Thế là Google Translate có thêm phần tiếng Việt. Giờ đây bạn có thể nhờ công cụ này dịch từ Việt sang Anh, Anh sang Việt, dịch cả đoạn văn, thậm chí cả trang web.
Hiệu quả dịch ra sao? Nhanh ác chiến và… dzui ác chiến! Dzui như thế nào thì nhiều bài đã viết, tôi không kể lại đâu. Bạn hãy tự mình khám phá đi nhé. Hãy thử một lần xem sao, bạn sẽ… thấy tếu ngay mà!
Viết chương trình dịch từ Việt sang Anh là cả một sự vật lộn, nhiều thứ rắc rối lắm. Xin kể nghe chơi một thí dụ.
Bất kỳ ai dùng hệ soạn thảo văn bản trên máy tính đều biết một khái niệm là Từ (Word). Định nghĩa thuần túy IT thì: Từ là một chuỗi ký tự liền nhau mà ở giữa nó không có dấu phân cách. Có nghĩa là chương trình máy tính xác định đâu là một từ bằng cách bóc lần lượt các ký tự liên tiếp nhau, cho đến khi gặp dấu cách thì ra được một từ. Như vậy, từ trong thuật ngữ tin học giống như từ trong ngữ văn tiếng Anh.
Thế nhưng trong tiếng Việt thì lại khác. Lấy thí dụ, từ Hiệu quả. Theo định nghĩa từ trong tin học thì hiệu là một từ, quả là một từ. Vậy mà không phải, "hiệu quả" mới làm thành một từ: một từ gồm 2 âm tiết (là hiệu và quả). Xác định đến đâu là một từ là cả một vấn đề.
Thí dụ thế này:
Nhà (nếu hiểu là 1 từ) sẽ được dịch thành House, home
Nhưng nếu ngay sau đó là chữ sư, thì sẽ là:
Nhà sư (được hiểu là 1 từ) sẽ được dịch thành Monk,
Nếu ngay sau đó lại là chữ phạm, thì trở thành:
Nhà sư phạm (được hiểu là 1 từ), dịch thành Pedagogue.
Chưa hết, nếu kế sau đó là chữ tội thì sẽ là:
Nhà sư phạm tội, tức là Guilty monk.
Vẫn chưa hết, nếu ngay sau đó còn chữ nghiệp thì:
Nhà sư phạm tội nghiệp, là Pitiful pedagogue.
Chưa hết đâu, một người bạn của tôi còn dẫn chứng một tình huống khó dịch bằng câu tiếng Việt như thế này:
Ông già đi nhanh lắm!
Tùy theo cách ngắt câu (cũng gần như cách xác định đâu là một từ) mà ta có 2 câu dịch khác nhau:
Ông già / đi / nhanh lắm!= The old man walks quickly.
Ông/ già đi / nhanh lắm!= You are getting old so quick.
Chưa kể, nếu ta hiểu đi nghĩa là chết, ra đi vĩnh viễn thì lại có cách dịch thứ ba:
Nếu hiểu Ông già có nghĩa là ba tôi theo cách nói thông dụng thì lại có cách dịch thứ tư, thứ năm…:
Ông già / đi / nhanh lắm!= My father died quickly. My father walks quickly
Bó tay!
Vậy đó, ta cứ chê Google Translate dịch bá láp, nhưng dịch có dễ đâu? Dịch là vật mà!
_________________
Siêu thị Số - số 16, tháng 10/2008
No comments:
Post a Comment