Saturday, August 11, 2012

Bệnh thành tích

Dạo này dư luận xã hội và báo chí phản ứng khá mạnh mẽ đối với bệnh thành tích trong giáo dục. Thi tốt nghiệp chỗ nào cũng đạt hơn 99% mà thi đại học thì điểm 0 đầy trời. Học sinh xuất sắc, tiên tiến nhiều như sao trên trời, còn học sinh kém thì quý hiếm như... thú trong sách đỏ. Vậy mà kiểm tra trình độ học vấn thì chả ra làm sao!

Dư luận còn cho rằng bệnh thành tích không chỉ ở ngành giáo dục mà còn là căn bệnh nan y ở mọi ngành, mọi lĩnh vực. Nghĩa là không loại trừ ngành công nghệ thông tin. Hai Ẩu nghe mà đâm nhột.

Ngẫm đi ngẫm lại, Hai Ẩu tự nhủ là... đâu có?! Ngành ta tốt lắm mà! Nào là thành tích tin học hóa hành chính công này, nào là đưa tin học đến vùng sâu vùng xa này, nào là phổ cập tin học đến mọi người này... Xét ở lĩnh vực hành chính, có đề án 112 này, tỉnh - huyện - xã - phường nào lại chả có máy tính, có phần mềm, còn máy tính dùng vào việc chi, phần mềm có chạy được không thì đó là chuyện... không nên quan tâm làm gì! Đưa tin học đến vùng sâu vùng xa thì có quá nhiều đi chứ, nhưng ở những nơi đó... xa quá nên sau khi “đưa con sáo sang sông" rồi ai biết được nó bay đi đâu! Phổ cập tin học thì quá rõ ràng, bây chừ quá nhiều người biết “chat”, đâu nhất thiết phải là trí thức – sinh viên – học sinh; có đủ thứ người làm đủ thứ trò trên máy tính, kể cả dụ dỗ người ta làm cái chuyện... ò í e!


Ngẫm tới ngẫm lui, trên tinh thần hướng thượng, Hai Ẩu nghĩ cũng không nên quá tự hào về ngành mình như vậy. Biết đâu ngành công nghệ thông tin cũng có bệnh thành tích thì sao? Thế rồi Hai Ẩu nghĩ ra được một giải pháp để kiểm tra xem ngành công nghệ thông tin có bệnh thành tích hay không. Giải pháp đó như sau:

Hai Ẩu lập ra một trang web, trên đó có một cái poll (phiếu thăm dò), người truy cập trang web sẽ trả lời câu hỏi như sau: Bạn, đơn vị của bạn, địa phương của bạn có bệnh thành tích hay không? Câu trả lời là một trong hai câu: Không. Dĩ nhiên, người đã truy cập vào trang web thì phải là... dân công nghệ thông tin rồi.

Sau một tháng thăm dò, Hai Ẩu kiểm tra lại kết quả. Phấn khởi vô cùng, 100% câu trả lời là Không, một tỉ lệ tuyệt đối . Hai Ẩu sướng quá, vậy là có thể hùng hồn tuyên bố cùng xã hội rằng: Giới công nghệ thông tin đã có thành tích xóa bỏ tuyệt đối bệnh thành tích! 
___
Hai Ẩu
eChip số 57 - 2006

Bệnh viện

Ba Trợn ngồi lướt web đọc tin tức, rồi quay qua nói với Hai Ẩu:
  • Coi nè anh Hai, cái bệnh viện ở tỉnh này tệ thiệt. Bệnh nhân bị đâm, đem vô bệnh viện cấp cứu, vậy mà họ nói hổng sao, cứ để đó. Tới nửa đêm, bệnh nhân hấp hối, kêu cấp cứu họ cũng chẳng màng gì tới khiến bệnh nhân phải lìa đời rồi.
Hai Ẩu liếc qua trang web, rồi nói với Ba Trợn:
  • Ừa, cái tin này anh đọc rồi. Chú mày bấm vô cái link kia coi tiếp kìa. Bữa trước, cũng cái bệnh viện này nhận một nạn nhân tai nạn giao thông, họ phán rằng bệnh nhân chết rồi, biểu đem về chôn đi. Dè đâu khi sắp chôn mới biết bệnh nhân… còn sống!
Ba Trợn vừa lướt web vừa chép miệng than thở:
  • Mà đâu phải chỉ cái bệnh viện này, anh Hai đọc tiếp tin ở cái bệnh viện tít ngoài miền Trung nè. Họ thiếu trách nhiệm làm chết 2 mẹ con sản phụ. Lại còn đòi phải nhận tiền bồi dưỡng mới chăm sóc bệnh.

Hai Ẩu khoác tay:
  • Cứ gì phải đọc trên Internet mới biết mấy chuyện đó. Chú mày cứ thử… bệnh một phát và đi bệnh viện coi. “Lương y” sẽ quát chú mày như ông chủ quát đầy tớ, bệnh này phán thành bệnh nọ. Cho toa mua thuốc thì thuốc cực đắt và trời ơi đất hỡi! Tốt nhất là đừng bao giờ bệnh để khỏi vô bệnh viện chú em ạ.
Đang trò chuyện như trên bỗng máy tính kêu bíp một cái, màn hình co lại thành một vệt sáng rồi tắt ngúm. Ba Trợn kêu lên: Anh Hai ơi, cái máy bị sao vầy nè?

Hai Ẩu vội xem, lui cui tắt máy, khởi động lại. Màn hình hiện lên mấy dòng chữ rồi lại tắt ngúm. Loay hoay một hồi, không giải quyết được gì, Hai Ẩu lắc đầu:
  • Thua! Chỉ còn một cách giải quyết thôi!
  • Cách gì anh Hai?
  • Đem ngay tới bệnh viện máy tính!
  • Hả !!! Bệnh viện? Ba Trợn kêu lên ba tiếng thảm thiết rồi... lăn đùng ra xỉu. 
___
Hai Ẩu
eChip số 58 - 2006

Bảo hành chu đáo

Máy tính của tôi bị hư!

Vốn là dân có nghề, tôi kiểm tra và biết ngay là nó bị hư mainboard. Chuyện nhỏ! Tôi vẫn còn giữ phiếu bảo hành đây mà, trong phiếu ghi rõ: Bảo hành 3 năm kể từ ngày mua. Tôi nhẩm tính, mới có 2 năm 10 tháng 20 ngày, còn tới 40 ngày nữa mới hết hạn bảo hành. Thế là tôi ôm máy ra nơi bán để bảo hành.

Cửa hàng bán máy tính này quả là lịch sự và nghiêm túc, họ xem xét phiếu bảo hành của tôi, bấm máy rà soát lại cơ sở dữ liệu, rồi hết sức nhã nhặn đồng ý bảo hành. Sau ít phút kiểm tra, họ thông báo cho tôi:
  • Máy hư mainboard rồi anh ạ. Tụi em đồng ý bảo hành cho anh.

Có thế chứ! Ai bảo là người bán máy tính bảo hành không chu đáo? Tôi ngồi nghe tiếp.
  • Nhưng mainboard này đời cũ quá rồi (gần 3 năm rồi còn gì!), tụi em không có mainboard tương tự thay cho anh. Tụi em thay mainoard đời mới hơn cho anh, anh bù khoản chênh lệch giá dùm em.
Cũng hợp lý, điều này cũng có trong các điều khoản bảo hành. Được thôi, bù thêm ít tiền để có mainboard đời mới, xem như nâng cấp máy vậy. Cửa hàng nói tiếp:
  • Mainboard cũ của anh xài CPU 423 chân cắm, còn mainboard mới là socket 775, chipset Intel 945, mới nhất đó anh à. Anh phải bù 80 đô.
Hơi bị nhiều, nhưng biết sao giờ?! Đành chịu vậy.
  • Nhưng mà con CPU cũ của anh đâu có gắn vô cái mainboard này được. Anh phải mua CPU đời mới thôi. Pentium Duo Core nhe anh? Pentium D 915, tụi em tính rẻ anh 150 đô thôi!
Vậy sao? Nhưng biết sao giờ, đành chịu vậy.
  • Còn nữa, RAM cũ mà anh xài là RDRAM, không gắn được với mainboard đời mới. Anh phải thay bằng DDRAM II thôi. 512 MB DDRAM II nhe anh, RAM đang lên giá nhưng tụi em tính hữu nghị 60 đô thôi!
Thế à? Nhưng biết sao giờ, đành chịu vậy!
  • Còn cái đĩa cứng cũ của anh, chỉ có 40 GB ATA thôi, mainboard đời mới hỗ trợ chuẩn SATA anh à. Thay cái 80 GB SATA nhe, em hỗ trợ anh với giá 60 đô!
Ủa? Còn thêm vụ đĩa cứng nữa à? Nhưng biết sao giờ, đành chịu vậy.
  • Bộ nguồn cũ của anh có 250W, đâu có xài lại được. Anh phải thay bộ nguồn mới 450W thôi. 20 đô nhé?
Tôi bối rối quá, thôi thì cứ đồng ý hết! Biết sao giờ, công nghệ tiến bộ nhanh thật!

Tôi không nhớ rõ mọi việc diễn ra như thế nào nữa, chỉ biết sau một hồi đàm phán cái máy tính của tôi đã thay mainboard, CPU, RAM, đĩa cứng , bộ nguồn, case… còn bàn phím và con chuột thì cũ quá, phải thay mới cho tương xứng.

À quên, tôi còn thay cái màn hình 15” CRT cũ kỹ của mình bằng một cái LCD 17” nữa chứ.

Thế là xong, bảo hành thật chu đáo. Tôi chỉ phải bù đâu khoảng 5 – 600 đô gì đó thôi mà! 
___

Hai Ẩu
eChip số 59 - 2006

Người thầy đầu tiên


Bà viện sĩ Antưnai Xulaimanôva về đến làng khi buổi lễ trọng thể khánh thành trường học sắp khai mạc. Mọi người đổ ra đường để nhìn bà, ai cũng muốn bắt tay bà. Có lẽ Antưnai Xulaimanôva cũng không ngờ sẽ được đón tiếp như vậy. Là viện sĩ, Antưnai từng dự nhiều cuộc họp long trọng, và luôn được đón tiếp nồng nhiệt và kính cẩn, nhưng nơi đây, trong ngôi trường làng bình thường này, thái độ niềm nở ân cần của dân làng đã làm bà hết sức bồi hồi cảm động.

Khi buổi lễ đang diễn ra hết sức trang trọng và vui vẻ, một bức điện tín được đưa đến: các học sinh cũ chúc mừng bà con trong làng nhân dịp khánh thành nhà trường mới.

Hiệu trưởng hỏi: Những bức điện này do ông lão đưa thư Đuysen mang về phải không? Bảo ông lão xuống ngựa, mời vào đây.

Nhưng Đuysen đã đi rồi, ông đi phát nốt thư trong làng. Còn viện sĩ Antưnai bỗng giật mình khi nghe đến tên Đuysen, gương mặt bà đầy vẻ ngượng ngùng, rồi ngập chìm trong nỗi ưu tư.

-----

Có lẽ các bạn đã nhận ra đây là trích đoạn trong tác phẩm Người thầy đầu tiên của Aitmatốp. Tôi xin phép được kể thêm một chút: Rất nhiều năm trước, khi Antưnai Xulaimanôva còn là một cô bé mồ côi và ngôi làng Kurkurêu dưới chân núi còn là một ngôi làng nghèo khổ, từ xưa đến nay chưa hề có một lớp học thì có một thanh niên xanh xao về làng với nhiệm vụ mở trường học. Anh là Đuysen, chữ nghĩa trong đầu chẳng có bao nhiêu, nhưng có một lòng quyết tâm đem cái chữ đến cho những đứa trẻ tưởng chẳng bao giờ biết đến trường lớp.
Đuysen đã phải một mình vất vả dựng trường, chống chọi với bao khó khăn, với định kiến của dân làng… Anh phải chống chọi với cả chó sói để đưa trẻ đến trường, chống chọi với bọn hung đồ muốn ép uổng Antưnai.
Rất nhiều năm sau, Antưnai đã lên Matxcơva học thành tài, đã trở thành viện sĩ nổi tiếng, và hôm nay trở về thôn trong sự trọng vọng của mọi người. Còn Đuysen, như ta đã đọc từ đầu, đã thành một ông lão đưa thư cần cù của làng Kurkurêu, thậm chí không có dịp dự lễ khánh thành trường khi Antưnai trở về.
---
Mỗi khi nghĩ đến các Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, tôi lại nghĩ đến người thầy đầu tiên Đuysen. Những hiệp sĩ của chúng ta mỗi người đều làm được một công trình gì đó. Có những công trình thật tầm cỡ, có giá trị cao về mặt học thuật, nhưng đa số đều là những công trình không thật sự có giá trị cao về học thuật. Có thể rất nhiều bạn kỹ sư, tiến sĩ khi xem qua những công trình ấy đều cho rằng nó chẳng có gì đặc sắc, rằng với trình độ của mình bạn có thể làm tốt hơn, hay hơn nhiều. Tôi hoàn toàn tin vào khả năng đó của các bạn ấy. Cũng như tôi hoàn toàn tin rằng có vô số người giỏi hơn anh thầy giáo Đuysen trong truyện của Aitmatốp. Cái cao hơn trong những công trình của hiệp sĩ công nghệ thông tin hay của thầy giáo Đuysen không phải tính học thuật mà là tính NGƯỜI.

Mười năm, hai mươi năm nữa, những học trò hôm nay của thầy Bùng, thầy Huyến, của các sơ, các nhà sư… có người sẽ trở thành những chuyên gia công nghệ thông tin xuất sắc. Những công trình của họ sẽ đạt những giải cao trong những cuộc thi đậm chất trí tuệ như Nhân tài Đất Việt, Trí tuệ Việt Nam. Một số người sẽ trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, sẽ trở thành giám đốc, viện trưởng… Và một số người sẽ quay trở về quê xưa như bà viện sĩ Antưnai Xulaimanôva…
Lúc bấy giờ các hiệp sĩ công nghệ thông tin của chúng ta đã già. Có người vươn lên trình độ cao hơn, nhưng có người vẫn chỉ có trình độ “học trò” của học trò mình ngày xưa. Có hề gì đâu, vì công trình của họ, sản phẩm của họ đem lại cho đời chính là những người học trò xuất sắc ấy.
Lúc bấy giờ có hiệp sĩ công nghệ thông tin của chúng ta còn được nhớ tới, có người đã bị quên lãng theo bụi thời gian. Có hề gì đâu, vì khi họ làm ra những công trình ấy họ không hề nghĩ rằng nhờ nó mà mình được vinh danh, chỉ mong rằng được đóng góp chút gì đó cho đời.
Họ không cần nhắc, nhưng chúng ta thì không được quên. Danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin là một sự trân trọng trước những đóng góp của con người cho xã hội, một sự cảm ơn chân thành trước những tấm lòng.
Xin cảm ơn những hiệp sĩ công nghệ thông tin. Xin cảm ơn những người thầy đầu tiên.
___


Hải Âu
eChip số 61 - 2006

13 con ốc

Cách nay chưa lâu, trên một tờ báo lớn có đăng bài báo tựa đề là “Sự kiện Intel và công nghệ 13 con ốc”. Bài báo gồm 2 ý chính: một là công nghệ lắp ráp máy tính tại Việt Nam chỉ là xiết đủ 13 con ốc, cắm dây vào là xong; hai là các nhà lắp ráp máy tính Việt Nam chỉ biết lệ thuộc vào Intel mà không cần biết là trên đời này còn có nhiều loại CPU khác (chạy tốt hơn nhiều!).


Vốn ẩu lại vô tâm nên Hai Ẩu đọc xong là… quên ngay, thế nhưng hôm rồi ngồi tán dóc với mấy nhà lắp ráp máy tính Việt mới thấy các đại ca ấy nổi giận thực sự. Xin kể lại đây để các bạn nghe chơi.


Điều bực mình thứ nhất của các đại ca là cái vụ 13 con ốc. Không phải vì các anh ấy lắp đến… 14 con ốc, mà nói như thế gần như phủ định toàn bộ công sức chọn lựa linh kiện, tinh chỉnh, thử nghiệm để lắp ráp nên bộ máy tính đạt được chất lượng cao với giá thành hợp lý (vâng, phải kể luôn yếu tố kinh tế nữa chứ không chỉ là yếu tố kỹ thuật). Chưa kể là còn phải xây dựng nên quy trình, đội ngũ bảo trì sửa chữa… tốn rất nhiều công sức.

Điều bực mình thứ hai là cái vụ “Intel”. Các đại ca thừa nhận là hiện nay đa số (chứ không phải là tất cả) máy tính lắp ráp tại Việt Nam đều sử dụng CPU Intel, nhưng đó không phải là lỗi của các anh. Lỗi là ở các nhà sản xuất CPU khác không quan tâm hoặc không đủ sức thâm nhập vào thị trường này. Là nhà sản xuất (cho dù chỉ là lắp ráp), một trong những điều quan tâm hàng đầu là chọn thành phần linh kiện nào để tạo nên sản phẩm của mình. Thành phần ấy phải đảm bảo nhiều yếu tố như chất lượng, độ tin cậy, giá thành v.v… Hiện giờ đó là CPU Intel. Nhưng đâu phải các anh ấy không quan tâm đến những sản phẩm khác trong quá trình sản xuất của mình. Các nhà sản xuất CPU khác cứ đưa ra những sản phẩm tốt hơn, độ tin cậy cao hơn, giá bán tốt hơn, phân phối thuận tiện hơn… là OK thôi.
Nỗi bực dọc ấy kéo dài cho đến khi một đại ca nêu lên vấn đề cực kỳ nhức nhối, khiến cho nỗi bực dọc biến thành lo lắng. Vấn đề ấy là: cứ cho là công nghệ lắp ráp máy tính tại Việt Nam chỉ là “công nghệ 13 con ốc” đi nữa thì hiện nay có một thực tế không phủ nhận được là số máy tính để bàn (desktop PC) lắp ráp tại Việt Nam chiếm đến hơn 90% số máy tính tiêu thụ, còn các máy desktop thương hiệu nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 10%! Đáng hãnh diện quá đi chứ!

Thế nhưng đối với máy tính xách tay (laptop PC) thì có tỷ lệ ngược lại. Chỉ có chưa đến 10% máy laptop trên thị trường được lắp ráp tại Việt Nam, hơn 90% còn lại là các thương hiệu Acer, IBM, Compaq, Toshiba… (hầu hết là Made in China, hic!). Xu thế toàn cầu hiện giờ là số máy tính xách tay ngày càng tăng lên, thay dần cho máy tính để bàn. Cứ cái đà này thì chẳng bao lâu nữa, tỷ lệ máy tính lắp ráp tại Việt Nam (tính chung cho cả laptop và desktop PC) sẽ là một con số bé xíu. Lúc bấy giờ ngay cả đến cái “công nghệ 13 con ốc” cũng chẳng còn để mà… bị chê nữa! Đáng lo quá đi chứ!

Nghe đến đây, Hai Ẩu nhức đầu quá nên… không quan tâm nữa. Không biết cuối cùng các đại ca có tìm được một hướng ra nào chưa!
___
Hai Ẩu
eChip số 63 - 2006

Nỗi lòng Chu Du

Chu Du quá buồn bực, uất ức. “Thiên sinh Du hà thiên sinh... cả trăm cả vạn thằng Gia Cát Lượng?”, để chúng nó giật mất mối làm ăn của Du. Đó là cái vụ tin nhắn. Đầu tiên là World Cup, bóng đá Anh, rồi Champion League, rồi cả V-League nữa. Hừ, chỉ cần nhắn tin dự đoán kết quả trận đấu qua số điện thoại một chín chi chi là bạn sẽ trúng thưởng cái chi chi thật giá trị. Du nhẩm tính, mỗi trận bóng đá như vậy có cỡ trên 50.000 tin nhắn, mỗi tin 3.000 đồng, vậy là sơ sơ có hơn 150 triệu. Bèo nhất cũng lời hơn phân nửa số đó! 80 triệu, thiệt là thèm chảy nước miếng! Mà đâu chỉ vậy, bọn nó còn chế ra đủ thứ dự đoán để dụ nhắn tin: nào là đoán đội bóng ghi bàn sau, đoán tỷ số trận đấu… Hừ ước gì mình nghĩ ra trước để làm trước thì ngon rồi!

Du nghĩ đến chuyện khác. Không đá banh thì mình sẽ tổ chức cho bọn choai choai nhắn tin tải nhạc chuông, tải hình… Chưa kịp làm thì đã có thằng Gia Cát Lượng nào đó phỗng tay trên làm trước mất rồi. Tức quá, Chu Du bèn... thổ huyết!


Thôi thì ta tổ chức nhắn tin dự đoán kết quả các cuộc thi Ngôi sao lấp ló, Tinh tú nhấp nháy vậy. Chu Du quyết kinh doanh bằng phương án này, nhưng không tài nào qua nổi mấy tay Khổng Minh bên đài truyền hình, bọn họ đã dành mất cơ hội.

Du nghĩ đến phương án cho nhắn tin để tư vấn hôn nhân gia đình, để trả lời Thắc mắc biết hỏi ai?, để kể chuyện cười… Thế nhưng Du vừa mở tờ báo ra đã thấy có mấy gã Ngọa Long tiên sinh nào đó quảng cáo dịch vụ này đầy trên báo rồi! Chu Du lại... thổ huyết!

Rồi thì cái quái gì cũng có một sư phụ nào đó nghĩ ra được chiêu thức để nhắn tin trúng thưởng. Từ an toàn giao thông, đến bảo vệ sức khỏe, đố vui… Thậm chí có những cuộc thi dự đoán với câu hỏi “cực khó” kiểu như thế này: Bạn hãy cho biết bộ phim Trung quốc đang chiếu do nước nào sản xuất? a. Trung quốc – b. Việt Nam. Hic, không còn gì cho Du làm nữa, bất cứ cái gì có trên cõi đời này cũng đều được “nhắn tin trúng thưởng” cả rồi.

Chu Du không còn huyết để... thổ nữa, trằn trọc suốt năm canh mong nghĩ ra kế sách. Thế rồi một tia sáng lóe lên trong bộ óc phi thường của Du. Phải rồi, có một “sự vụ” mà ta có thể buộc mọi người phải nhắn tin, nhắn nhiều tin, nhiều người mà cóc cần phải trao giải thưởng cho họ. Lãi to rồi! Du ghi lại ngay để khỏi quên:

Kể từ nay, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, thi đại học, thi học kỳ… đều phải tổ chức thi trắc nghiệm. Bài thi trắc nghiệm được làm bằng cách nhắn tin đáp án (a, b, c, d) qua tổng đài Một Chín Chu Du!

Ha ha, hàng triệu thí sinh, hàng chục môn thi, hàng tá kỳ thi, tha hồ cho Chu Du nhận tiền qua tin nhắn. Đã thế lại còn tiết kiệm chi phí tổ chức kỳ thi, chi phí đi thi cho toàn xã hội nữa chứ. Chu Du giàu to rồi!

Chu Du cẩn thận ghi thêm câu hỏi phụ: Bạn hãy dự đoán có bi nhiêu người tham gia kỳ thi này giống như bạn?

Ghi xong, Du thấy lòng phơi phới, ngủ một giấc ngon lành.

Hoan hô tin nhắn! Tin nhắn bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, bất cứ chuyện gì! 
___

Hai Ẩu
eChip số 65 - 2006

Hàng chính hãng là sao?

Kính gửi anh Hai Ẩu,

Tôi định mua một cái máy in. Đi hỏi giá thì thấy người ta đưa ra bảng giá gồm 2 loại: chính hãngkhông phải chính hãng. Tôi đọc và so sánh rất kỹ, cả hai đều đúng là thương hiệu và model tôi định mua. Thông số kỹ thuật cũng y chang. Chỉ khác là một loại có dòng chữ chính hãng (trên bảng báo giá) còn một loại thì không. Điểm khác nhau thứ hai là loại không phải chính hãng giá rẻ hơn rất nhiều.

Tôi hỏi người bán rằng có phải loại không phải chính hãng là hàng giả, hàng nhái không mà giá lại rẻ thế? Anh ta giãy nẩy lên, cam đoan rằng đó đúng là hàng gin, hàng xịn – do cùng chính hãngsản xuất, rồi lôi ra cho tôi xem hàng cả 2 loại. Quả là y chang như nhau, không khác tí tẹo nào cả. Rõ ràng cả 2 đều do cùng một hãng sản xuất! Tôi ngạc nhiên quá!! Hay là một thứ loại A, một thứ loại B, phế phẩm? Người bán lại giãy nẩy lên, cả quyết rằng cả 2 đều là loại A, trên đời này không có loại B!


Hay là một loại nhập lậu, trốn thuế nên giá rẻ hơn? Lúc này thì người bán nổi quạu, bảo rằng anh ta bán hàng nghiêm túc, hàng này nhập chính ngạch, có hóa đơn tài chính đàng hoàng.

Vậy sao lại phải chia làm 2 loại và 2 giá? Cuối cùng người bán bảo rằng hàng chính hãngthì do đại diện của hãng tại Việt Nam nhập về và được bảo hành bởi trung tâm bảo hành của hãng tại Việt Nam. Tôi hiểu ra, và hỏi lại anh ta: Biết rồi, vậy loại hàng mà các anh không ghi chữ chính hãng sẽ không được bảo hành chứ gì? Anh ta phản đối ngay: Không phải như vậy, chúng tôi vẫn cấp phiếu bảo hành cho anh và công ty chúng tôi sẽ bảo hành rất nghiêm túc. Anh có thể kiểm chứng điều này bằng cách tìm hiểu nơi các khách hàng kỳ cựu của chúng tôi.

Tóm lại, chỉ có 1 chi tiết khác nhau bé tí, là ai sẽ bảo hành mà giá cả khác nhau đến thế. Tôi có tìm hiểu thử nơi những người có kinh nghiệm thì họ cho rằng chưa chắc ai sẽ bảo hành tốt hơn! Qua bảng giá, tôi cũng được biết có nhiều mặt hàng khác như CPU, máy ảnh số, màn hình LCD… cũng có chính sách giá tương tự.

Tôi nghĩ, nếu do chi phí tổ chức bộ máy quản lý và phục vụ kỹ thuật khiến các ông “chính hãng” phải nâng giá hàng hóa của mình lên như vậy thì quả là hơi bị… dở, còn nếu do chính sách giá của các hãng là phải bán giá cao thì quả là hơi bị… ác!

Anh Hai Ẩu giải thích sao về việc này? Và theo ý anh thì nên mua loại hàng nào? Chính hãngđắt tiền hay chính hãng rẻ tiền?

Mong hồi âm.

Hai Ẩu chẳng biết trả lời sao nên đăng nguyên văn thư trên. Bạn nào biết xin giúp dùm nhé. Nhất là các bạn... chính hãng!


Hai ẨueChip số 67 - 2006

Ông già Noel

Túi quà trên vai, ông già Noel háo hức làm nhiệm vụ đem niềm vui đến cho trẻ em và cho tất cả mọi người. Ơ hay, mọi người đâu cả rồi? Chẳng ai mừng rỡ đón ông, thậm chí chẳng ngó ngàng gì đến ông già Noel cả!

Ngơ ngác đi loanh quanh một hồi ông già Noel cũng tìm ra câu trả lời. Té ra mọi người đang bu đen ở những nơi có tấm biển Siêu thị Điện máySiêu giảm giá. Ông già Noel nhăn mặt, nghĩ: Lại có một tay ông già Noel giả mạo nào giật mối của ta sao? Hắn tặng quà gì mà khiến mọi người chê ông già Noel thứ thiệt vậy?

Ông quyết chen vào đám đông để tìm hiểu rõ sự việc. Mọi người hét lên: Tới sau thì ra sau xếp hàng ông già ơi, không được chen ngang!

Ông già Noel phân trần: Tui là ông già Noel mà. Có chuyện gì mà bà con bu đông vậy?


Một người trả lời: Bộ ông mới ở trên trời rơi xuống sao mà không biết gì hết vậy? Mấy bữa nay hàng điện máy đại hạ giá, siêu giảm giá nên người ta đổ xô đi mua đó ông ơi!

Rõ! Mọi người mê mua hàng điện máy siêu giảm giá hơn mê quà của ông già Noel. Ông buồn bã quảy túi quà đi lang thang, chẳng biết tặng ai bây giờ!

Đến góc đường, chợt thấy một gã trung niên, ăn mặc lịch sự đang ngồi buồn xo, mừng quá ông già Noel bước đến hỏi thăm, hy vọng có thể đem niềm vui đến cho anh ta. Anh ta kể lể:
  • Tôi bán máy tính ông ạ. Mấy hôm nay mọi người đổ tiền ra mua hàng điện máy giảm giá, chẳng ai còn tiền để mua máy tính cả. Có những người thực sự muốn mua máy tính thì lại so bì rằng hàng điện máy giảm giá đến 50 – 70%, sao giá máy tính chẳng chịu giảm, và không thèm mua. Kết quả là ế, ông chẳng thấy là không có ai vô đây mua máy tính sao?
Thông cảm và tò mò, ông già Noel ngồi ghé xuống bên cạnh anh ta, an ủi: Không sao anh bạn ạ, sông có khúc người có lúc. Chờ qua đợt khuyến mãi của họ là ta lại bán được, lo gì?

Anh ta giải thích: Chuyện đời đâu đơn giản vậy. Ông cần biết là hàng vi tính thay đổi công nghệ và giảm giá liên tục. Thí dụ như CPU bữa nay là Pentium M, mai là Duo Core, mốt đã là Core 2 Duo… Hàng hóa của tôi đang tồn kho, chỉ cần qua tháng sau là đã lạc hậu, không bán được, có muốn bán thì phải hạ giá. Lỗ trầm trọng!

Ông già Noel tò mò hỏi: Lỗ cỡ bao nhiêu?
  • Tối thiểu phải cỡ 5 – 3 trăm triệu!
Vuốt râu suy nghĩ một hồi, ông già Noel chợt vỗ tay đề xuất một ý kiến:
  • Ta có sáng kiến giúp anh bạn. Anh bạn hãy thay ta tặng quà là một chiếc xe hơi cho người mua máy tính. Một chiếc thôi, giá chừng một vài trăm triệu, và tặng bằng cách rút thăm trúng thưởng. So ra anh vẫn lãi chán so với chuyện lỗ 5 – 3 trăm triệu do giảm giá. Người ta ham quà xe hơi sẽ mua máy tính, anh sẽ không bị ế!
Chẳng biết đề nghị của ông già Noel có được thực hiện không, chỉ biết là ông già Noel vui lắm, vì ít ra thì chính ông cũng không… bị ế! 
____
Hai Ẩu 
eChip số 071 - 2006

Võ lâm ngũ bá

Hồng Thất Công ngồi gặm đùi heo trong một tửu quán nhỏ ven đường, vừa gặm vừa nhớ món đùi gà khoái khẩu nay không còn được xơi tự do nữa, do dịch cúm gà tràn lan. Tiếc đứt ruột! Thế nhưng Hồng lão gia cũng được an ủi phần nào, năm nay Cái bang của ông đã gầy dựng được thanh thế từ Bắc chí Nam. Ông gom đống tiền cắc trong túi để trả tiền cho chủ quán, ngồi ngẫm nghĩ những gì đã đạt được trong năm qua.

Trong túi ông chỉ toàn tiền lẻ và tiền cắc. Biết làm sao được, bang chủ bang ăn mày mà! Cái bang “gom tiền lẻ” từ những dịch vụ chút chút như dịch vụ Internet, phần mềm giá rẻ, máy tính giá bình dân, dịch vụ sửa chữa tận nhà... Được cái là cái bang của ông có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, phục vụ được rất nhiều cho lê dân bá tánh.

Chả bù với gã Tây độc Âu Dương Phong. Ngày nào y luyện đủ thứ võ công tà đạo với cóc nhái rắn rết, giờ đây y chuyên kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng lụi... Thứ hàng hóa nào y cũng có, đắt tiền hay rẻ tiền, cao cấp hay thấp cấp, chỉ có điều hiếm có thứ nào là chính phẩm và đa phần là nhập lậu, bởi thế lợi nhuận rất là siêu. Nghe giang hồ đồn đãi rằng môn võ bí truyền Cáp mô công của y (môn võ công bắt chước con ếch) đã lên tới trình độ thượng thừa, mà ngày nay giang hồ thường gọi là “Bắt cóc bỏ dĩa”, chả có ma nào bắt và xử lý được những hành vi nhập lậu, bán hàng gian, hàng giả của y. Cũng lời đồn trong giang hồ cho biết rằng công việc kinh doanh của Tây độc Âu Dương Phong rất phát đạt.


Còn Nam đế Đoàn hoàng gia Đoàn Trí Hưng thì lại đi theo con đường khác. Chả là lão này là vua mà, cho nên chỉ đủng đỉnh ngồi trên ngai vàng vuốt râu mà cung cấp máy tính cho các dự án lớn hàng tỷ tỷ đồng cho các triều đình. Đã là vua mà lại có võ công thâm hậu thì quả là vô địch võ lâm. Môn Nhất dương chỉ lừng danh của họ Đoàn quả là danh bất hư truyền, chỉ đâu trúng đó. Các hồ sơ gọi thầu chưa kịp gọi thì Đoàn hoàng gia đã biết bỏ thầu bao nhiêu là trúng, bỏ như thế nào là... ngay chóc! Các vương triều rất mãn nguyện với sự phục vụ tận tâm của Nam đế Đoàn hoàng gia. Thế nhưng đây là những chuyện của triều đình, giới giang hồ không biết và cũng không quan tâm cho lắm!

Tại Đào hoa đảo, Đông tà Hoàng Dược sư lại có cách làm riêng của mình. Dị nhân này vốn am tường thiên văn địa lý, am tường các thuật toán âm dương ngũ hành, bát môn kỳ trận... Bằng kiến văn uyên bác của mình ông đã chinh phục quần hùng. Không chỉ cung cấp máy tính cho các doanh nghiệp, ông còn cung cấp cho họ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin. Nghe đâu những kiến thức về âm dương ngũ hành của ông đã được chuyển thành kiến thức lập trình và giới quần hùng ủng hộ ông chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ phải tội Đông tà Hoàng Dược sư có tính ngang tàng lập dị, cũng giống như nhiều lập trình viên hiện giờ có tính hơi bị... cà giựt, cho nên giới giang hồ cũng không biết thế nào cho vừa ý ông, chỉ sợ ông nổi cơn khùng lên không chịu cung cấp tiếp giải pháp thì thật là... đổ nợ! Dù sao đi nữa, dấu ấn của Hoàng Dược sư trong giang hồ cũng thật là rõ nét.

Cuối cùng là Trung thần thông Vương Trùng Dương. Bậc tiền bối này thật là cao nhân ẩn mình. Người ta chỉ biết rằng ông ngồi hoạch định sự bình an cho võ lâm, đề ra các chiến lược phát triển công nghệ thông tin, còn cụ thể ông làm gì, hành tung ra sao thì cho đến giờ này vẫn là một điều bí ẩn.

Xuân này, quần hùng tụ hội về Hoa Sơn để tham dự Hoa sơn luận kiếm, bầu ra minh chủ võ lâm. Đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng, nghe đâu phải nhờ một công ty chuyên làm PR nổi tiếng của nước ngoài đứng ra tổ chức.

Bắc Cái Hồng Thất Công cũng được mời tham dự cuộc Hoa Sơn luận kiếm này. Ông gặm chút thịt cuối cùng trong chiếc đùi heo, nhấp một ngụm rượu trước khi quăng khúc xương đi một cách tiếc nuối. Dự hội thì cũng vui, nhưng đi lang thang khất cái thì hình như... sướng hơn nhiều.

Vác bị lên vai chuẩn bị lên đường, Hồng Thất Công sực nhớ lại Kim Dung tiên sinh đã kể rằng trong kỳ Hoa sơn luận kiếm ấy cũng chẳng đề ra được bố nào làm bá chủ võ lâm. Ừ, mỗi người một vẻ, chẳng ai chịu ai, mà kể ra ai cũng cần cho võ lâm cả.

Thế thì đường ai nấy đi, chuyện ai nấy làm, thân ai nấy lo, việc quái gì phải lên Hoa Sơn để luận kiếm nhỉ?

Nghĩ là làm, bang chủ ăn mày Hồng Thất Công bị trên vai, gậy trên tay tiếp tục lang thang trên con đường hành khất của mình. Ông vừa đi vừa ngêu ngao hát, chẳng biết bài hát của ai, nhưng nghe chừng hơi giống... Lucky Luke:

Tôi là gã ăn mày già đơn độc
Dong ruổi trên đường dài xa quê hương... 


Hai Ẩu
eChip Xuân 2006

Ôi ta buồn ta đi lang thang

 Hắn đi lơn tơn trên đường. Ngơ ngơ, ngáo ngáo. Ôi ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu?

Đang lang thang, hắn thấy một đám đông người đang tụ tập, ngửa mặt lên trời nhìn gì đó. Thấy đông vui là mừng lắm, hắn tấp ngay vô đám đông và cũng ngửa mặt lên trời.

Hắn nhìn mãi, nhìn mãi mà chẳng thấy gì lạ. Chỉ thấy những đám mây, lúc thì thành hình con chó, lúc trông giống con heo, lúc thì trông giống... hắn.

Nhìn đã, hắn quay qua hỏi người bên cạnh: Thấy gì hông đại ca?

Người này vẫn ngước mặt nhìn trời, khẽ đáp: Suỵt, nhìn đi, ngó lên trời đi!

Hắn lại nhìn mãi, nhìn mãi mà cũng chẳng thấy gì. Chỉ thấy những đám mây, lúc thì thành hình con gà, lúc trông giống con vịt, lúc thì trông giống... hắn.


Hồi lâu sau, có lẽ không nhìn thấy gì, đám đông tản dần. Hắn cũng nản, nhưng còn ráng hỏi thăm coi người ta ngó cái gì trên trời vậy.

Chẳng ai biết, hình như là lúc đầu có ai đó chảy máu cam, ngước mặt lên trời cho bớt, rồi mọi người a dua theo thì phải.

Ấy, người ta ngó thì mình cũng phải ngó chứ!



Bỏ đám đông, hắn lại lang thang.

Hắn đi lơn tơn trên đường. Ngơ ngơ, ngáo ngáo. Ôi ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu?

Hắn lại thấy một đám người bu đen bu đỏ quanh một cửa hàng điện máy, hình như mua cái gì đó. Thấy đông vui là phấn khởi, hắn tấp vô ngay đám đông và cũng chen chúc để mua, dù thực sự cũng chưa biết mọi người mua cái gì!

Cuối cùng hắn cũng mua được cái mà mọi người đang chen chúc để mua. Một cái máy chi đó giá chưa tới 2 triệu đồng.

Có lẽ nhìn mặt hắn quá hớn hở và "ấn tượng", một phóng viên đứng ngoài đám đông vội bước tới phỏng vấn: Thưa anh, xin anh cho biết cảm xúc của mình khi mua được chiếc máy này?

Hắn cười khoái trá: Quá sướng! Người ta mua được thì mình cũng mua được.

Phóng viên hỏi tiếp: Xin anh cho biết từ kênh thông tin nào anh biết được về sản phẩm và đợt bán hàng này? Từ báo chí, từ người quen hay từ quảng cáo của cửa hàng?

Hắn ngơ ngác một chút rồi trả lời: Kênh nào à? Đang đi thấy người ta bu đông thì tấp vô thôi chứ kênh nào?

Hơi thất vọng với câu trả lời của hắn, nhưng phóng viên vẫn hỏi tiếp: Theo anh, với những tính năng của chiếc máy tính bảng này thì nó sẽ đáp ứng được nhu cầu của anh như thế nào?

Hắn trả lời gọn lỏn: Làm sao tui biết được! Bi giờ nghe anh nói tui mới biết nó là cái máy tính bảng đó. Máy tính bảng mà chưa tới 2 triệu hả chời! Thấy người ta bu đông để mua thì chắc là hay, mình mua theo thôi. Mà nè, sao anh tò mò quá vậy?

...

Thế đó, ở đâu đông thì ta đến, ai làm gì ta làm theo. Phương châm của hắn là như vậy mà! 

Hai Ẩu
eChip số 343 - 10/8/12

Hậu duệ của Trạng Quỳnh


1.

Chuyện ngày xưa Trạng Quỳnh đi đò ngang lâu ngày không trả tiền đò. Anh lái đó đòi nợ thì Quỳnh bảo:
  • Đợi đấy, ngày mai ta trả!
Rồi mua tre, nứa, lá làm một cái bè ở giữa sông. Xong phao lên rằng trong ấy yết thơ Trạng.

Người ta nghe nói có thơ Trạng, ùn ùn đi đò ra bè để xem. Người xem xong quay về, được hỏi: Có gì ngoài đó? Thì chỉ trả lời cộc lốc: Ra xem thì biết! chứ chẳng chịu nói mình đã đọc thấy gì. Cứ thế người ta càng tò mò, hết lượt này đến lượt khác đón đò đi xem. Anh lái đò được bữa đưa đò mỏi cả tay.


Chiều tối, Quỳnh lững thững ra, bảo anh lái đò: Hôm nay chú được mối đò đắt đấy nhé, xem như ta trả nợ tiền đò cho chú rồi. Anh lái đò cảm ơn rối rít và hỏi Quỳnh có gì trên bè mà người ta tranh nhau đi xem vậy. Quỳnh bảo: Ra xem thì biết!

Anh lái đò tò mò lên bè xem thử. Hóa ra trên ấy chỉ có một câu như thế này thôi:

Tiên sứ đứa nào xem xong kể lại!

2.

Có anh chàng làm web, biết cái mánh ấy của Trạng Quỳnh, bèn đến vấn kế. Trạng Quỳnh nói:
  • Mỗi thời mỗi khác. Đâu thể làm giống như ngày xưa!
Chàng ta cho biết trang web của mình giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin, mức độ thu hút khách hàng ít quá, chàng muốn tăng số lượng page view lên, giống như ngày xưa Trạng Quỳnh đã giúp anh lái đò đưa được thật nhiều khách sang sông.

Trạng Quỳnh phân tích:
  • Trang web nói về công nghệ thông tin thường khô cứng, nên chẳng thu hút được người xem là phải rồi. Anh phải là cho nó mượt mà mát mẻ hơn. Thí dụ: anh biết tờ eChip không? Nó là tờ báo về IT, mà tuần nào ảnh bìa cũng in hình các em gái xinh như mộng ấy. Có người đẹp mới có người đọc.
Rồi Trạng Quỳnh hướng dẫn anh ta cách đặt tít phải thật “nóng bỏng”, thí dụ: giới thiệu một sản phẩm mới ra lò thì giật tít là: Một ẻm mới lộ hàng cực hot! Ngoài ra, trong tít nên có càng nhiều những từ: khêu gợi, nóng bỏng, sexy, quyến rũ... càng tốt. Có càng nhiều người đẹp hở trước hở sau, hở trên hở dưới càng tốt, người ta liếc qua thấy người đẹp là dừng lại đọc ngay. Đừng quan tâm là người đẹp sexy có liên quan gì đến sản phẩm công nghệ hay không, cứ sexy là được!

Trạng Quỳnh lẩm bẩm: Chả cần phải có câu: Tiên sứ đứa nào xem xong kể lại!, vì đọc xong là thấy khoái rồi, tha hồ cho chúng bay vào xem.

3.

Có một gã theo dõi việc làm của Trạng Quỳnh. Hắn nghĩ: Cỡ Trạng Quỳnh mà còn chơi cái trò câu viêu rẻ tiền này sao? Ta phải nghĩ ra chiêu khác hay hơn mới được.

Gã mở một cái chợ trên mạng. Mời mọi người đăng ký gian hàng.

Thời buổi này trang web nhiều hơn sao trên trời, mấy ai thèm đăng ký trên cái chợ của hắn.

Hắn câu khách bằng cách chiêu dụ: Mua một gian hàng (ảo) giá 5 triệu sẽ có cơ hội bán và hưởng huê hồng cho các khách hàng khác. Mua càng nhiều, huê hồng khi bán gian hàng ảo cho người khác càng cao.

Thế là các bà bán rau, anh đạp xe ba-gác, chị bán xôi... hớn hở mua gian hàng để bán xôi, bán rau,.. qua mạng, và để kiếm lời khi dụ được người khác mua gian hàng ảo của mình. Người người, nhà nhà sa vô cái vòng xoáy vô tận này. Ai cũng nhủ thầm: Tiên sứ đứa nào mua xong không bán tiếp!

Hắn đang thu tiền ầm ầm, cho dù chả có cái chợ ảo nào của hắn có khách. Bạn thấy chiêu của hắn đâu kém chi Trạng Quỳnh chứ? 

Hai Ẩu
eChip số 342 - 3/8/2012

Kỹ năng mềm trên không gian ảo


Hai Ẩu ngồi cặm cụi đọc hết trang web này đến trang web khác, xong lại lui cui vô Facebook xem hết chỗ này đến chỗ nọ.

Một lúc sau, Hai Ẩu reo lên: Tìm ra rồi! Và Hai Ẩu gọi ngay cho Ba Trợn đến để thông báo phát kiến tuyệt vời của mình.

Hai Ẩu nói:
  • Chú em coi nè, thằng này nó đứng, ngồi trên đầu cụ rùa ở Văn miếu Quốc tử giám, rồi còn chụp hình đưa lên Facebook nữa!
  • Em biết vụ này. Thằng này bị dân tình lên án quá chừng. Mọi người còn đang đòi tìm ra nó để... làm thịt đó.

Hai Ẩu lại tiếp tục nói:
  • Còn cái vụ đối xử dã man và giết chết con voọc và chụp hình khoe lên Facebook nữa nè!
  • Vụ này trầm trọng hơn nhiều. Đương sự làm chuyện phản cảm này đã bị cơ quan chức năng triệu tập để làm rõ vụ việc. Có khả năng bị tù đó!
Được Ba Trợn hưởng ứng nhiệt tình, Hai Ẩu khoan khoái nói tiếp:
  • Còn vô số vụ việc khác, như vụ thằng Kẹo mút chơi bời gây tai nạn cho người già rồi còn tuyên bố lếu láo vô cảm trên mạng, vụ mấy em fan ca sĩ Hàn chửi thầy cô, ba mẹ vì lỡ nói động đến thần tượng của các cô cậu... Cho nên anh Hai quyết định mình phải mở lớp dạy, bảo đảm sẽ ăn khách như tôm tươi!
  • Ủa, anh Hai dạy cái gì?
Hai Ẩu tự hào giải đáp:
  • Lớp dạy cách ứng xử trên mạng! Hiện giờ các lớp kỹ năng mềm, dạy người ta cách ứng xử ngoài đời đang được mở ra rất nhiều và rất đông người theo học. Còn ứng xử trên mạng như thế nào cho có văn hóa, cho mọi người tán thành và không ném đá thì chưa có ai dạy cả. Bởi vậy mới thường xuyên xảy ra những chuyện đáng tiếc như đã kể ở trên. Tóm lại là anh sẽ mở lớp dạy kỹ năng mềm trên không gian ảo. Chú em học chứ?
Ba Trợn ngồi nghe, chẳng nói gì, chỉ cười hì hì. Hai Ẩu bực mình, nạt:
  • Mắc gì mà chú mày cười hì hì vậy chớ? Bộ chẳng thấy sáng kiến của anh đây là tuyệt vời sao?
Ba Trợn trả lời:
  • Sáng kiến của anh đúng là tốt, công việc đó đúng là rất cần thiết cho xã hội. Tuy nhiên chắc chả ai thèm đi học đâu, mấy cái đứa mà ứng xử tệ như nêu trên lại càng không học. Riêng anh Hai, em nghĩ rằng chính anh Hai mới là người cần đi học đó!
Hai Ẩu giận đỏ bừng mặt, hỏi lại:
  • Cái gì? Chú mày nói anh đây phải đi học à? Học cái gì?
  • Anh Hai phải học lớp Cách tạo chiêu trò để làm scandal, để câu view trên mạng. Anh Hai tưởng những trò gây scandal trên mạng là vô tình sao? Chỉ một số ít thôi, còn hầu hết đều là cố tình để gây sự chú ý đó mà. Anh bị lừa rồi! Sao anh già đầu rồi mà còn khờ vậy? 
Hai Ẩu
eChip số 341 - 27/7/12

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với dòng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ thế hệ thứ 8

Hãy sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game, VR và giải trí ở bất kỳ đâu với máy tính được trang bị dòng bộ xử lý In...