng lâu thì càng tốn nhiều tiền.

Như trên đã nói, tốc độ kết nối tối đa là 56 Kbps, tùy chất lượng modem và đường truyền, nhưng đường truyền hầu như chả bao giờ đạt được tốc độ ấy cả, mà cứ chậm rì rì... Chậm nghĩa là chất lượng kém, càng chậm thì thời gian phải kết nối càng dài, và hậu quả là phải trả tiền càng nhiều! Đó chính là bi kịch phải trả tiền càng nhiều nếu nó phục vụ ta càng tệ. Bi kịch nhưng phải chịu đựng, vì không xài thì biết xài cái gì bây giờ?

Nhớ thuở ấy mỗi lần check mail đều cầu trời khấn phật sao cho đừng có cái mail nào dài, vì càng dài thì kết nối càng lâu, càng tốn tiền. Nếu gặp một đống spam mail thì coi như đời tàn trong ngõ hẽm, phải trả tiền cước kết nối để nhận một đống rác rưởi.

Không phải tại tôi

Câu chuyện cổ tíchdưới đây cũng xảy ra cách đây khoảng 10 năm. Nhân vật trong chuyện là một lập trình viên. Lời tự sự của anh ta như sau:

Người ta bảo rằng: Ba người Đức mới bằng một người Do Thái, ba người Do Thái bằng một người Nhật, ba người Nhật bằng một người Việt Nam, và ba người Việt Nam thì… bằng một mình tôi! Tôi là một lập trình viên tài năng.

Sinh bất phùng thời, những công trình phần mềm của tôi không được mọi người đánh giá một cách nghiêm túc. Thời buổi nhiểu nhương, những vị giám đốc không được đào tạo bài bản về tin học đã không có đủ khả năng để đánh giá chính xác giá trị phần mềm do tôi tạo nên, nên... không thèm xài. Không phải tại tôi!

Anh bảo tôi làm phần mềm đóng gói để bán đại trà à? Anh có điên không? Nạn sao chép lậu tràn lan đấy, làm sao bán được! Ý thức của xã hội trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quá thấp nên không phát huy được năng lực của giới lập trình. Không phải tại tôi!

Giữa một môi trường làm việc "ô nhiễm" như vậy tôi không bỏ cuộc, tôi tìm một môi trường khác "trong sáng" hơn, đó chính là tạo sản phẩm phần mềm để cung cấp cho nước ngoài. Nơi đó người ta đánh giá chính xác thành quả trí tuệ hơn, nơi đó người ta tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ một cách tuyệt đối.

Qua bao thăng trầm dâu bể, đến một ngày có một công ty nước ngoài đặt hàng cho tôi. Tôi đã làm ra sản phẩm bán cho nước ngoài, làm rạng danh đất nước. Nhưng chỉ một lần mà thôi. Không ai đặt hàng nữa cả! Họ bảo làm không đúng tiến độ thời gian theo kế hoạch, họ bảo không đáp ứng đúng yêu cầu. Tại ai à? Không, không phải tại tôi. Thế thì tại ai à? Để xem nào, tại… tại… À, phải rồi, tại đường truyền Internet của ta quá chậm, quá tệ!

Lời bàn của hậu thế:
Vì chuyện xảy ra đã 10 năm, ta không biết thật sự anh chàng lập trình viên kia có tài không hay chỉ giỏi đổ thừa. Tuy nhiên, qua lời tự sự của anh, ta rút ra mấy điều:

Ở thời ấy, dù mới du nhập vào nước ta nhưng Internet đã sớm chứng tỏ là một nhu cầu to lớn, một công cụ đắc lực cho giới IT. Quan trọng là vậy, nhưng phương tiện để đến với Internet (là Dial-up) còn quá kém khiến cho mọi người phải bực mình. Bực mình nhưng vẫn phải xài, và một số người bất tài có cớ để đổ thừa!

Tiếng còi trong sương đêm

Có một điều cần nhắc về Internet Dial-up nữa, đó là tiếng kêu của nó lúc kết nối. Nó kêu rất to: Tịch te te te te... Tịch te te te te...

Không phải kết nối là được ngay, mà có khi đến vài phút. Đang lúc cần gấp check mail mà cứ nghe Tịch te te te te... Tịch te te te te... thì lòng đầy khắc khoải, không biết đến bao giờ kết nối được tình duyên. Còn nếu giữa đêm trường thanh vắng mà nghe tiếng tịch te te ấy sẽ như nghe tiếng còi trong sương đêm. Tiếng còi trong sương đêm theo gió đưa ôi buồn, nghe vi vu oán than...


Nếu máy tính và modem sử dụng tại nhà, bạn là cha mẹ thì mỗi khi nghe tiếng còi trong sương đêm ấy vang lên thì trong lòng bạn sẽ bao nỗi xốn xang. Con ơi, lòng mẹ ủ ê... bởi vì mỗi lần nghe tiếng Tịch te te te te... là mẹ biết con đang kết nối Internet Dial-up, và mẹ phải tốn tiền!

Thôi toán quân đi rồi

Tiếng còi trong sương đêm của Internet Dial-up chỉ phát triển mạnh vài năm, cho đến khi có sự ra đời của Internet băng thông rộng tốc độ cao (ADSL). Giữa việc di chuyển bằng xe đạp, ồn ào, chi phí cao (Dial-up) với việc di chuyển bằng xe hơi, êm ái, chi phí thấp (ADSL), người ta chẳng ngần ngừ bao nhiêu thời gian và sẵn sàng đầu tư chút ít tiền để chuyển sang phương tiện mới.

Người sử dụng không còn nữa, các nhà cung cấp dịch vụ Internet Dial-up dần dần ngưng cung cấp dịch vụ này. Rút dần, rút dần cho đến ngày chỉ còn một nhà cung cấp duy nhất: VNPT, với các dịch vụ VNN 1260, VNN 1268, VNN 1269.

Dù dịch vụ vẫn còn đó nhưng hầu như không ai còn sử dụng, thậm chí đối với các bạn trẻ còn không biết VNN 126x là gì, nghe qua cứ tròn mắt ngó như đang nghe... mật mã Da Vinci!
Rồi việc phải đến cũng đã đến. VNPT đã quyết định khai tử dịch vụ Internet Dial-up từ ngày 15/7/2012.

Giã biệt tiếng còi trong sương đêm, giã biệt một thuở ban đầu Internet...

Thôi toán quân đi rồi. Thôi toán quân đi rồi. Hơ hờ hơ hớ hơ... hơ hớ hơ... đi rồi...

Hai Ẩu
Bài đăng trên eChip số 338 ngày 6/7/12
Kỷ niệm ngày 15/7/12: ngày khai tử Dial-up Connection

Không có gì xảy ra cả!

Em năm nay là em thi đại học. Nói cho chính xác hơn là còn có mấy ngày nữa thôi em phải thi đại học rồi. Thật là không thể tệ hơn cho em khi bây giờ đang diễn ra Euro 2012, vì em rất ghiền bóng đá.

Đừng lo cho em phải thua độ bóng đá, không có việc gì xảy ra cả, vì em chỉ là học sinh, chẳng có tiền để cá độ đâu. Em là một học sinh không thể ngoan hơn đâu.

Cũng đừng lo cho em thức khuya xem đá banh, đàng nào em cũng phải thức khuya để học bài. Em không thể không thức và cũng vì thế không thể không nghe bình luận bóng đá trên ti vi. Mà chỉ nghe bình luận bóng đá thôi thì không có gì xảy ra cả, trận đấu vẫn tiếp tục (ấy là em nói ba em vẫn đang coi đá banh ấy mà).


Chắc là mọi người nghe mấy câu này quen quen? Ấy là câu cửa miệng của mấy tay bình luận bóng đá: Đường chuyền không thể tốt hơn của Rốp-bừn dành cho... Phi-líp Lam, một khởi đầu không thể tốt hơn cho đội tuyển Hà Lan. Phạm lỗi rồi, nhưng không có gì xảy ra cả, trận đấu vẫn tiếp tục… (à, đừng hỏi em Rốp-bừn là ai, cũng như Phi-líp Lam là thằng cha nào, có phải đồng đội của hắn ở đội Hà Lan không nhé, em phải lo học bài mà, em chỉ nghe sao ghi lại vậy thôi).

Thay vì nói rất tốt, em sẽ nói không thể tốt hơn. Vâng, đến ngày thi môn Văn, thay vì viết Thúy Kiều rất đẹp, đẹp chim sa cá lặn, em sẽ viết Thúy Kiều không thể đẹp hơn, chim không thể không sa, cá không thể không lặn. Em sẽ viết Sở Khanh không thể đểu hơn, Hoạn Thư không thể ghen hơn, Từ Hải không thể oai hơn...

Chưa hết đâu, dù em không thi môn Sinh vật, nhưng khi em thi môn Văn, em có thể hứng lên kể lể rằng nàng Kiều có nhóm máu O, Sở Khanh có nhóm máu D... như các anh bình luận viên bóng đá kính mến bình luận về... nhóm máu của cầu thủ và gia đình của họ, thật là phong phú và tài hoa, mọi người nhỉ?

Ở môn Vật Lý, thay vì viết là vật thể có tốc độ caothì em sẽ viết là vật thể rất tốc độ (nghe ra hơi hướng bình luận bóng đá hơn phải không ?)

Ờ, còn môn Anh văn? Nếu như cái tên Robben các anh bình luận viên kính mến có thể lúc đọc thành Rốp-bừn, có lúc đọc thành Rốp-ben thì chữ table em có phát âm thành tế-bồ hay tế-bèn cũng đều là... đúng cả, phải không?

Mọi người hỏi rằng em dự đoán ra sao kết quả của trận đấu này ? – à không, kết quả ra sao kỳ thi đại học này của em. Theo em nghĩ rằng kết quả là sau hồi còi chung cuộc sẽ có một đội thắng và một đội thua, hoặc cũng có thể là hai đội hòa nhau. À không, em nói lộn, sau khi thi xong, em dự đoán là em thi đậu hoặc thi rớt, hoặc trúng tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.

Mọi người hỏi rằng nếu em thi rớt thì sao à? Xin thưa, không có việc gì xảy ra cả, trận đấu vẫn tiếp tục.

Ý em nói vậy là sao à? Là thế, chứ còn là sao nữa. Mọi người không thấy là nhờ mùa Euro này mà em phát hiện mình có năng khiếu bình luận bóng đá hay sao? Nếu thi rớt, em sẽ làm bình luận viên bóng đá!
____
Hai Ẩu 
eChip - tháng 6/2012

Sherlock Holmes đã mất tích như thế nào?


Cha đẻ của Sherlock Holmes, ông Conan Doyle, đã cho nhà thám tử lừng danh biến mất như sau: Sherlock Holmes và kỳ phùng địch thủ của mình là James Moriarty cùng rơi xuống thác nước Reichenbach, chết mất xác.

Đó là một kết cuộc bi tráng, nhưng tiếc thay, nó không đúng. Việc mất tích của Sherlock Holmes là một bí ẩn mà chỉ một mình Hai Ẩu được biết, xin kể cho các bạn nghe (nhớ đừng tiết lộ cho ai khác nhé!).



Sherlock Holmes đang ngồi nghiên cứu vụ án thì vị khách bước vào xin gặp. Đây là một vị khách bình thường, bình thường đến mức bằng tài năng nhận xét và phân tích thiên tài của mình, Holmes vẫn không rút ra kết luận gì cả.

Ông ta không thuộc về phe hung thủ trong vụ án.

Ông ta không thuộc về phía nạn nhân.

Ông ta không phải là nhân chứng.

Ông ta cũng không phải người của sở cảnh sát đến can thiệp vào công việc của Sherlock Holmes.

Vậy ông ta là ai? Đến đây làm gì?

Vị khách lạ niềm nở chào Sherlock Holmes:
  • Thưa Ngài Sherlock Holmes, tôi biết Ngài là một thám tử lẫy lừng nhất nước Anh, đã, đang và sẽ nắm trong tay những bí mật của những vụ án ly kỳ nhất.
Holmes dè dặt đáp lời: Cảm ơn ông. Xin ông đi thẳng vào vấn đề.
  • Vâng, thưa Ngài, tôi muốn nói về những điều bí ẩn ly kỳ mà Ngài đang nắm trong tay.
Holmes khẽ nhếch mép: Thế ra ông định mua chuộc tôi để dấu nhẹm những bí ẩn à? Có phải chăng những bí ẩn ấy có liên quan đến tội ác của ông?

Khách lạ vẫn giữ bình tĩnh: Ồ, thưa Ngài Sherlock Holmes, Ngài nói đúng một phần. Tôi định mua những bí ẩn của Ngài, nhưng không phải để dấu nhẹm, mà là để công khai!

Holmes nhíu mày: Thế là thế nào? Ông là người của một thám tử cạnh tranh với tôi, muốn mua những thông tin tôi đã có để tiến thêm trong vụ án? Nếu thế, tôi sẽ không bao giờ bán. Hay ông là người thân của nạn nhân, đang rất nóng lòng muốn biết thêm thông tin? Nếu thế tôi cũng sẽ không bán ông à. Tôi sẵn sàng cung cấp thông tin cho ông miễn phí, nếu nó không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, bằng không thì ông cũng không thể nào moi được thông tin.

Khách mỉm cười, kiên trì giải thích: Thưa Ngài, tất cả các giả định của Ngài đều SAI! Tôi không cạnh tranh với Ngài, thậm chí tôi còn muốn Ngài tìm ra manh mối của càng nhiều vụ án càng tốt. Tôi cũng chẳng phải thân nhân của nạn nhân nào trong các vụ án của Ngài cả. Tôi chỉ là nhà biên tập báo thôi à.

Holmes ngạc nhiên: Nhà báo? Nhà báo thì liên can gì ở đây? À, nếu để đăng tin thì xin ông chờ đến khi kết thúc vụ án.
  • Ngài nói phải, tuy nhiên xin lưu ý Ngài là quá trình phá một vụ án rất dài, cho dù người phá án là một thám tử lừng danh cỡ Sherlock Holmes. Các vụ án mà Ngài thụ lý thế nào cũng có liên quan đến cướp, giết, đốt, hiếp, đó là những thứ rất hấp dẫn bạn đọc. Vậy thì khi có những thông tin rùng rợn, gay cấn, hay chụp được những bức ảnh ly kỳ, xin Ngài hãy cung cấp ngay cho chúng tôi. Độc giả sẽ say mê theo dõi những thứ đó, và Ngài sẽ được trả nhuận bút rất hậu. Ngài viết những lời bình thống thiết cho những vụ án bi thảm, mô tả thật khủng khiếp những cảnh thảm sát, tự vẫn... là độc giả sẽ đọc say sưa, và báo tôi sẽ bán rất chạy, Chuyện bé xé ra to, kéo dài càng nhiều kỳ càng tốt, Ngài ạ.
Sherlock Holmes trầm ngâm suy nghĩ. Vụ án có kết thúc thành công thì thu nhập của Holmes cũng chẳng đáng bao nhiêu, mà công sức bỏ ra rất nhiều, có khi nguy đến tính mạng. Còn ở đây, Holmes chỉ cần ngoáy những chi tiết đắt giá nhất (bi thảm nhất, rùng rợn nhất) để đưa lên báo nhằm thu hút độc giả là có tiền nhuận bút ngay (mà những chi tiết ấy vụ án nào lại không có!). Viết tào lao thôi chứ chả cần điều tra chi cho cực! Vị khách lạ lại gợi ý một mức nhuận bút cao đến mức Holme phải xiêu lòng.

Thế là Sherlock Holmes đồng ý. Thay vì dùng dữ kiện để điều tra, Holmes cứ đưa bứa bừa lên báo để thu hút độc giả, bất kể đã được kiểm chứng hay chưa, bất kể có ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra hay không. Những cuộc điều tra đầy tính suy luận của thám tử Sherlock Holmes biến mất, thay vào đó là các bài báo lá cải (với bút danh khác, không phải Sherlock Holmes).


À, còn bác sĩ Watson, người bạn của Sherlock Holmes thì ra sao? Khi thám tử Sherlock Holmes biến mất, Watson cũng giã từ nghề bác sĩ. Ông về vườn trồng cải, loại cải có lá thật to. Nghe nói lá cải này được cung cấp cho Sherlock Holmes để viết báo! 
Hai Ẩu
____
Bài đăng trên eChip số ra ngày 21/6/12, kỷ niệm ngày Nhà báo.

Truyền thông 30 năm trước

Bạn có biết 30 năm trước truyền thông ở nước ta như thế nào không? Hãy nghe tôi kể câu chuyện này để hình dung ra nhé.
---

Tôi còn nhớ, một buổi trưa đang ngủ ngon lành ở ký túc xá thì thầy chủ nhiệm chạy qua kiếm, hối mặc đồ vô lẹ lên (mặc đồ chớ không phải thay đồ, vì lúc đó trên người có độc cái quần xà lỏn) để vô văn phòng trường cho nhà báo phỏng vấn.

Tôi vác bộ mặt ngáy ngủ, leo lên xe đạp cho thầy chở qua trường.

À, phải chú thích một chút chứ không thì lại thiếu thông tin. Đó là vào khoảng năm 1980, tôi đang học cuối năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa TPHCM, ở ký túc xá gần trường - số 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10.

Ghi nhận thứ nhất: Phương tiện truyền thông của giáo viên đại học đến sinh viên là... đạp xe đạp từ văn phòng khoa đến ký túc xá.


Nhà báo phỏng vấn tôi là của báo Tiền Phong, từ Hà Nội vào. Cũng cần khoe một chút rằng năm ấy tôi là một trong ba sinh viên xuất sắc nhất trường - chắc là vì vậy nên nhà báo tới phỏng vấn để giới thiệu lên báo.

Thôi thì chẳng kể lại nội dung phỏng vấn làm gì (vì thật ra tôi cũng không nhớ), chỉ nhớ mang máng rằng buổi gặp chỉ cỡ 1 tiếng đồng hồ trở lại, có chụp khoảng 2 - 3 tấm hình gì đó.

---

Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc ấy (1981) chưa có báo Thanh Niên, 2 tờ báo phổ biến ở Sài gòn là Tuổi Trẻ và Sài Gòn Giải phóng, Tiền Phong thì ít hơn một chút. Báo chí hồi đó là của hiếm (hiếm chớ không phải quý) chớ không tràn lan như bây giờ - internet hoặc blog thì lại càng không rồi. Sinh viên cỡ như tụi tôi có khi cả… năm trời không đọc báo (hoặc không có báo đọc).

Bởi vậy, sau bữa đó tôi quên luôn, cũng chẳng biết báo có đăng gì không nữa.

Ghi nhận thứ hai: Đọc báo bấy giờ là chuyện xa xỉ.


Ở quê nhà tôi nơi Long Khánh, một bữa nọ ba tôi đi hớt tóc. Vì đang có khách hớt nên ông phải ngồi chờ. Trong lúc chờ, ông đọc mấy tờ báo cũ trong tiệm hớt tóc. Thế rồi tự nhiên ông thấy trong đó có tên ai quen quen, giống thằng con của mình.

Hi hi, nếu ba tôi không đi hớt tóc lúc đó, hoặc đi hớt tóc mà không phải chờ thì chắc không thể biết được có bài báo Tiền Phong viết về tôi. (Tôi cũng cần nói thêm, ông thợ hớt tóc chính là chú ruột tôi, ông có tờ báo để ở bàn hớt tóc mà chả thèm đọc, bởi vì nói chung báo chí thời đó đọc… chán lắm!).

Ghi nhận thứ ba: Đọc báo chẳng những là chuyện xa xỉ mà còn là chuyện chán ngấy.


Khi ấy tôi vẫn chẳng hề biết chuyện đã xảy ra, vì tôi đang ở Sài Gòn. Ở nhà cũng chẳng thể báo tin cho tôi biết vì không có điện thoại (tôi xin nói rõ là không có điện thoại bàn - còn điện thoại di động thì chắc chắn là không rồi!), email thì … thậm chí còn chưa có trong chuyện khoa học viễn tưởng!

Vài tuần sau, tôi về thăm nhà mới được nghe kể.

Ghi nhận thứ tư: Đừng mơ tới email, điện thoại di động.Có điện thoại bàn đã là... quý tộc!


Thế là khi quay về Sài Gòn, tôi đi tìm mua tờ báo Tiền Phong cũ đó để coi người ta viết gì về mình. Tôi không biết chắc số báo ra ngày nào, nhưng ước lượng thì phải cỡ hơn một tháng trước.

Bạn thử tưởng tượng bây giờ cần kiếm một tờ báo cũ cách đây chừng một tuần cũng rất khó khăn, vậy mà tôi phải đi kiếm một tờ báo ra đã hơn một tháng. Thế mà còn đó bạn ạ! Công nhận báo hồi đó… bán ế dễ sợ! Tôi mua được 2 tờ.

Ghi nhận thứ năm: Không có khái niệm báo mới, tin nóng hổi. Báo cũ vài tháng vẫn mua được là chuyện bình thường.


À, bây giờ khi có tờ báo trong tay tôi mới có thể kể cho bạn nghe nội dung của bài báo. Đó là một bài dài chiếm hẳn một trang của báo Tiền Phong, giới thiệu 2 sinh viên tiêu biểu của Đại học Bách khoa TPHCM, là tôi và 1 đàn anh học trước một khóa là anh Nguyễn Trần Luật (tôi không biết giờ này anh Luật làm gì, ở đâu - nếu anh có đọc được bài này thì ta liên lạc với nhau cho vui nhé). Cả trang báo dài có 1 cái hình nhỏ xíu cỡ 4x6, là hình anh Luật chớ không phải tôi (mặc dù phần viết về tôi nằm trước phần viết về anh). Chắc tại ông nhà báo chụp hình bị hư, hoặc hình tôi xấu quá không đưa lên báo được. Bù lại, ông nhà báo dùng lời để tả chân dung tôi, hì hì, tới giờ tôi vẫn nhớ nguyên văn câu tả như sau: "Vóc dáng nhỏ gầy và nụ cười hiền lành, vầng trán rộng và cặp mắt lấp lánh thông minh" (không có chữ nào nói… đẹp trai hết!).

Ngoài ra bài báo có kể về một vài công trình nghiên cứu, giới thiệu thành tích học tập… Đặc biệt là sau khi giới thiệu quê quán tôi ở Long Khánh, Đồng Nai, đến đoạn cuối tác giả bài báo chế ra một đoạn rất "kinh điển" như sau: Tôi bày tỏ ước mong khi tốt nghiệp kỹ sư được về lại quê nhà, đem công nghiệp về làng quê để phục vụ… cơ giới hóa nông nghiệp! Mặc dù trước đó trong lúc phỏng vấn tôi không hề nói tí gì về ý tưởng đó, mà nói rõ ràng (trước mặt thầy tôi) là tôi mong ước được ở lại trường để tiếp tục nghiên cứu!

Ghi nhận thứ sáu: Báo có “khuôn mẫu” sẵn để đăng, đâu cần biết người được phỏng vấn trả lời những gì!


2 tờ báo mua được, 1 tờ tôi mang tặng một người rất đặc biệt đối với tôi, tờ còn lại tôi giữ làm kỷ niệm (nói gì đi nữa, được lên báo cũng thấy sướng, phải không các bạn?).

Trong ký túc xá, không gian của mỗi thằng sinh viên chỉ là cái giường, vì vậy tôi trân trọng nhét tờ báo ở dưới chiếu, ngay đầu nằm của mình.

Một ngày, đi học về, giở chiếu lên, tôi hoảng hồn khi thấy tờ báo bị xé mất, đúng ngay trang có đăng bài về tôi.

Tôi nhanh chóng tìm ra thủ phạm, đó là K., bạn cùng phòng. Tôi hỏi nó: 
  • Sao mày xé báo của tao? 
  • Hồi sáng tao đau bụng, mắc cầu quá. Tao thấy báo cũ nên xé một miếng đi cầu rồi. Mầy làm gì dữ vậy?
_____________
Các bạn thân mến, vì lý do này cho nên bây giờ tôi không còn tờ báo kỷ niệm đó nữa.

Giờ đây, nhiều bạn bè tôi là những người làm báo, có thể nhiều người trong số các bạn ấy không hình dung ra ngày xưa truyền thông nó như thế nào. Hôm nay kể lại để nhắc đến kỷ niệm đầu tiên của tôi đối với báo chí, cũng để nhớ lại tình hình báo chí và truyền thông cách đây 30 năm, nó khác bây giờ xa quá, các bạn trẻ làm PR, làm báo bây giờ chắc khó mà tưởng tượng ra nhỉ?

PHẠM HOÀI NHÂN
eChip tháng 6/2012 - Chuyên đề Ngày Nhà báo Việt Nam

Đốt đèn tìm người hiền

Hai Ẩu rãnh việc, chả biết làm gì, bèn kéo Ba Trợn tới để... bàn chuyện triết học.

Chú em biết triết gia Diogène người Hy Lạp không? Không hả? Ừ thì cũng chẳng sao, để anh kể cho mà nghe. Ông này theo chủ nghĩa hoài nghi. Người ta kể rằng ban đêm ổng ngủ trong một cái thùng, còn ban ngày ổng xách một cái đèn đi lang thang. Người ta hỏi: giữa ban ngày ông đốt đèn làm gì vậy?Diogène trả lời: Ta đốt đèn đi tìm người hiền!

Ba Trợn hỏi: Vậy có tìm ra không anh Hai?

Hai Ẩu trả lời: Làm quái gì tìm ra, vì lúc đó anh Hai của chú có ở đó đâu! Nhưng im lặng nghe kể tiếp nè.

Mới đây, Diogène lại xuất hiện. Lão lò dò xách đèn giữa ban ngày lui cui đi tìm gì đó ở Matxcơva. Người ta hỏi: Ông đi tìm gì vậy? Diogène bảo: Ta đi tìm người hiền mãi mà không thấy. Putin nghe được, bực lắm nhưng chẳng biết nói gì.

Rồi Diogène xuất hiện tại Washington. Lão lò dò xách đèn giữa ban ngày lui cui đi tìm gì đó. Người ta hỏi: Ông đi tìm gì vậy? Diogène bảo: Ta đi tìm người hiền mãi mà không thấy. Obama nghe được, nhăn mặt nhưng chẳng nói gì.


Rồi Diogène xuất hiện tại Bắc Kinh. Lão lò dò xách đèn giữa ban ngày lui cui đi tìm gì đó. Người ta hỏi: Ông đi tìm gì vậy? Diogène bảo: Ta đi tìm người hiền mãi mà không thấy. Hồ Cẩm Đào nghe được, tức mình, ra lệnh trục xuất Diogène.

Thế rồi Diogène xuất hiện ở Việt Nam. Giữa ban ngày lão lúi húi đi tìm cái gì đó. Người ta hỏi: Ông đi tìm gì vậy?

Ba Trợn reo lên: Biết rồi! Ổng nói là đi tìm người hiền, và cuối cùng đã tìm được ở Việt Nam?

Hai Ẩu gạt đi: Không phải! Người ta hỏi: Ông đi tìm gì đấy? Diogène gắt lên: Tổ cha nó! Lão đi tìm cái đèn! Mới chân ướt chân ráo tới Việt Nam mà nó đã chôm mẹ cái đèn của lão rồi!
______

Nghe chuyện xong, Ba Trợn ôm bụng cười ngặt nghẽo, nhưng trách Hai Ẩu: Anh Hai bôi bác quá đáng! Người Việt ta quả là có tật xấu hay ăn cắp vặt thiệt đó, nhưng đâu đến nổi lừng danh  như vậy!

Hai Ẩu phản biện: Lừng danh khắp thế giới ấy chứ! Hãy nói ngay trong lĩnh vực IT thôi, không cần phải nói rộng ra, Việt Nam ta được xếp vào loại hàng đầu trong những quốc gia có tệ nạn ăn cắp bản quyền nhiều nhất trên thế giới. Ăn cắp bản quyền phần mềm cũng giống như ăn cắp cái đèn của Diogène, anh lấy mất tiêu cái đèn rồi làm sao người ta soi sáng để tìm ra cái gì nữa? Những nhà lập trình, những nhà sáng tạo phần mềm vửa nảy ra ánh sáng trí tuệ thì đã bị đánh cắp, làm cho nhiệt tình tắt ngóm, làm sao tiếp tục phát huy tài năng được?

Hai Ẩu chì chiết Ba Trợn: Chú mày coi lại bản thân mình đi, có phải là phường ăn cắp không? Trong máy tính chú mày đang xài có bao nhiêu phần mềm lậu, phần mềm bẻ khóa?

Ba Trợn gật đầu đồng ý, và hỏi lại Hai Ẩu: Phải rồi, em thừa nhận mình là... quân ăn cắp, nhưng còn anh Hai, anh Hai có chắc mình không xài đồ ăn cắp không?

Hai Ẩu ngẩn người ra: Ồ, không, anh cũng chả lương thiện gì. Xét cho cùng anh cũng là... quân ăn cắp!
____
Hai Ẩu
eChip - tháng 6/2012

Trả lại em yêu khung trời đại học

Hắn đang miên man suy nghĩ, dáng vẻ hết sức hoang mang và bần thần.

Hơn 30 năm trước, có anh chàng Bill Gates không thèm học đại học, thế rồi chàng ta gây dựng nên cơ nghiệp Microsoft và trở thành tỷ phú.

30 năm sau, lại có một anh chàng Mark Zuckerberg bỏ học đại học, để rồi tạo nên Facebook ảnh hưởng khắp toàn cầu, và bản thân mình trở thành tỷ phú khi tuổi đời chưa tới ba mươi.
Hắn tự hỏi : Như vậy có cần học đại học không?

Đó là nói ở phạm vi quốc tế, ở Việt Nam hắn vừa xem qua danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Có quá nhiều tỷ phú đâu có bằng đại học, như đại gia Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh – Gia Lai) nè, như đại gia Lê Phước Vũ (Tôn Hoa Sen) nè... và còn vô số người mà hắn biết không hề có bằng cấp gì mà giàu nứt đố đổ vách.


Như vậy có cần học đại học không?

Như để bổ sung thêm cho những suy nghĩ của hắn, mới đây em gái Ngọc Trinh phát biểu rằng: Xã hội tôn vinh em vì em ngoan, em thật thà. Hổng có tiền thì cạp đất mà ăn à, em đâu cần học hành giỏi giang, chỉ cần nhờ vào bạn trai thôi à..

Em gái Ngọc Trinh đâu có tốt nghiệp đại học, thậm chí theo lời em tự nhận thì em chẳng có gì giỏi cả, thế mà em xài hàng hiệu, đi xe hơi xịn, mua nhà xịn, chỉ cần nhờ vào bạn trai thôi.

Như vậy có cần học đại học không?
...

Đọc tới dòng suy nghĩ này của hắn, bạn sẽ ấm ức mà muốn nhảy vào góp ý.

Nếu bạn là một nhà giáo dục hay một nhà đạo đức, bạn sẽ phân tích cho hắn thấy cần phải nhận định rõ tình huống, hoàn cảnh, điều kiện xã hội... để nhìn nhận rõ hơn về từng trường hợp nêu trên. Bạn sẽ giải thích cho hắn rõ rằng trong đại đa số trường hợp, học vấn vẫn là con đường tốt nhất để người ta vững bước trên đường đời...

Nếu bạn là một thành viên trong ban tuyển sinh của một trường đại học, bạn sẽ lo sốt vó nếu ai cũng có những suy nghĩ như hắn. Như thế thì ai sẽ thi đại học hở Trời? Và như thế trường của bạn sẽ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, sẽ lỗ nặng, sẽ bị đóng cửa..! Bạn sẽ cố hết sức thuyết phục để hắn thi vào đại học, đó là nơi quyết định tương lai của hắn. Mùa thi đến rồi!
...

Bạn yên tâm. Chuyện chả có gì bi quan và đáng lo như thế đâu. Bởi vì hắn đâu phải là một thí sinh chuẩn bị thi đại học! Hắn là một gã trung niên, và đã có bằng đại học – và thậm chí bằng thạc sĩ – rồi, bạn ạ!

Hắn cũng chẳng thấy gì bi quan và đáng lo cả. Thậm chí, sau khi suy nghĩ đã đời xong, hắn còn thấy thoải mái nữa kìa.

Sau bao nhiêu năm học hành vất vả để lấy bằng đại học và thạc sĩ, mà chẳng thăng tiến gì trên bước đường kinh doanh cả, hắn suy tư vô cùng. Nay như đã tìm ra chân lý, hắn reo lên mừng rỡ: 
  • Ta hiểu rồi! Ta không thể thành tỷ phú được bởi vì ta là Nhà Trí Thức! Ta là Nhà Trí Thức! Ha ha ha!
_________
Hai Ẩu
eChip - tháng 6/2012 

Làm sao X được người trong mộng?

Đó là một buổi hội thảo mà diễn giả là Hai Ẩu. Gọi là một buổi hội thảo về văn học cũng được mà toán học cũng được. Đối tượng tham dự gồm đủ mọi thành phần. Diễn giả đặt vấn đề: 
  • Làm sao X được người trong mộng? Thưa các bạn, xin các bạn hãy cho biết ẩn số X ở đây là gì?
Hội trường thoáng xôn xao bàn tán một chút, rồi có câu trả lời.
Bọn trẻ 9X và một số 8X khúc khích cười, nói ngay:
  • Hí hí, X là... XXX chớ còn gì nữa mà phải hỏi!
Các đại gia trong giới kinh doanh đưa mắt nhìn nhau hội ý rồi trả lời:
  • X là Bán. Làm sao bán được người trong mộng. Được giá là bán.

Một số thành viên trong buổi hội thảo là blogger nhỏ nhẹ góp ý:
  • X là Add. Add friend, add nick để chat, để giao lưu rồi... tán tỉnh!
Diễn giả Hai Ẩu trả lời:
  • Các bạn nói sai hết rồi. Bây giờ trước khi nghe đáp án chính thức, xin mời các bạn hãy tham khảo các thông tin báo chí trên mạng để có trong đầu những ý niệm của mình.
...

Đến đây ta biết rằng đây không phải hội thảo về văn học hay toán học, mà là một khảo sát về tác động của thông tin và truyền thông đến công chúng. Diễn giả Hai Ẩu ghi chú vào sổ tay: Thông tin chưa rõ ràng khi đến với công chúng sẽ được tiếp nhận theo nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy theo môi trường, điều kiện sống của tầng lớp công chúng ấy.
...

Sau khi cử tọa đã nhồi nhét trong đầu hàng đống tin tức vừa đọc được trên báo mạng trong thời gian giải lao, họ được mời vào để tiếp tục nghe bài trình bày của diễn giả Hai Ẩu.

Hai Ẩu nhấn nhá trả lời câu hỏi đã nêu lúc đầu:
  • Thưa các bạn, làm sao x được người trong mộng là một câu rất quen thuộc và nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử: Làm sao giết được người trong mộng?
Vừa nghe đến đây, cả hội trường thét lên:
  • Vãi Luyện! Hàn Mặc Tử là thằng nào mà ác thế? Nghe tên biết ngay là sát thủ! Giết! Giết!
Thế rồi toàn thể cử tọa nhốn nháo hẳn lên, bàn tán sôi nổi về những vụ giết người dã man, chặt đầu, chặt tay, chặt chân mà họ vừa mới đọc xong trên mạng. Cả hội trường chìm trong một màu máu đỏ thảm khốc, rùng rợn...
...

Mộ Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Diễn giả Hai Ẩu lẳng lặng ghi chú vào sổ tay: Tùy theo mức độ và phương thức truyền thông về tội ác mà phương tiện truyền thông mang tính cảnh tỉnh, giáo dục công chúng, hoặc hướng công chúng vào những mặt kinh tởm, hãi hùng của tội ác để tạo sự kích động không nên có.

____
Hai Ẩu
eChip - tháng 5/2012

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn


Em đâu có buồn phải không em? Vì hè đến cũng là lúc em nôn nao chọn trường, ôn thi đại học. Lo âu nhiều mà háo hức cũng lắm.

Bạn đâu có buồn phải không bạn? Bạn đang lăng xăng tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh. Nói cho thật lòng thì một đàng là vì định hướng tương lai cho thế hệ trẻ, nhưng đàng khác quan trọng hơn là tìm đầu vào cho trường đại học của bạn, bạn nhỉ ?

Em không buồn. Bạn không buồn. Vậy ai mỗi năm đến hè lòng man mác buồn? Tôi đây bạn ơi!


Nói em đừng buồn, mỗi năm đến hè, đến kỳ thi tuyển sinh đại học tôi đều mong mỏi cho em... thi rớt! Bởi vì có thi rớt đại học thì em mới chịu ngó ngàng tới cái trường trung cấp của tôi.

Tôi tủi thân lắm, người ta tổ chức tư vấn tuyển sinh, tôi cũng tư vấn tuyển sinh, thế nhưng các em sao cứ bu đến những trường đại học, còn trường trung cấp của tôi thì chẳng ai đoái hoài gì tới. Đúng là “buồn riêng một mình ai, chờ mong từng đêm gối chiếc. Mối u hoài này ai có hay.”

Nếu em học giỏi, em sẽ thi vào đại học, điều đó là lẽ đương nhiên rồi, vì đó là con đường tương lai tươi sáng nhất.

Nếu sức học em trung bình, em cũng vẫn thi vào đại học, với một niềm hy vọng tạo nên bất ngờ nào đó.

Nếu em học quá kém, em cũng vẫn thi vào đại học. Bới vì thi đâu cũng rớt, thôi thì rớt đại học cho nó...oai!

Thế là chặng đầu cuộc đua tôi không đón được em rồi. Bởi thế tôi mới bảo là mong sao em... thi rớt đại học!

Nhưng đến đây tôi cũng không đón được em!

Thà là thi rớt, năm sau thi lại, quyết không học trung cấp!

Thôi, không dám thuyết phục những trái tim sắt đá, tôi đành chọn những em thi đâu cũng rớt, thôi thì rớt đại học cho nó...oai! Bởi vì năm sau, rồi năm sau nữa em cũng đâu thể nào đậu đại học, vậy học trung cấp đi cho có một nghề.

Ấy vậy mà cũng không xong. Có em tập tành đi buôn, em bảo các đại gia tỷ phú của nước ta có ai có bằng đại học hay trung cấp chi đâu mà vẫn là tỷ phú. Có em mơn man đòi đi làm ca sĩ. Có em rất vô tư thiệt thà nói rằng: em sẽ chụp hình ở truồng để nổi tiếng, ở truồng đâu cần bằng cấp phải hông thầy?

Không ai học trung cấp cả!

Và như thế khi hè đến, các em xôn xao chọn trường thi, xôn xao ôn bài thi, các trường hăng hái tổ chức tư vấn tuyển sinh, chuẩn bị đón đầu vào thì mình tôi lặng lẽ bơ vơ, dù rằng mình cũng là trường học.

Và như thế khi hè đến, tôi đành ngân nga: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,...
____
Hai Ẩu 
eChip - tháng 5/2012

Kinh doanh gì?

Trong điều kiện kinh tế khó khăn chung như hiện nay, một tổ chức quốc tế đã khuyến cáo là đối với những đất nước đang phát triển như Việt Nam nên hướng đầu tư vào 2 mảng chính: Y tế và Giáo dục.

Hai Ẩu ngồi bàn với Ba Trợn về gợi ý này. Ba Trợn nói:
  • Khuyến cáo này nghe có vẻ hợp lý. Nếu nói ở góc độ vĩ mô thì là nhà nước đầu tư, còn ở góc độ vi mô thì là doanh nghiệp bọn mình kinh doanh. Kinh doanh giáo dục không lo ế, kinh doanh y tế cũng vậy. Vậy bây giờ mình mở trường tư để thu tiền học sinh, mở bệnh viện tư để chữa bệnh hay đi buôn thiết bị y tế, dược phẩm?
Hai Ẩu lắc đầu, không đồng ý:
  • Có thể gợi ý trên đúng với quốc gia nào đó, nhưng với Việt Nam thì theo anh đó lại là 2 mảng khác chú em ạ. Hai mảng đó là kinh doanh danhkinh doanh tâm linh.

Về kinh doanh danh, dân ta rất khoái danh hiệu, nên cứ cái gì có liên quan đến bầu chọn – bình chọn danh hiệu, tôn vinh là nô nức tham gia ngay. Làng xã có bình chọn cấp làng xã, trường đại học có danh xưng hoa khôi của trường, quốc gia có bình chọn cấp quốc gia. Thậm chí quốc tế có cấp quốc tế, lúc ấy cả nước cỗ vũ để mọi người bình chọn cái thắng cảnh của nước ta cho nó lọt vô... danh sách quốc tế. Nếu chả thấy mình có danh hiệu gì, thì tự chế một cái kỷ lục gì đó để tự phong, như: ở dơ nhất, ngủ nhiều nhất, v.v... Cứ làm cái gì đó để gọi là tôn vinh ai đó thì bao nhiêu tiền người ta cũng trả, chú em ạ.

Còn kinh doanh tâm linh, anh kể chú em nghe chuyện này: Hôm nọ anh có đi in một số CD phần mềm nhưng chỗ gia công họ không nhận in vì đã kín lịch sản xuất rồi. Anh hỏi họ rằng in chi mà nhiều vậy? Nhạc, phim hay software? Họ trả lời rằng không phải nhạc, phim, cũng không phải software, mà là... kinh Phật, những bài giảng kinh của các nhà sư nổi tiếng. Không phải vài ngàn bản như software hay vài chục ngàn bản như CD ca nhạc mà là hàng trăm ngàn bản, chú em ạ. Những CD này được nhà chùa phát không cho phật tử đến chùa.

Tại hội sách TPHCM vừa qua, ngoài các gian hàng sách văn học, sách khoa học kỹ thuật... còn có những gian hàng văn hóa phẩm Phật giáo, người ghé thăm đông nườm nượp.

Giữa thời buổi khó khăn, cuộc sống bất ổn, thì người ta tìm chốn bình yên nơi tôn giáo, tín ngưỡng là điều hợp lý. Những cơ sở tôn giáo phục vụ nhu cầu tâm linh của con người rất đáng trân trọng, ta không được phép gọi họ là kinh doanh tâm linh. Tuy nhiên, những cơ sở kinh doanh dựa trên nhu cầu rất lớn này thì có lẽ nên gọi đúng tên là kinh doanh tâm linh. Bản thân việc kinh doanh đâu có gì gọi là xấu phải không chú em?

Ba Trợn dè dặt góp ý với Hai Ẩu:
  • Em thấy cái vụ kinh doanh tâm linh này hơi bị hay à nha. Em sẽ in sách tử vi bói toán, viết phần mềm bói toán bán qua mạng. Anh Hai thấy được hông?
______
Hai Ẩu
eChip - tháng 5/2012

Hội

Hội thường là tổ chức tự nguyện của các cá nhân, tập thể hoạt động trong một lĩnh vực nào đó, có cùng chung sở thích, nguyện vọng, mục tiêu phát triển. Hội Tin học cũng là một cái hội như vậy.

Vì là người hoạt động trong lĩnh vực tin học, nên tui nảy ra ý tưởng muốn tìm hiểu xem hội Tin học tỉnh nhà ra sao, ban chấp hành hội gồm những ai, ở đâu để mình còn tìm cách tham gia, biết đâu hội có thể giúp đỡ được cho mình hoặc mình hỗ trợ gì cho hội.

Search Google một hồi tui cũng tìm ra được danh sách ban chấp hành hội đương nhiệm. Tui đọc được một vài cái tên quen biết. Đặc biệt có một cái tên quen lắm mà tui cố nhớ vẫn không nhớ được mình quen cái ông này hồi nào, ở đâu. Cuối cùng tui cũng nhớ ra, đó chính là... tui!

Má ơi! Vậy bấy lâu nay tui là ủy viên ban chấp hành hội Tin học tỉnh nhà mà tui không biết? À không, không nhớ chứ không phải không biết. Bây giờ thì nhớ rồi, hồi nào ấy có một cái đại hội thành lập hội tin học, và dường như là tui đã được bầu vào ban chấp hành. Thế nhưng năm bảy năm đã trôi qua rồi, cái hội ấy có hoạt động gì đâu. Từ ấy đến giờ tui có được thông báo hoạt động hội, mời họp ban chấp hành hay sinh hoạt gì đâu, làm sao mà nhớ được!
...



Bữa nay, tui bị buộc phải nhớ điều đó, vì tui được (bị) mời đi họp! Cuộc họp đầu tiên của tui với tư cách ủy viên ban chấp hành hội. Đó là cuộc họp để chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới của hội, vì nhiệm kỳ cũ kết thúc đã lâu quá rồi, mà ai cũng... quên, không nhớ tổ chức đại hội để bầu ban chấp hành mới.

Vì hội Tin học là một hội nghề nghiệp chịu sự quản lý của nhà nước, cho nên cuộc họp cho công tác tổ chức này được tổ chức rất trịnh trọng, có đầy đủ đại diện của các sở ban ngành quan trọng.

Một số người được đề cử vào danh sách bầu ban chấp hành mới. Có những tiếng thở dài ngao ngán.

Một cậu tre trẻ, được dự kiến làm phó chủ tịch hội, bỗng nổi hứng lên phát biểu:
  • Thưa các anh, các chú, các bác, hội Tin học ta thời gian qua đâu có làm gì ạ, và thời gian tới chắc cũng có làm gì đâu. Sao chúng ta không dẹp hẳn nó cho rồi để khỏi bận tâm ạ?
Vị chủ tọa cuộc họp nhăn nhó đáp:
  • Đã là hội thì làm sao dẹp được? Mà đã tồn tại thì phải đại hội, phải bầu ban chấp hành mới với đầy đủ nghi thức. Cậu cứ an tâm mà làm phó chủ tịch hội nhiệm kỳ mới nhé!
...

Tui ngồi kế bên cái cậu tre trẻ ấy, rù rì:
  • Chú có cái hội của riêng chú đấy, chả có xin phép xin tắc gì cả, hoạt động ầm ầm.
Cậu ta cười cười nói:
  • Cháu cũng vậy. Mấy cái luôn, hoạt động vui lắm, hiệu quả lắm. Có cả ngàn hội viên luôn đó. Chú thích không, ngày mai chú cháu mình cùng thành lập một hội.
Tui gật đầu đồng ý. Ngày mai, hai chú cháu sẽ thành lập Hội những người không thích lập Hội trên Facebook, các bạn ai thích tham gia thì xin mời nhé!
_______
Hai Ẩu
eChip - tháng 5/2012

Vòng quanh thế giới trong 80 ngày

Ngày 2 tháng 10 năm 1872, Phileas Fogg khởi hành từ London bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới trong 80 ngày của ông theo một cuộc cá cược. Đến ngày 21 tháng 12 năm 1872, Phileas Fogg đã về đến London, đúng 80 ngày và thắng cược.


Đó là câu chuyện kể trong tiểu thuyết Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Jules Verne.
Năm 2012, Phileas Fogg đến Việt Nam theo lời mời của một số người bạn, và chấp nhận tham gia một vụ cá cược mới : Vòng quanh Việt Nam trong 8 ngày.

Hành trình được xác định là từ thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội và quay về theo quốc lộ 1. Điều kiện là phải đi bằng đường bộ, dùng các phương tiện vận tải công cộng (không được di chuyển bằng máy bay). Khi qua mỗi tỉnh nằm trên đoạn đường này phải có đóng dấu xác nhận của địa phương, để buộc ông không được đi xe khách liên tỉnh đường dài. Để tăng thêm sự khó khăn cho Fogg, nhóm bạn cá cược còn buộc ông phải sử dụng một số tiền mặt cố định, không được xài thẻ ATM.


Thời buổi đầy dẫy thông tin trên Internet như bây giờ, không khó khăn gì cho Phileas Fogg khi tìm hiểu về các chăng đường, thời gian đi cũng như giá vé xe cho từng chặng. Ông cũng dễ dàng xác định được chặng đường nào có thể đi ban đêm, chặng đường nào phải nghỉ đêm ở khách sạn, giá phòng là bao nhiêu.

Sau khi cân nhắc, tính toán kỹ về thời gian và số tiền tối thiểu cần thiết để làm cuộc hành trình, Fogg chấp nhận đặt cược.

9 giờ sáng ngày 13 tháng Tư năm 2012, Phileas Fogg khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh. Các chặng đường ông qua lần lượt là Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận... và cứ thế đến Hà Nội rồi lại quay về.

Có nhiều trở ngại trên đường đi, như xe bị công an giao thông bắn tốc độ, bị phạt vì chở quá số người quy định, xe bị pan... nhưng tất cả những trở ngại phát sinh đó đều nằm trong tiên liệu của Fogg, cho nên ông đều giải quyết được tốt. Đương nhiên có cuộc cá cược nào mà không khó khăn, nên Fogg sử dụng vừa sát thời gian quy định và số tiền mang theo.

Đêm 20 tháng Tư năm 2012, Phileas Fogg tới Biên Hòa, Đồng Nai, nghỉ đêm ở đó. 7 giờ sáng ngày 21 tháng Tư, Fogg đến văn phòng chính quyền sở tại để đóng dấu xác nhận hành trình. 7g 5 phút ông hoàn tất thủ tục này.

Từ Biên Hòa về thành phố Hồ Chí Minh là 30 cây số, xe đi mất hơn 1 giờ đồng hồ do đường dễ bị kẹt xe. Thế nhưng Fogg còn đến 1 giờ 55 phút, và còn vừa đủ số tiền để đi xe bus về thành phố Hồ Chí Minh.

Fogg lên xe. Xe rời bến. Chiến thắng trong tầm tay.

Thế nhưng...

Khi người bán vé nói : Xăng lên giá từ hồi hôm rồi bà con ơi. Vé xe tăng nha !

Thì Fogg phát hiện rằng mình... không còn đủ tiền để mua vé xe. Theo quy ước, Fogg chỉ được sử dụng đúng số tiền mang theo, không được mượn ai, không được xài thẻ ATM. Thế là Fogg bị đuồi xuống xe !

Dĩ nhiên Fogg không bị bỏ rơi ở Đồng Nai, ông vẫn trở về gặp mặt bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh được, nhưng điều quan trọng là Fogg đã thua cuộc ! Fogg đã thua trong vụ cá cược Vòng quanh Việt Nam trong 8 ngày, bởi vì...xăng lên giá !
________
Hai Ẩu
eChip - tháng 4/2012

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với dòng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ thế hệ thứ 8

Hãy sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game, VR và giải trí ở bất kỳ đâu với máy tính được trang bị dòng bộ xử lý In...