Tuesday, February 15, 2011

Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ?


Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông bạn già...

Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cuối năm là Văn Tí tìm về quê thăm ông bạn già Văn Tèo. Đôi bạn già ngày nay là đôi bạn nhỏ ngày xưa ở trường phổ thông. Lần nào cũng vậy, cả hai lại rủ nhau ra quán cà phê quen thuộc ngày xưa ở một góc của cái thị trấn đìu hiu này để hàn huyên tâm sự.

Khi những người bạn cũ lâu ngày gặp lại thì họ sẽ nói với nhau những chuyện gì? Đầu tiên là những chuyện tin tức thời sự các  nơi, xe cán chó, chó cán xe. Rồi hỏi thăm những người bạn chung đã bao năm xa cách. Kế đến sẽ là hỏi thăm những chuyển biến ở vùng đất quê hương sau bao ngày gặp lại...

Văn Tèo bắt chuyện trước:
  • Nghe nói ở đâu đó có bà bảo mẫu tắm trẻ con hung dữ lắm, bị công an bắt rồi. Chà, nghĩ mà lo cho mấy đứa nhỏ giờ này, con cái hổng biết gởi ở đâu cho an toàn.

Văn Tí cầm cái smart phone, mở đoạn video clip bà bảo mẫu tắm trẻ con bằng cách đạp đít và tạt nước vô mặt trên YouTube cho Văn Tèo coi. Rồi cho coi luôn những lời bình luận, phản ứng của cộng đồng mạng. 

Văn Tèo ngỡ ngàng quá, điện thoại thì Văn Tèo cũng có, thậm chí có cả cái điện thoại có hình như Văn Tí, nhưng ông chỉ biết gọi và nhắn tin, chứ không hề biết coi video clip và coi lời bình của “quần chúng” như Văn Tí. Ông hơi cụt hứng vì bạn biết nhiều quá, nhưng vẫn nói thêm:
  • Không biết vụ đó có xử chưa nhỉ? Chắc cũng phải giam mấy năm mới xứng tội.
Văn Tí vừa truy cập thông tin trên máy cho Văn Tèo coi, vừa trả lời:
  • Xử rồi, tòa xử 2 năm tù. Nhìn bả khóc thấy cũng tội, nhưng mà phải xử vậy mới đúng. Ông coi hình trên máy nè.
Vậy là chuyện thời sự thì cái gì Văn Tí cũng biết, chỉ nhờ cái smart phone! Văn Tèo chuyển qua chuyện bạn bè cũ:
  • Thằng Cu Tửng nó đi Mỹ mấy năm nay không có tin tức gì. Không biết giờ nó ra sao rồi ha?

  • Cu Tửng á? Tui mới nói chuyện với nó hôm qua.  Giờ nó ở bên Cali, mới mua cái xe hơi đó ông. 

  • Ủa, làm sao liên lạc được với nó? Có số điện thoại và gọi qua à?
Văn Tí cười, lại chỉ vô cái điện thoại và nói:
  • Đâu có, tui tìm ra nó trên Facebook. Chẳng những tìm ra Cu Tửng mà còn tìm ra nhiều lắm,  Cu Lớn, Cu Con... nữa. Ông vô Facebook là tìm ra tụi nó ngay thôi mà, rồi trò chuyện mỗi ngày. Ngày nào tụi nó làm gì tui chẳng biết!
Chợt thấy bạn buồn thiu vì cái gì mình cũng biết, bạn chẳng biết nói gì, Văn Tí bèn chuyển hệ, nói chuyện địa phương. Văn Tèo là thổ địa ở đây, vì vậy hỏi chuyện quê nhà chắc chắn ông sẽ có nhiều điều để kể. Văn Tí nhìn con đường ở trước quán cà phê, đường mới mở rộng thật khang trang. Ông gợi chuyện:
  • Lúc này quê mình đường xá mở rộng, to đẹp quá ông hả. Con đường này bây giờ tên là đường gì vậy ông?
Văn Tèo giật mình, ông sống ở thị trấn này đã mấy chục năm, con đường này ông đã đi lại mấy ngàn lần, nhưng... Như bao nhiêu người dân ở vùng quê này, người ta xác định vị trí không phải bằng tên đường, mà là bằng những điểm mốc nào đó. Thí dụ khúc đường này được xác định là đường quán cà phê ông Tám, đường phía trên kia là đường Nhà thương, phía dưới là đường Nhà máy Nước, góc bên phải là góc Hủ tiếu bà Mười... Ở đây, chỉ cần nói như vậy là người ta biết ở chỗ nào ngay, chứ... đâu cần biết tên đường! Thêm nữa, con đường này mới nâng cấp, thị trấn đặt tên đường mới. Họ có bảng tên đường ở đầu đường, nhưng ông đâu thèm để ý.

Thấy Văn Tèo lúng túng, Văn Tí lại mở điện thoại. Điện thoại của Văn Tí có định vị vệ tinh, nó xác định được ngay vị trí mà Văn Tí đang ngồi và thể hiện trên bản đồ. Văn Tí phóng to bản đồ để nhìn tên đường và nói với Văn Tèo:
  • Đây là đường Trịnh Hoài Đức ông ạ!
Văn Tèo trố mắt nhìn. Cái điện thoại quái quỷ này là gì mà cái gì nó cũng biết! Bạn bè ông nó cũng biết, đường xá quê ông, ông không biết tên gì mà nó cũng biết.

Tự nhiên Văn Tèo thấy buồn thỉu buồn thiu. Ông có cảm giác mình là một người lạc loài xa lạ. Một người cũ kỹ. Bất giác ông ngâm lên 2 câu thơ của Vũ Đình Liên:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.

Văn Tí cười nhẹ. Bạn bè cũ của ông, quê cũ của ông ở đâu? Ở trong cái điện thoại này chứ ở đâu! Ông cũng khe khẽ ngâm:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đây bây giờ.
______________
Siêu thị Số - số 70, tháng 1/2011

Giang hồ, ta chỉ giang hồ… phẳng

Giang hồ, ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

Nhà thơ Phạm Hữu Quang đã viết như thế trong bài thơ Giang hồ.

Tui cũng máu mê giang hồ, nhưng e là thuộc loại “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt” và 

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng


May thay, ở thời buổi thế giới phẳng này ta có thể ngồi một chỗ mà du lịch lang thang qua mạng. Cảm ơn các bạn trẻ, các bạn già, các tổ chức, các cá nhân… đã post lên mạng vô số thông tin du lịch. Tui sẽ kể chuyện mình giang hồ trên mạng cho các bạn nghe nhé!

Bạn muốn tham quan một điểm du lịch nào thì có 2 cách. Một là lên Google search tên địa điểm đó. Hai là vô một trang web chuyên đề du lịch để đến xem những thông tin về nơi đấy.

Vì chưa xác định được mình sẽ du lịch ở đâu, nên tui chọn cách thứ hai, là vô một trang web du lịch và tìm xem địa điểm nào đáng để tham quan.


Tui đã tìm ra rồi! Đó là khu du lịch Bửu Long ở Biên Hòa, Đồng Nai. Thật là một thắng cảnh tuyệt vời. Các bạn hãy thử đọc những lời giới thiệu trên mạng sau đây, quả là say mê đắm đuối:

Có thể nói hồ Long Ẩn là một bức tranh thu nhỏ của Hạ Long. Vô số vách đá soi bóng trên mặt nước xanh tạo cho hồ vẻ đẹp hấp dẫn trong một cảnh sắc thiên nhiên mỹ lệ: núi cao, hồ rộng, hài hoà với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại.

Mà đâu chỉ có lời văn, có cả những ảnh chụp thật là lung linh tuyệt vời!

Tìm ra địa điểm Bửu Long rồi, tui quay lại cách thứ nhất: dùng Google để tìm thêm thông tin về khu du lịch Bửu Long, nhiều nguồn tư liệu thì càng phong phú và khách quan mà.

Wow! Sau 0,33 sec tìm kiếm, Google cho ra 248.000 kết quả với cụm từ “Khu du lịch Bửu Long”. Tui rất phấn khởi, click vào từng kết quả để đọc. Thấy dzậy mà hổng phải dzậy, tui coi đi coi lại thì trong cả trăm ngàn kết quả đó thật ra chỉ có chừng 5 – 7 bài khác nhau mà thôi. Còn lại thì là trang này copy của trang kia, trang kia xào thông tin của trang nọ, trang nọ lại chôm chỉa nội dung của trang này. Và cả 5 – 7 bài ấy tựu trung lại có thể tóm tắt thành một câu như vầy: Bửu Long là một thắng cảnh thiên nhiên được ví như Hạ Long thu nhỏ, cảnh quan kỳ vĩ làm mê đắm lòng người.

Tui đọc xong mà băn khoăn quá. Tại sao băn khoăn? À, tui quên nói với các bạn là nhà tui ở cách Bửu Long có mấy trăm met, tui đi qua lại đó không biết bao nhiêu lần mà không thèm vô, vì… nó chán quá! Bởi vậy tui băn khoăn tự hỏi không biết tui đúng hay những website kia nói đúng? Hay là nói dzậy mà hổng phải dzậy?

Để chắc ăn, tui tìm thông tin qua trang web của Lonely Planet (trang web du lịch nổi tiếng thế giới). Và đây là thông tin về Bửu Long từ Lonely Planet (do tui dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, bảo đảm không dịch ăn gian):

Được nhắc đến trong nhiều sách du lịch như một vịnh Hạ Long của phương Nam, nhưng bạn sẽ té ghế ngay nếu nghĩ núi Bửu Long là một kỳ quan. Thiệt tình núi Bửu Long coi giống một ngọn đồi nhỏ và chả có cái quái gì ra vẻ vịnh Hạ Long cả, nhưng cũng là một chốn thanh bình để bạn thoát ra khỏi cái TP HCM náo nhiệt.

Đỉnh núi cao 60 met (
dzậy mà cũng kêu là núi, mắc cười quá), nhìn xuống là.. bãi đậu xe và vài con đường đi bộ. Trên đỉnh núi là chùa Bửu Phong, được khởi dựng từ thế kỷ 17, từ đó bạn có thể nhìn thấy hồ Long Ẩn. Có vài khung cảnh làng quê xinh đẹp, ngắm mấy con chim, và những nông trại trãi dài theo dòng sông Đồng Nai...

Hình như mấy ông Tây tuy ở xa mà viết về Bửu Long của tui đúng hơn mấy ông Việt ở gần à nha. Dù sao cũng là dịp tui lang thang trên thế giới phẳng để tham quan cái chỗ ở gần nhà mình.

Đi du lịch, bên cạnh điểm tham quan còn có việc di chuyển. Về việc này Internet còn tỏ ra ác chiến hơn nữa với những chương trình tìm đường đi trên mạng. Chỉ cần xác định điểm đi và điểm đến, ta sẽ được chỉ cặn kẽ đi đường nào, bao xa, quẹo trái hay quẹo phải, qua cầu gì…

Tui khoái cái món này, và thử tài phần mềm tìm đường đi bằng cách cho điểm đi là Năm Căn (Cà Mau) và điểm đến là thành phố Lạng Sơn. Phần mềm chạy rẹt rẹt và cho ra ngay kết quả là 2.097,1 km với lộ trình chi tiết qua hơn 400 đường, cầu, khúc quanh khác nhau. Tuyệt vời!

Tui thử hàng loạt điểm đi và điểm đến khác nhau, phần mềm chạy ngọt xớt. Thật là tiện dụng và hữu ích!

Hứng chí, tui cho điểm đi là thành phố Hồ Chí Minh và điểm đến là… đảo Phú Quốc. Phần mềm chạy hoài, chạy hoài… mà vẫn không tìm ra đường đi. Ủa, sao kỳ vậy ta?

Du lịch ảo riết cũng chán. Tui quyết đi giang hồ thiệt. Vì sợ “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” nên tui chọn điểm du lịch là điểm thiệt gần, là Mỹ Tho (Tiền Giang).

Chương trình tìm đường đi trên mạng hữu ích thiệt, nhưng đó là mình đi bằng phương tiện vận chuyển riêng. Còn tui, tui đi xe đò, nên xe nó chạy đường nào… thây kệ cha nó!

Đi bằng gì, khởi hành ở đâu, lúc nào, cự ly bao xa, thời gian di chuyển, giá tiền – đó là những thông tin cần biết. Chuyện nhỏ! Có cái gì mà không tìm được trên Internet chớ?

Bất ngờ thay! Không hề có thông tin nào cho tuyến đường Sài Gòn – Mỹ Tho! Tui vô các trang web của Mai Linh, Phương Trang… và một số hãng vận chuyển hành khách khác để xem, các tuyến đường xa xa như Sài Gòn – Cần Thơ, Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Pleiku… đều có lịch chạy, giá vé, thời gian và cự ly. Còn Sài Gòn – Mỹ Tho thì vô phương tìm ra thông tin dù đã dùng Google cày nát mạng Internet.

Tui chỉ đọc được thông tin như thế này: Với sự ra đời của đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, thời gian đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho chỉ còn 35 phút. Vậy là biết thời gian đi 35 phút, còn những thông tin khác thì bí. Tui nghĩ, chắc tại tuyến đường gần quá nên mấy hãng xe tốc hành hổng thèm chạy, và vì hổng thèm chạy nên cũng chả buồn đưa thông tin lên mạng.

Khi Internet thua, tui vẫn… chưa thua. Tui gọi điện cho thằng bạn để hỏi thăm:
  • Đi Mỹ Tho bằng cách nào vậy? Đón xe ở đâu? Khó lắm không? Bao nhiêu tiền một vé? 

  • Ra Bến xe Miền Tây chớ đâu! Xe đầy ngoài đó, chạy suốt ngày, 24.000 đ một vé.
Ra là vậy, dễ vậy mà mình tốn công tìm trên mạng cả buổi. Để chứng minh mình cũng hiểu biết và công lao tìm kiếm trên mạng không đến nỗi vô ích, tui nói:
  • Đi mất 35 phút thôi phải không?
  • Thằng khùng nào nói ông vậy? Đi gần 2 tiếng, chưa kể đi xe bus từ Sài Gòn ra Bến xe Miền Tây cỡ 40 phút, vị chi là gần 3 tiếng đồng hồ ông ơi!
  • Vậy sao? Vậy ra Internet nói sai sao?

Giải quyết xong chuyện di chuyển là chuyện ăn ở. Chuyện này cũng cực kỳ đơn giản trên thế giới phẳng. Tui chỉ việc lên mạng tìm ra những khách sạn, nhà trọ ở Mỹ Tho và gọi điện đặt chỗ là xong. Những trang chuyên đề du lịch cung cấp thông tin này rất rõ ràng, chi tiết.

Nói chung là những khách sạn sang trọng, bự tổ chảng thì thông tin rất ư đầy đủ, thậm chí họ có trang web riêng nữa. Thế nhưng nếu thông tin đủ thì e rằng tiền mình không đủ để trả tiền phòng, vì thế tui tìm những khách sạn con con thôi.

Chọn khách sạn xong, tui gọi điện để hỏi giá cả và đặt phòng. Quái quỷ, trong điện thoại vang lên câu: Số điện thoại này không có thật! Tui gọi thử vài số khác, cũng y chang điệp khúc như vậy.

Bực mình, tui qua một website khác để tìm tiếp. Đến lúc ấy, tui mới phát hiện rằng số điện thoại ở Mỹ Tho gồm có 10 số (kể cả mã vùng), còn ở trang web lúc nãy có 9 số thôi. Hic, người ta đã thêm số 3 vô từ đời nào mà nó hông thèm cập nhật.

Lần này tui gọi thì có người bốc máy. Mừng quá, tui hỏi:
  • A lô, phải khách sạn ZZZ không? Tui muốn đặt phòng.
  • Dạ phải, nhưng khách sạn đóng cửa rồi anh ơi!
  • Vậy sao? Chừng nào mở cửa lại?
  • Đóng cửa là dẹp tiệm rồi á, không có mở cửa nữa. Bi giờ đây là nhà hàng, anh ơi!
Bó tay!
Vậy là tui quyết định ở nhà, không đi giang hồ thiệt nữa, chỉ giang hồ trên thế giới ảo thôi (cho dù nhiều khi nó… ảo hơi quá đáng!)

Tui ngồi trên máy tính, ngâm nga:

Giang hồ, ta chỉ giang hồ… phẳng
Lên web lang thang, khỏi nhớ nhà

Mộ Dung Phục – người mang chí lớn

Giang hồ có câu “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”. Ấy là nói Bắc có bang chủ Cái bang Kiều Phong lừng danh thiên hạ với Hàng long thập bát chưởng, còn Nam có Mộ Dung Phục, dòng dõi Mộ Dung Cô Tô với tuyệt kỹ Gậy ông đập lưng ông danh chấn võ lâm. Đó là những tay cao thủ được giang hồ kính nể.

Ta hãy nói qua về Mộ Dung Phục và tuyệt kỹ Gậy ông đập lưng ông của chàng. Mộ Dung Phục vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc Tiên Tỵ, nước Đại Yên, lưu lạc về Cô Tô, Giang Nam, tuổi trẻ tài cao và luôn mang trong lòng “chí lớn”. Còn tuyệt kỹ Gậy ông đập lưng ông của chàng là chuyên dùng chính môn võ công của đối thủ để hạ gục đối thủ. Nếu đối phương dùng kỹ thuật cao cường nào để xâm nhập máy tính, lây lan virus thì chàng đều tìm được cách khắc chế, dùng chính cơ chế lây lan ấy để diệt trừ virus. Thời bây giờ người ta gọi chàng là Dũng sĩ diệt virus.

Cỡ tôi và bạn mà được tung hô Bắc Kiều Phong – Nam Mộ Dung như vậy là đã sướng tê cả người rồi. Nổi tiếng nhờ bản lĩnh thực sự, chứ không phải vì tạo xì-căng-đan như... lộ hàng hoặc ghi âm lén. Nhưng không, đối với một bậc anh tài như Mộ Dung Phục thì nhiêu đó vẫn chưa đủ. Danh xưng kia chỉ là trong chốn võ lâm Trung nguyên, chàng còn muốn tên tuổi mình được vang lừng bốn biển nữa kia.


Ngày nọ, cơ hội của chàng đã đến. Công chúa Tây Hạ mở hội kén chọn phò mã. Tiêu chuẩn kén chọn là người dự tuyển không phải ông già, không phải con nít, và dĩ nhiên là không phải phụ nữ. Tiêu chuẩn cộng thêm là có môn công phu tuyệt kỹ nào đó càng hay. Mộ Dung Phục tin chắc rằng với tuyệt kỹ Diệt virus (tức Gậy ông đập lưng ông) của mình, chàng sẽ lọt vào mắt xanh của công chúa Tây Hạ, sẽ thành phò mã, rồi một ngày nào đó có thể thành hoàng đế nước Tây Hạ chăng?

Các bạn đã đọc hoặc xem phim Thiên Long Bát Bộ, đều biết rằng cùng với Mộ Dung Phục, hầu hết các tay cao thủ võ lâm đều có đến tham dự hội kén chọn phò mã này, như Kiều Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự... Và cuối cùng gã thầy chùa Hư Trúc đã mèo mù vớt cá rán lấy được công chúa, còn Mộ Dung công tử của chúng ta đã cùng những người khác khăn gói trở về.

Về đến Trung nguyên, Mộ Dung Phục sai bọn đệ tử tung hê lên rằng Mộ Dung công tử đã được bình chọn vào Top 10 Dũng sĩ Diệt Virus lừng danh nhất thiên hạ - bởi ban giám khảo của cuộc xét tuyển phò mã Tây Hạ. Quần hùng có người ngờ ngợ, hỏi chàng rằng: Nghe nói phò mã là Hư Trúc chứ đâu phải Mộ Dung? Mộ Dung Phục ngạo nghễ trả lời: Lời ta nói chẳng sai. Có hảo hán giang hồ chứng kiến ta đã... vào vòng phỏng vấn của công chúa, thế chẳng phải top 10 thì là gì ?

Chuyện này rồi cũng qua, dù rằng quần hùng không tâm phục khẩu phục, bởi vì mọi người đều cho rằng Mộ Dung Phục nói sao mặc kệ, chuyện này không ảnh hưởng đến... hòa bình thế giới!

Giang hồ hiểm ác, ngoài Trời lại có Trời. Ngày nọ, tuyệt kỹ Gậy ông đập lưng ông của Mộ Dung Phục dính phải tuyệt chiêu Gậy ông đập lưng ông đau như trời giáng. Có mấy chú virus chui vô phần mềm diệt virus của chàng, chúng nhởn nhơ chơi đùa, nghêu ngao ca hát trong đó. Có kẻ dùng phần mềm quét virus khác phát hiện mấy chú em virus đang nghịch ngợm trong Top 10 Dũng sĩ Diệt Virus của chàng. Chúng bèn tung hình ảnh đó lên mạng và bình luận rất là... vui nhộn!

Mộ Dung Phục vốn là người có hoài bão cao, chí lớn ngút ngàn, quyết không thèm để ý đến những lời thị phi ấy. Chàng cho rằng ấy là bọn nhỏ nhen ganh tị với tài năng và sự nổi tiếng của chàng, còn bản thân Mộ Dung công tử vẫn tự thấy rằng mình là thiên hạ vô địch!

Đoạn cuối Thiên Long Bát Bộ kể về Mộ Dung Phục như sau: Sau khi bị Kiều Phong đánh ê mặt trên Thiếu Lâm tự, bị Đoàn Dự đánh chạy mất dép tại Mạn Đà Sơn trang, Mộ Dung Phục đã đầu đội lá mít kết thành vương miện, phát kẹo cho trẻ con mà ngỡ mình là thiên tử đang ban phúc cho thần dân. Còn Mộ Dung công tử của chúng ta? Dù sao chăng nữa chàng vẫn là ánh hào quang chói ngời thiên hạ - ít nhất là trong cặp mắt của chính chàng!
___________
eChip số 270 - ngày 21/1/2011

Bạn sẽ phải ngạc nhiên với dòng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ thế hệ thứ 8

Hãy sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game, VR và giải trí ở bất kỳ đâu với máy tính được trang bị dòng bộ xử lý In...