Wednesday, September 5, 2012

Chuyện của tỷ phú



Thạch Sùng và Thạch Sanh là... 2 anh em. Thạch Sùng đầu tư chứng khoán, Thạch Sanh kinh doanh máy tính. Chẳng biết ai mời ai mà hôm ấy cả hai cùng nhau ngồi uống cafe và tán chuyện rôm rả.

Câu chuyện trong quán cafe là những chuyện thời sự vừa xảy ra. Thạch Sùng phát pháo trước:
  • Chú em biết không, bầu Kiên bị bắt có 3 ngày thôi mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi 5,6 tỷ đô la.
Thạch Sanh trầm trồ:
  • Nghe đâu ngay trong ngày đầu tiên sau khi bầu Kiên bị bắt thì cổ phiếu của gia đình ông sụt giảm 164 tỷ đồng, và 3 hôm sau thì coi như mất toi 361 tỷ đồng.

Thạch Sùng hăng hái nói, nước miếng văng tùm lum:
  • Nhằm nhò gì! Các cha đại gia cha nào cũng mất hàng chục đến hàng trăm tỷ. Gia đình ông Đặng văn Thành mất 308 tỷ, ông Trầm Bê 223 tỷ, bầu Long 330 tỷ...
Thạch Sanh chắt lưỡi, nói:
  • Thật khủng! Thế anh có biết đại gia nào thiệt hại nặng nhất không?
Thạch Sùng vỗ vai Thạch Sanh, khủng khỉnh:
  • Này, anh là Thạch Sùng, anh không chắt lưỡi thì thôi chứ sao chú lại chắt lưỡi? Tay bầu Đức mới là thiệt hại nặng nhất: 805 tỷ đồng!
Thạch Sanh gật gù và hỏi:
  • Thế anh có thiệt hại gì trong vụ này không?
Thạch Sùng cười ha hả:
  • Anh chả! Thạch Sùng làm thế nào mà thiệt hại được chứ?
Thạch Sanh cũng cười và chuyển hướng câu chuyện sang đề tài khác:
  • Này anh, bọn Apple nó kiện Samsung cả năm qua nay đã có kết quả rồi đấy. 
  • Thế à? Vụ ấy ra sao? Ai thắng? 
  • Bọn Apple nó kiện Samsung đã ăn cắp bằng sáng chế của nó để làm ra smart phone của Samsung. Apple thắng kiện, Samsung phải bồi thường 1 tỷ đô!
Thạch Sùng kêu lên:
  • Một tỷ đô cơ à? Cũng nhiều đấy, vị chi là trên 20 nghìn tỷ đồng Việt Nam.
Thạch Sanh hứng chí đá tung cái bàn, suýt nữa thì đổ cả 2 ly cà phê:
  • Vụ này xong thì đâu chỉ liên quan đến Samsung và Apple. Các anh lớn khác như Google (hệ điều hành Android), Microsoft... đều ảnh hưởng.
Thạch Sùng lại vỗ vai Thạch Sanh:
  • Này, anh hỏi nhỏ chú, chú có liên quan gì trong vụ này không? Tỷ dụ như chú có ăn cắp bản quyền sáng chế gì của Apple không (sau Samsung là đến lượt chú), hoặc là chú có hưởng xái chi trong một tỷ đô tiền đền bù của Samsung không?
Thạch Sanh nhếch mép cười khinh bỉ:
  • Em chả! Em chả vơ vào cái chỗ ấy làm gì. Mặc bọn nó!
...

Câu chuyện cứ thế xoay quanh những tỷ đồng và tỷ đô. Đến một lúc cả 2 có vẻ chán mà chưa ai chịu về. Im lặng một lát rồi Thạch Sùng cất tiếng:
  • Này chú, tính tiền cà phê đi rồi về nhé!
Thạch Sanh nói:
  • Ơ hay, em cứ tưởng anh mời em chứ?
Thạch Sùng nhăn nhó:
  • Chú biết đấy, anh chơi chứng khoán bấy lâu nay, càng chơi càng thua. Nay thua sạch rồi chú ạ. Một cắc trong túi cũng không còn.
Thạch Sach cũng mếu máo:
  • Hic, em có hơn gì anh. Em bán laptop, máy tính. Hàng càng ngày càng ế ẩm, tồn kho. Càng tồn kho càng phải giảm giá. Lỗ chỏng gọng anh ạ! Em làm gì có tiền.
Thế là 2 anh em Thạch Sùng – Thạch Sanh không ai có tiền trả tiền cà phê. Họ đành ngồi đó tiếp tục bàn chuyện về những tỷ phú, tỷ đồng Việt Nam và tỷ đô la Mỹ. Các bạn đọc bài này xong, ai có tiền thì đến thanh toán dùm họ để họ còn về nhà nhé!
___
Hai Ẩu
eChip 346 - 31/08/2012

Thôi chia tay từ đây


1.
Chẳng biết từ đâu và từ bao giờ các blogger gọi trang blog cá nhân của mình là nhà. Tạo một blog mới gọi là cất nhà. Vào xem blog của ai đó gọi là ghé nhà chơi.

Cách gọi này xem vậy mà lại rất chính xác. Trong rất nhiều blogger của cùng một website blog nào đó, có những nhóm blogger thường xuyên qua lại với nhau, để lại cho nhau những còm-men, tạo thành những xóm gồm nhiều nhà chơi chung với nhau (họ Add friendkết bạn với nhau).


Trong nhà thì chủ nhà trưng bày đủ thứ: nào bài vở, nào hình ảnh, nào video clip... để mời gọi khách tới tham quan. Thỉnh thoảng chủ nhà lại ới lên vài tiếng để kêu gọi mọi người (Notestrong Multiply hoặc Blast trong Yahoo).

Có người thì lại dùng cái nhà ấy để chứa những kỷ niệm. Thí dụ: có khá nhiều bậc cha mẹ thường xuyên post lên blog của mình hình ảnh con cái lớn lên theo từng ngày, ghi chú những sự kiện trong đời con, với hy vọng là một cuốn nhật ký cuộc đời mà sau này lớn lên đứa bé sẽ xem lại.

2.
Thật ra cấu trúc nhànhư trên nửa giống blog, nửa giống mạng xã hội.

Trước đây, khi Yahoo!3600 thống lĩnh cộng đồng blog nó mang cấu trúc như vậy. Vì thế khi Yahoo!3600 đóng cửa hồi tháng 7/2009, những blogger trung thành với nó có khuynh hướng đi tìm những ứng dụng blog có cấu trúc tương tự. Multiply là một thí dụ.

Những ứng dụng tạo blog khác có cấu trúc khác hơn. Thí dụ: Blogspot của Google, Wordpress giống như một công cụ tạo trang web cá nhân hơn là một nơi tung tẩy, sinh hoạt... như Multiply.

3.
Multiply vừa chính thức công bố sẽ đóng cửa mạng xã hội của mình từ ngày 1/12/2012.
Những cư dân đang sống trên Multiply bắt đầu nhốn nháo để tìm chỗ ở mới. Lại một cuộc dọn nhà nữa, sau cuộc dọn nhà từ Yahoo!3600 sang nơi khác.

Điều đáng quan tâm là hầu hết người sử dụng blog ở Việt Nam đều có tâm lý hùa theo đám đông: bạn bè đi đâu mình đi theo đó. Việc chọn Multiply trước đây (dù Multiply không phải là blog thông dụng hoặc xuất sắc) là như thế. Và bây giờ khi Multiply đóng cửa, việc chọn blog khác cũng đi theo hướng như vậy...

Thật ra, cái gần giống với Multiply nhất, lại có tính năng hơn hẳn, có độ ổn định cao, lại có cộng đồng sử dụng lớn nhất chính Facebook. Thế nhưng đa số những người đang dùng Multiply đều không thích sử dụng Facebook. Lý do là... không thích, thế thôi. Chỉ là vấn đề tâm lý.

4.
Việc chuyển từ blog này sang blog khác giống với một cuộc di dân hơn là dọn nhà. Người ta đi cùng với  hàng xóm, láng giềng, người thân của mình. Đi và mang theo những mối quan hệ, đến một vùng đất có thể là hoang vắng, hạ tấng kém cỏi, miễn là có những người quen! Đi như những kẻ tha hương!

Năm 2009, khi Yahoo!3600 ngưng hoạt động, nhiều website blog của Việt Nam ào ạt ra đời để đón lấy cộng đồng blogger từ đó. Năm nay Multiply ngừng hoạt động, mọi việc có vẻ im ắng. Vì cộng đồng Multiply quá nhỏ, và vì việc kinh doanh này không cho thấy có hiệu quả.

5.
Chưa biết là cái gì sẽ thay thế Multiply. Có thể sẽ không là cái gì cả. Một số người đang dùng Multiply như một ứng dụng nửa blog – nửa mạng xã hội sẽ chuyển sang thành blogger chuyên nghiệp với Blogspot, Wordpress..., một số khác sẽ chuyển sang mạng xã hội với Facebook.

Dù sao thì ngày kết thúc của Multiply đã cận kề, và những người  dùng Multiply đang rên rỉ hát:

Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Nguời theo cánh chim về vui với đời
...
Em ơi bao giờ nhớ thương này nguôi?
____
Hai Ẩu 
eChip 345 - 24/08/2012

Tôi có một giấc mơ


Tôi đang đọc một quyển sách - sách dịch - rất hay. Hay đến mức tôi sẽ không nêu tên quyển sách này cho các bạn biết đâu. Hứ, ai lại đi quảng cáo không công bao giờ!

Đó là một quyển sách của một tác giả nổi tiếng viết về một nhân vật nổi tiếng của một công ty nổi tiếng (chỉ riêng người dịch là... chưa nổi tiếng!). Nhân vật và công ty nổi tiếng này thuộc lĩnh vực IT, là lĩnh vực tôi đang làm việc và đang yêu thích. Phải đọc để hiểu biết thêm là điều tất nhiên!

Thời giờ thì hạn hẹp, nên tôi chỉ có thể đọc vào buổi tối, sau khi đã gút xong những việc cần làm trong ngày.


Mỗi đoạn văn trong sách đều rất hay, cung cấp những chi tiết rất bổ ích và lý thú.  Tôi biết chắc là vậy, vì tác giả là người… nổi tiếng, làm sao mà không hay được chứ!

Như đã nói, nhân vật nổi tiếng và công ty nổi tiếng này thuộc lĩnh vực IT, là lĩnh vực tôi đang hoạt động. Bởi nổi tiếng vậy nên khá nhiều vấn đề và sự kiện nêu trong sách đã từng được nêu lên đâu đó trong sách báo và Internet, và một người trong ngành như tôi ắt hẳn phải biết qua (thậm chí một vài nhân vật trong sách tôi đã từng có dịp liên hệ ngoài đời).

Cũng vì đã biết qua nên tôi thấy một số điều viết trong sách là dzậy mà hổng phải dzậy.
Với tâm niệm rằng tác giả không thể viết sai, mà tác giả không sai thì chắc là chỉ còn có dịch giả dịch sai mà thôi. Cho nên khi đọc những đoạn mà thấy nó vô lý quá, tôi đều phải cố gắng tưởng tượng ra xem nguyên văn viết như thế nào khiến cho người dịch… dịch nhầm như thế!

Mà nè, đừng nghĩ rằng đây là một thảm họa dịch thuật như báo chí thường rêu rao nghe. Các thảm họa dịch thuật ấy thường là sách văn học, triết học nên phức tạp, sai một từ, một câu có thể ảnh hưởng đến cả nguyên đoạn văn hoặc cả cuốn sách. Còn đây là sách kỹ thuật, kỹ thuật pha với chuyện đời kinh doanh, là những thứ rất ngay ngắn, rõ ràng, làm sao mà sai đến mức thảm họa được chớ!

Chậc, đâu có gì quan trọng lắm đâu, thí dụ như : flash memory thì dịch là ký ức lóe sáng, driver thì dịch là tài xế... vậy mà.

Và vì thế, khi đọc sách tôi luôn thả hồn mơ mộng để tưởng tượng xem dịch giả đang dịch cái chữ gì, ngõ hầu dịch lại cho đúng.

Thú vị thật, sau một ngày làm việc căng thẳng, được tưởng tượng như thế khiến tâm hồn tôi lâng lâng bay bổng, tôi đi vào giấc mơ. I have a dream.

Vâng, thưa bạn,  chỉ "hoạt động" (dùng chữ "hoạt động" chính xác hơn chữ "đọc") được vài ba trang là tôi đã rơi vào giấc ngủ, ngủ thật ngon!

Vậy là quyển sách này lại thêm một công dụng hữu ích nữa, là dỗ giấc ngủ rất hiệu quả.

Bữa nay đã gần một tháng rồi, tôi ngủ rất ngon, và rất mừng là sách vẫn còn dài, còn có thể được tiếp tục ngủ ngon ngon nữa.

Dù bạn có bị bệnh mất ngủ, tôi cũng sẽ không cho bạn mượn sách đâu! Sách quý mà, cho mượn lỡ mất làm sao?
____
Hai Ẩu
eChip 322 - 17/8/2012

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với dòng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ thế hệ thứ 8

Hãy sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game, VR và giải trí ở bất kỳ đâu với máy tính được trang bị dòng bộ xử lý In...